Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm tại Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

Nhiều sai phạm tại Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

Cụ thể, Theo báo cáo kiểm toán 2020 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), tại thời điểm giao dự toán hỗ trợ cơ sở vật chất để sửa chữa, mua sắm tài sản, một số đơn vị chưa được Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dẫn đến chưa đảm bảo theo quy định tại mục B, khoản 2, Điều 4 Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18/9/2017 của Bộ Tài chính (Khoa Luật 2.746,1 triệu đồng)

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra công tác mua sắm, sửa chữa tài sản tại Khoa Luật - ĐHQGHN chưa đảm bảo Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn, cụ thể: Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không căn cứ Báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định, hồ sơ chưa đảm bảo chặt chẽ, chưa logic, phê duyệt chủ trương đầu tư thang máy vận tốc 90m/phút với giá dự toán 1.120 triệu đồng; chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn có giá trị lớn hơn 500 triệu đồng chưa phù hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP; chỉ định thầu đơn vị thực hiện dịch vụ vệ sinh với giá trị gói thầu 201,85 triệu đồng là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 15 và khoản 1 Điều 19 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/03/2016 của Bộ Tài chính. Cơ sở thuyết minh một số đề tài cấp cơ sở chưa thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 tại Khoa Luật.

Hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ: Việc thu hợp đồng liên kết đào tạo thạc sĩ với các địa phương còn bất cập (Khoa Luật đã thu và quản lý 100% học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngoài ra địa phương thu thêm một khoản tương đường 30% học phí theo hướng dẫn số 4588/HD-ĐHQGHN ngày 28/11/2017 của ĐHQGHN, địa phương tự thu và trực tiếp quản lý, sử dụng, Khoa Luật không theo dõi khoản thu này); chưa ghi nhận doanh thu đối với một số hợp đồng đã đủ điều kiện tại Khoa Luật phản ánh thiếu doanh thu dịch vụ là 499 triệu đồng (lớp Tiếng anh tăng cường), phản ánh thiếu thu khác 22 triệu đồng.

Hàng loạt sai phạm tại Khoa Luật - DDHQGHN đã được Kiểm toán Nhà nước xác minh, làm rõ.
Hàng loạt sai phạm tại Khoa Luật - DDHQGHN đã được Kiểm toán Nhà nước xác minh, làm rõ.

Việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước: Qua kiểm toán, KTNN phát hiện một số đơn vị xác định không chính xác doanh thu, chi phí, dẫn đến KTNN xác định các khoản thuế phải nộp tăng thêm 1.336,1 triệu đồng gồm: Thuế TNCN 978,5 triệu đồng, thuế TNDN 306 triệu đồng (Khoa Luật 10,1 triệu đồng), thuế GTGT 9,1 triệu đồng, thuế nhà thầu 42,3 triệu đồng.

Việc trích lập, quản lý, sử dụng các quỹ: Khoa Luật chưa dành tối thiểu 5% nguồn thu hợp pháp để phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ theo quy định tại Khoản 6, Điều 12 Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014.

Một số dự án đã kết thúc từ nhiều năm, còn dư kinh phí nhưng không thuyết minh được nội dung chi, không rà soát xử lý theo hướng dẫn tại công văn số 9208/BTC-QLN ngày 11/7/2017 về chấp hành chế độ tài chính đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách trung ương; tiếp nhận dự án viện trợ nhưng không có quyết định phê duyệt dự án của ĐHQGHN (Khoa Luật).

Về chứng từ kế toán Khoa Luật, hồ sơ quyết toán không lưu trữ đầy đủ chứng từ kế toán. Hạch toán không chính xác tính chất các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên tài khoản phải thu, phải trả, TSCĐ.

Có 5/12 cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh vượt hơn 10% so với chỉ tiêu đăng ký trong đó Khoa Luật thực hiện tuyển sinh vượt 11% (631/570 sinh viên). Một số ngành đào tạo thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh vượt cao so với chỉ tiêu đăng ký (ngành Luật - Khoa Luật tuyển sinh vượt 44%).

Đại học Quốc gia Hà Nội và những lùm xùm thời gian qua

Năm 2010, sau khi kết thúc thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị kiểm điểm một loạt cán bộ thuộc huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) và ban giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vì để xảy ra hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai dự án.

Cụ thể, dự án không được lập bản đồ địa chính, không lập kế hoạch sử dụng đất, không đăng ký sử dụng đất... Quá trình triển khai dự án không tuân thủ các trình tự thủ tục về đầu tư xây dựng; chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng không sát thực tế, sai quy định dẫn đến sai phạm số tiền trên 18,6 tỉ đồng, trong đó có tám hộ dân có dấu hiệu giả mạo giấy tờ chiếm đoạt trên 4 tỉ đồng. Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc về tập thể và một số cá nhân thuộc UBND huyện Thạch Thất và ban giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngày 10/1/2013, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra hàng loạt sai phạm trong liên kết đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội từ 2006-2010.

Theo đó Thanh tra Chính phủ cho biết, Trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) – đơn vị được ĐHQGHN thực hiện liên kết đào tạo cử nhân (159) sinh viên và thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA – 2035 học viên) với 2 đối tác nước ngoài là ĐH Griggs và ĐH Dalawave đã mắc nhiều sai phạm. Thanh tra Chính phủ phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của đơn vị này trong việc chi thanh toán cho ĐH Griggs.

Giám đốc và Phó Giám đốc Trung âm ETC lập hợp đồng mức phí trái với quy định của Bộ Tài chính, có nhiều nội dung không làm nhưng vẫn thanh toán đủ số tiền do chính họ làm giám đốc, là cổ đông sáng lập hoặc có cổ phần và là thành viên ban lãnh đạo công ty với số tiền trên 25 tỷ đồng – có dấu hiệu vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng và Bộ Luật hình sự. Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện một số danh sách học viên tham gia khóa đào tạo do Ban quản lý dự án Ailen (chủ đầu tư) ký hợp đồng với Trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) liên kết với Trường ĐH Upsala – Thụy Điển đào tạo thạc sĩ chuyên ngành quản lý công sai quy định (cán bộ tham gia khóa học được dự án chi trả học phí tương đương 9.900 USD/học viên).

Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi các khoản tiền vi phạm về ngân sách nhà nước. Giám đốc ĐHQGHN có trách nhiệm nộp 21 tỷ 373 triệu đồng do đã yêu cầu các đơn vị trích nộp trái quy định về ngân sách nhà nước.

Năm 2017, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải rút kinh nghiệm vì thanh tra Đại học Quốc gia Hà Nội chưa đầy đủ theo kế hoạch, một số dự án lớn chưa được thanh tra.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra trách nhiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về bộ máy, quản lý tài chính và thực hiện các dự án giai đoạn 2013-2015. Cụ thể, theo kết luận thanh tra, ngoài những kết quả đạt được, việc thực hiện một số dự án đầu tư giai đoạn 2013-2015 của Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị thành viên, trực thuộc còn nhiều hạn chế, thiếu sót.

Chẳng hạn, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện việc phân bổ, giao dự toán hằng năm cho các đơn vị cấp dưới còn chậm so với quy định; chưa xây dựng mức thu lệ phí dự tuyển vào THPT chuyên của Đại học Quốc gia Hà Nội mà để các trường tự xây dựng theo các đợt tuyển sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội giao chủ đầu tư không có chức năng chuyên môn và không có đủ cán bộ có năng lực trực tiếp quản lý dự án là không đúng quy định.

Một số trường trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thu ngoài quy định các khoản thu có tính chất phí, lệ phí như: Đai học Ngoại ngữ hơn 500 triệu đồng; Đại học Kinh tế gần 300 triệu đồng; Đại học Khoa học xã hội và nhân văn gần 350 triệu đồng…

Đối với việc thực hiện các dự án đầu tư, theo Thanh tra Chính phủ, công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán công trình chưa sát với thực tế, có sai sót. Riêng với công trình trường THPT chuyên ngoại ngữ, các sai sót trong lập, thẩm định và phê duyệt làm tăng giá trị hơn 200 triệu đồng.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư các dự án xử lý số tiền phát hiện qua thanh tra hơn 2,4 tỉ đồng. Đồng thời, Đại học Quốc gia Hà Nội phải thu hồi từ các đơn vị nhà thầu xây lắp nộp về tài khoản của dự án gần 600 triệu đồng.

Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp xem xét kết luận thanh tra này.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc là một dự án lớn, vốn ngân sách không đủ nên đầu tư dàn trải, kéo dài dẫn đến lãng phí và tăng vốn đầu tư do nhiều nguyên nhân khách quan.

Phó thủ tướng yêu cầu Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá lại tính khả thi quy hoạch Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, nghiên cứu giảm diện tích bồi thường, giải tỏa (còn 15%) để tập trung vốn cho đầu tư xây dựng công trình ưu tiên, trọng điểm.

Thực hiện các giải pháp kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn của xã hội, tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo; báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về các vấn đề trên.

Phó thủ tướng cho rằng Thanh tra Chính phủ chưa thanh tra đầy đủ phạm vi thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch thanh tra, nhất là một số dự án lớn chưa được thanh tra.

Năm 2018, cộng đồng mạng xôn xao thông tin về việc TS Nguyễn Bá Cường, giảng viên bộ môn tư pháp quốc tế, Khoa Luật - ĐH QGHN bị tố có những hành vi thiếu chuẩn mực với sinh viên nữ.

Theo báo Người Lao Động đưa tin, sinh viên Hoàng Thị Thu Uyên - nữ sinh từng bị thầy Cường nhắn tin nhiều lần, cho biết trong đơn kiến nghị gửi lên lãnh đạo Khoa Luật, cô đề cập 3 việc: Thứ nhất, thầy Cường thường xuyên đi dạy muộn đến 1/3 thời lượng buổi học. Khi đến lớp, thầy còn "khoe mẽ" về bản thân khiến sinh viên phải cố gắng nghe cho qua chuyện. Thứ 2, thầy Cường nhắn tin cho sinh viên nữ không đúng chuẩn mực. Thứ 3, thầy Cường trù dập điểm sinh viên.

"Thực tế ngoài em ra còn có 5 đơn đề nghị khác của các nữ sinh, lên tiếng về thầy Cường. Nhưng thầy Cường không trả lời về trường hợp của những nữ sinh đó. Em là người trong cuộc, được đọc các tin nhắn giữa thầy và những bạn đó, em biết rõ là nó thiếu đứng đắn và có phần quấy rối. Hoàn toàn không đơn thuần là trêu đùa như thầy nói"- Thu Uyên cho biết.

Nữ sinh này nói thêm sau khi đưa thông tin, mình đã bị thầy Cường viết đơn tố cáo gửi đến khoa, trong đó "khép" Uyên vào các tội hình sự như vu khống và làm nhục người khác, đồng thời thầy yêu cầu khoa buộc thôi học em và chuyển cho cơ quan điều tra hình sự xử lý.

Nữ sinh này cũng chia sẻ những năm trước mình được thầy Cường đề nghị kèm cặp trong học tập. Tuy nhiên sau đó, thầy muốn được trả công chứ không nhận cảm ơn suông. Những lời nói, những tin nhắn của thầy khiến nữ sinh này cảm thấy bị quấy rối, rất khó chịu.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí khi có đơn tố cáo, TS Nguyễn Bá Cường, giảng viên bộ môn tư pháp quốc tế của Khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng sự việc trên là không chính xác, đó chỉ là việc làm của một số cá nhân nặc danh nhằm vu khống, xúc phạm mình trên mạng xã hội. Theo ông Cường, tất cả nội dung tố cáo trên là trò bịa đặt, vu khống, được tung lên để xúc phạm danh dự của cá nhân ông và Khoa Luật.