Theo Sở TN&MT TP HCM, tính từ ngày 1/7/2014, thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, đến tháng 7/2023, đơn vị đã cấp 1.516.557 giấy chứng nhận lần đầu cho các tổ chức với tổng diện tích 119.883ha và 1.577.971 giấy chứng nhận lần đầu cho cá nhân.

Đối với 335 dự án nhà ở thương mại, tổng số căn nhà cần cấp giấy chứng nhận 191.101 căn. Trong đó, Sở TN&MT TP HCM đã cấp giấy chứng nhận cho 110.016 căn nhà và còn 81.085 căn nhà chưa có giấy chứng nhận.

Theo Sở TN&MT TP HCM, hơn 81.000 căn nhà chưa có giấy chứng nhận vì nhiều lý do. Tuy nhiên, có 6 nhóm nguyên nhân chính.

Cụ thể, 8.372 căn nhà đã được chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cho người mua và cơ quan thuế đã ra thông báo, chờ người mua đóng thuế. 28.907 căn thuộc các dự án không có vướng mắc nhưng số lượng căn hộ nhiều hoặc chủ đầu tư vẫn đang nộp hồ sơ.

8.918 căn thuộc các dự án có vướng mắc về loại hình bất động sản; 4.653 căn thuộc các dự án có những vướng mắc khác.

19.958 căn tại 39 dự án bị tạm ngừng cấp giấy chứng nhận do phải chờ hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung. 10.277 căn bị tạm ngừng cấp giấy chứng nhận để phục vụ công tác thanh, kiểm tra.

Về vấn đề này, UBND TP HCM cho biết, đã chia thành từng nhóm vướng mắc và đề ra biện pháp tháo gỡ, gắn với trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành.

DNhiều nguyên nhân dẫn đến hơn 81.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng tại TP.HCM Ảnh: Novaland).
Nhiều nguyên nhân dẫn đến hơn 81.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng tại TP HCM. Ảnh minh họa: Novaland.

Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM chủ trì xử lý vướng mắc về hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận, loại hình bất động sản mới, nghĩa vụ tài chính bổ sung, dự án đang thanh tra, kiểm tra, điều tra và các vướng mắc khác.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng trực tiếp giải quyết, tham mưu xử lý các vướng mắc như chủ đầu tư vi phạm về pháp luật xây dựng, nghĩa vụ nhà ở xã hội và dự án có đối tượng sở hữu là cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Về giải pháp cụ thể, đối với dự án chủ đầu tư thế chấp giấy chứng nhận dự án, các sở ngành phối hợp ngân hàng, chủ đầu tư hướng dẫn xóa thế chấp. Nếu chủ đầu tư vẫn không xóa thế chấp, Sở Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản thông báo đến cư dân biết và đề nghị cư dân nộp đơn kiện chủ đầu tư tại tòa.

Đối với các dự án chậm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư đề làm rõ nguyên nhân và đề xuất hướng giải quyết cụ thể, nếu chủ đầu tư cố tình không nộp thì sẽ xử lý.

Ngoài ra, Sở TN&MT cũng tháo gỡ vướng mắc của các loại hình bất động sản mới (officetel, condotel, shophouse) theo Nghị định số 10 năm 2023, có hiệu lực từ ngày 20.5.

Liên quan đến các vi phạm về xây dựng, nếu dự án đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng mà vi phạm một phần thì cấp giấy chứng nhận đối với phần đúng giấy phép, phần sai phép xử lý theo quy định trước khi cấp giấy chứng nhận.

Đối với các vướng mắc về nghĩa vụ nhà ở xã hội, UBND TP HCM giao Sở Xây dựng, Sở TN&MTvà Cục Thuế rà soát, tổng hợp vướng mắc cũng như đề xuất hướng giải quyết để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

Theo Sở TN&MT TP HCM, để tập trung giải quyết 6 nhóm nguyên nhân, nhằm thực hiện cấp sổ hồng cho 81.085 căn nêu trên, đơn vị đã ban hành kế hoạch ngày 11/5/2023 về xây dựng các giải pháp gắn với tiến độ triển khai thực hiện từng nhóm nguyên nhân. Hiện nay, đơn vị đang tập trung triển khai thực hiện.