Lãi suất là gì? Có những loại lãi suất nào và yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất?
Lãi suất là gì?
Khái niệm lãi suất
Lãi suất được hiểu là giá cả của quyền sử dụng một đơn vị vốn vay trong một đơn vị thời gian.
Lãi suất là loại giá cả đặc biệt, được hình thành trên cơ sở giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng của khoản vốn vay là khả năng mang lại lợi nhuận cho người đi vay khi sử dụng vốn vay trong hoạt động kinh doanh hoặc mức độ thoả mãn một hoặc một số nhu cầu nào đó của người đi vay.
Lãi suất được biểu hiện dưới dạng tỷ lệ phần trăm và cũng được xem là tỷ lệ sinh lời mà người chủ sở hữu thu được từ khoản vốn cho vay. Diễn biến của lãi suất ảnh hưởng trực tiếp chủ thể kinh tế, tác động đến những quyết định như chi tiêu để dành, mua nhà hay mua trái phiếu hay gửi tiền vào một tài khoản tiết kiệm của mỗi cá nhân.
Bên cạnh đó, lãi suất còn tác động đến những quyết định của các doanh nghiệp như: dùng tiền để đầu tư hay gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Lãi suất là một trong các biến số được theo dõi chặt chẽ trong nền kinh tế, thông tin về lãi suất được đưa hàng ngày trên báo chí.
Ý nghĩa của lãi suất
Diễn biến của lãi suất có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của mỗi chủ thể kinh tế. Nó tác động đến những quyết định của các cá nhân như chi tiêu hay để dành, mua nhà hay mua trái phiếu hay gửi tiền vào một tài khoản tiết kiệm. Chẳng hạn, người có tiền khi lãi suất thấp họ sẽ đầu tư vào mua sắm, hay để dành ngược lại nếu lãi suất cao họ sẽ dùng vào việc cho vay. Đối với người cần vay vốn, nếu lãi suất thấp họ sẽ vay nhiều hơn để đầu tư kinh doanh, ngược lại lãi suất cao họ sẽ phải cân đối vay hợp lý.
Lãi suất cũng tác động đến những quyết định kinh tế của các doanh nghiệp như: Dùng tiền để đầu tư mua thiết bị mới cho các nhà máy hoặc để gửi tiết kiệm trong một ngân hàng. Do những ảnh hưởng đó, lãi suất là một trong những biến số được theo dõi chặt chẽ nhất trong nền kinh tế và diễn biến của nó được đưa tin hầu như hàng ngày trên báo chí.
Phân loại lãi suất
Để phân loại lãi suất, ta dựa vào nhiều yếu tố khác nhau:
Căn cứ vào giá trị thực của tiền lãi thu được
Lãi suất danh nghĩa (Nominal interest rate): Là lãi suất tính theo giá trị danh nghĩa của tiền tệ vào thời điểm xem xét hay nói cách khác là loại lãi suất chưa loại trừ đi tỷ lệ lạm phát. Lãi suất danh nghĩa thường được công bố chính thức trong các hợp đồng tín dụng và ghi rõ trên công cụ nợ.
Lãi suất thực (Real interest rate): Là lãi suất được điều chỉnh lại cho đúng theo những thay đổi về lạm phát, hay nói cách khác, là lãi suất đã loại trừ đi tỷ lệ lạm phát.
Lãi suất thực có hai loại:
+ Lãi suất thực tính trước (dự tính): là lãi suất được điều chỉnh lại cho đúng theo những thay đổi dự tính về lạm phát.
+ Lãi suất thực tính sau: là lãi suất được điều chỉnh lại cho đúng theo những thay đổi trên thực tế về lạm phát.
Quan hệ giữa lãi suất thực và lãi suất danh nghĩa: Lãi suất danh nghĩa = Lãi suất thực + Tỷ lệ lạm phát.
Căn cứ vào tính chất của khoản vay
Lãi suất tiền gửi ngân hàng: Là lãi suất ngân hàng trả cho các khoản tiền gửi vào ngân hàng. Lãi suất tiền gửi ngân hàng có nhiều mức khác nhau tuỳ thuộc vào loại tiền gửi (không kỳ hạn, tiết kiệm…), thời hạn gửi và quy mô tiền gửi.
Lãi suất tín dụng ngân hàng: Là lãi suất mà người đi vay phải trả cho ngân hàng khi đi vay từ ngân hàng. Lãi suất tín dụng ngân hàng cũng có nhiều mức tuỳ theo loại hình vay (vay thương mại, vay trả góp, vay qua thẻ tín dụng…), theo mức độ quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng… và phụ thuộc cả vào sự thoả thuận giữa hai bên.
Đối với các ngân hàng thương mại, hai loại lãi suất này hình thành nên những khoản thu nhập và chi phí chủ yếu của ngân hàng.
Lãi suất chiết khấu: Là lãi suất áp dụng khi ngân hàng cho khách hàng vay dưới hình thức chiết khấu thương phiếu hoặc giấy tờ có giá khác chưa đến hạn thanh toán của khách hàng. Nó được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên mệnh giá của giấy tờ có giá và được khấu trừ ngay khi ngân hàng đưa tiền vay cho khách hàng. Như vậy lãi suất chiết khấu được trả trước cho ngân hàng chứ không trả sau như lãi suất tín dụng thông thường.
Lãi suất tái chiết khấu: Là lãi suất áp dụng khi Ngân hàng Trung ương cho các ngân hàng trung gian (ngân àng thương mại) vay dưới hình thức chiết khấu lại thương phiếu hoặc giấy tờ có giá ngắn hạn chưa đến hạn thanh toán của các ngân hàng này. Nó cũng được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên mệnh giá của giấy tờ có giá và cũng được khấu trừ ngay khi ngân hàng trung ương cấp tiền vay cho ngân hàng.
Lãi suất tái chiết khấu do Ngân hàng Trung ương ấn định căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ và chiều hướng biến động lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Vì hoạt động tái chiết khấu cung ứng nguồn vốn cho các ngân hàng trung gian nên thông thường lãi suất tái chiết khấu nhỏ hơn lãi suất chiết khấu. Tuy nhiên trong trường hợp cần hạn chế khả năng mở rộng tín dụng của hệ thống ngân hàng, nhằm kiềm chế đẩy lùi lạm phát hoặc phạt các ngân hàng trung gian trong trường hợp vi phạm các yêu cầu về thanh toán, ngân hàng trung ương có thể ấn định lãi suất tái chiết khấu bằng thậm chí cao hơn lãi suất chiết khấu của hệ thống ngân hàng
Lãi suất liên ngân hàng: Là lãi suất mà các ngân hàng áp dụng khi cho nhau vay trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất liên ngân hàng được hình thành qua quan hệ cung cầu vốn vay trên thị trường liên ngân hàng và chịu sự chi phối bởi lãi suất cho các ngân hàng trung gian vay của ngân hàng trung ương. Mức độ chi phối này phụ thuộc vào sự phát triển của hoạt động thị trường mở và tỷ trọng sử dụng vốn vay ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung gian.
Lãi suất cơ bản: Là lãi suất được các ngân hàng sử dụng làm cơ sở để ấn định mức lãi suất kinh doanh của mình.
Lãi suất cơ bản được hình thành khác nhau tuỳ từng nước, nó có thể do Ngân hàng trung ương ấn định hoặc có thể do bản thân các ngân hàng tự xác định căn cứ vào tình hình hoạt động cụ thể của bản thân ngân hàng đó. Hầu hết các nước đều hình thành trên cơ sở thị trường và có một mức lợi nhuận bình quân cho phép. Khi áp dụng đối với các đối tượng có mức rủi ro khác nhau, mức lãi suất kinh doanh sẽ khác nhau.
Căn cứ vào tính linh hoạt của lãi suất quy định
Lãi suất cố định: Là lãi suất được quy định cố định trong suốt thời hạn vay. Nó có ưu điểm là số tiền lãi được cố định và biết trước, nhưng nhược điểm là bị ràng buộc vào một mức lãi suất nhất định trong một khoảng thời gian dù cho lãi suất thị trường đã thay đổi tăng hoặc giảm đáng kể.
Lãi suất thả nổi: Là lãi suất được quy định là có thể lên xuống theo lãi suất thị trường trong thời hạn tín dụng (báo trước hoặc không báo trước). Lãi suất thả nổi vừa chứa đựng cả rủi ro lẫn lợi nhuận. Khi lãi suất tăng lên người đi vay bị thiệt trong khi người cho vay được lợi, ngược lại với trường hợp lãi suất giảm xuống.
Thường thì lãi suất được quy định cố định trong từng kỳ hạn tín dụng, khi chuyển sang kỳ hạn khác thì lại theo lãi suất thị trường tại thời điểm bắt đầu kỳ hạn mới. Ví dụ lãi suất tiền gửi 6 tháng là 0,8%/tháng sẽ không đổi trong suốt 6 tháng, nhưng nếu gửi tiếp kỳ hạn 6 tháng nữa thì sẽ áp dụng lãi suất hiện hành vào thời điểm bắt đầu kỳ hạn mới. Tuy nhiên, với các kỳ hạn dài, ví dụ các khoản vay trung hạn (như 5 năm) thì lãi suất có thể quy định cố định trong suốt 1 năm, sau đó sẽ áp dụng lãi suất hiện hành vào năm tiếp theo.
Căn cứ vào loại tiền cho vay
Lãi suất nội tệ: Là lãi suất cho vay và đi vay đồng nội tệ.
Ví dụ: Ở Việt Nam, các Ngân hàng Thương mại cho người dân, các doanh nghiệp vay bằng VNĐ.
Lãi suất ngoại tệ: Là lãi suất cho vay và đi vay đồng ngoại tệ.
Ví dụ: Một ngân hàng nào đó ở nước Mỹ cho Ngân hàng thương mại Việt Nam vay bằng đồng đôla.
Căn cứ vào nguồn tín dụng trong nước hay quốc tế
Lãi suất trong nước hay lãi suất địa phương (National interest rate): Là lãi suất áp dụng trong các hợp đồng tín dụng trong một quốc gia.
Lãi suất quốc tế (International interest rate):Là lãi suất áp dụng trong các hợp đồng tín dụng quốc tế.
Các hợp đồng tín dụng quốc tế áp dụng mức lãi suất của thị trường quốc gia nào thì lãi suất của thị trường quốc gia đó trở thành lãi suất quốc tế.
Lãi suất địa phương chịu ảnh hưởng của lãi suất quốc tế. Nếu thị trường vốn địa phương đó mà tự do thì lãi suất địa phương có thể sẽ lên xuống theo lãi suất quốc tế.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất
Ảnh hưởng của mức cung cầu tiền tệ đến lãi suất
Cung cầu tiền tệ là tổng thể tiền tệ được sử dụng để giao dịch thanh toán trên thị trường.
Lãi suất là giá cả sử dụng vốn vì vậy bất kỳ sự thay đổi nào của cung và cầu hoặc cả cung và cầu tiền tệ không cùng một tỷ lệ đều sẽ là thay đổi mức lãi suất trên thị trường. Tuy mức biến động của lãi suất ít nhiều phụ thuộc vào các quy định của chính phủ và ngân hàng trung ương, song đa số các nước có nền kinh tế thị trường đều dựa vào nguyên lý này để xác định lãi suất.
Do vậy, có thể tác động vào cung cầu trên thị trường vốn để thay đổi lãi suất trong nền kinh tế cho phù hợp với mục tiêu, chiến lược trong từng thời kỳ chẳng hạn như thay đổi cơ cấu vốn đầu tư, tập trung vốn cho các dự án trọng điểm. Mặt khác, muốn duy trì sự ổn định của lãi suất thì sự ổn định của thị trường vốn phải được đảm bảo vững chắc.
Mối quan hệ giữa mức cung cầu tiền tệ với lãi suất là: Nếu mức cung tiền tệ tăng so với cầu tiền tệ thì lãi suất bị giảm và ngược lại mức cung tiền tệ giảm so với cầu tiền tệ thì lãi suất sẽ tăng.
Ảnh hưởng của lạm phát đến lãi suất
Khi lạm phát được dự đoán tăng trong một thời kỳ nào đó, chi phí thực của việc vay tiền giảm xuống, kích thích người ta đi vay nhiều hơn là bỏ tiền ra cho vay. Lúc này, lãi suất sẽ có xu hướng tăng. Điều này là xuất phát từ mối quan hệ giữa lãi suất thực và lãi suất danh nghĩa và để duy trì lãi suất thực không đổi, tỷ lệ lạm phát tăng đòi hỏi lãi suất danh nghĩa phải tăng lên tương ứng.
Mặt khác, công chúng dự đoán lạm phát tăng sẽ dành phần tiết kiệm của mình cho việc dự trữ hàng hoá hoặc những dạng thức phi tài sản khác như vàng, ngoại tệ mạnh hoặc đầu tư vốn ra nước ngoài nếu có thể. Tất cả những điều này làm giảm cung quỹ cho vay và gây áp lực tăng lãi suất trên thị trường.
Tóm lại, khi lạm phát dự tính tăng, lãi suất tăng. Từ mối quan hệ này cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc khắc phục tâm lý lạm phát đối với việc ổn định lãi suất, sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Ảnh hưởng của ổn định nền kinh tế đến lãi suất
Khi nền kinh tế ổn định và phát triển, của cải vật chất trong xã hội tăng lên, đời sống của người dân ổn định. Lúc này họ không còn chỉ nghĩ tiết kiệm tiền để lo trang trải cuộc sống nữa mà sẽ nghĩ đến gửi lấy lãi tiết kiệm... hoặc đem tiền đi đầu tư vào thị trường chứng khoán chẳng hạn.
Từ đây, cung tiền cho vay tăng lên, lãi suất có xu hướng giảm, ảnh hưởng đến cầu tiền tệ. Khi nền kinh tế phát triển mạnh, các doanh nghiệp có ý định vay vốn để đầu tư kinh doanh, sinh lời. Cầu tiền cho xu hướng tăng lên, lãi suất có xu hướng tăng.
Ảnh hường từ các chính sách của Nhà nước đến lãi suất
Chính sách tài chính: Bao gồm chi tiêu của chính phủ và thuế khóa. Chi tiêu của chính phủ là một nhân tố then chốt định mức tổng chi tiêu. Khi nhà nước thực hiện một chính sách tài chính bành trướng (tăng chi tiêu của Chính phủ và giảm thuế) sẽ ảnh hưởng đến thăng bằng của thị trường hàng hóa và thị trường tiền tệ, từ đó ảnh hưởng đến lãi suất.
Khi chi tiêu của chính phủ tăng trực tiếp làm tăng tổng cầu, đường cầu dịch chuyển về bên phải, khi chính phủ giảm thuế, làm cho nhiều thu nhập hơn được sẵn sang để chi tiêu và làm tăng tổng sản phẩm bằng cách tăng chi tiêu, tiêu dùng. Mức cao hơn của tổng sản phẩm làm tăng lượng cầu tiền tệ, đường cầu dịch chuyển về bên phải, lãi suất tăng. Ngoài ra, thuế còn có thể tác động đến mức sản lượng tiềm năng, chẳng hạn việc giảm thuế đánh vào thu nhập từ đầu tư làm cho các ngành tăng đầu tư vào máy móc, nhà máy, tổng sản phẩm tiềm năng được tăng lên, tăng lượng cầu tiền tệ, đường cầu dịch chuyển về bên phải, lãi suất tăng lên.
Chính sách tiền tệ: Với tư cách ngân hàng của các ngân hàng, ngân hàng trung ương thực hiện vai trò chỉ huy đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng của một quốc gia.
Với công cụ lãi suất, ngân hàng trung ương có thể điều tiết hoạt động của nền kinh tế vĩ mô bằng các phương pháp: quy định lãi suất cho thị trường; thực hiện chính sách lãi suất tái chiết khấu; thực hiện chính sách thị trường mở; thực hiện tăng hay giảm mức dự trữ bắt buộc.
* Chính sách thu nhập: Chính sách về giá cả và tiền lương. Nếu mức giá cả giảm mà cung tiền tệ không thay đổi, giá trị của đơn vị tiền tệ theo giá trị thực tế tăng, bởi vì nó có thể dùng để mua nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn. Do vây cũng như ảnh hưởng của một sự tăng lên trong cung tiền tệ khi mức giá được giữ cố định, làm lãi suất giảm. Ngược lại một mức giá cao hơn làm giảm cung tiền tệ theo giá trị thực tế, làm tăng lãi suất.
Như vậy, một sự thay đổi về chính sách giá cả cũng làm thay đổi lãi suất. Yếu tố cấu thành quan trọng nhất của chi phí sản xuất là chi phí tiền lương, khi tiền lương tăng làm chi phí sản xuất tăng, làm giảm lợi nhuận theo đơn vị sản phẩm tại một mức giá cả, giảm nhu cầu đầu tư, cầu tiền tệ giảm, lãi suất giảm.
Chính sách tỷ giá: Bao gồm các biện pháp liên quan đến việc hình thành quan hệ về sức mua giữa tiền của nước này so với một ngoại tệ khác, nhất là đối với các ngoại tệ có khả năng chuyển đổi. Tỷ giá sẽ tác động đến quá trình sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa của một nước.
Khi nhà nước tăng tỷ giá ngoại tệ sẽ làm tăng giá của hàng nhập khẩu, dẫn đến tăng chi phí đầu vào của các xí nghiệp, giá hàng hóa trong nước tăng lên, lợi nhuận giảm, nhu cầu đầu tư giảm, cầu tiền tệ giảm, lãi suất giảm. Mặt khác, khi tỷ giá ngoại tệ tăng, lượng tiền cung ứng để đảm bảo cân đối ngoại tệ cần chuyển đổi tăng lên, lãi suất giảm.
Vì vậy khi thấy đồng tiền của nước mình sụt giá, Ngân hàng Trung ương sẽ theo đuổi một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, giảm bớt cung tiền tệ, năng lãi suất trong nước, làm cho đồng tiền của mình vững mạnh. Khi tỷ giá ngoại tệ giảm, đồng tiền tăng giá, không kích thích xuất khẩu, nền công nghiệp trong nước có thể bị sự cạnh tranh của nước ngoài tăng lên, kích thích nhập khẩu. Lượng tiền tệ tăng do với một tỷ giá thấp, với một lượng vốn đầu tư nhất định, tài sản đầu tư sẽ nhiều hơn, kích thích đầu tư vào sản xuất, lãi suất tăng lên.
Như vậy, khi có một sự cạnh tranh giữa nền công nghiệp trong nước với công nghiệp nước ngoài tăng lên, có thể gây áp lực buộc ngân hàng trung ương phải theo đuổi một tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ cao hơn nhằm hạ thấp tỷ giá.