Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “quốc bảo Sâm Ngọc Linh phải trở thành quốc kế dân sinh chứ không phải chưng tủ kính”. Song để hiện thực hóa giấc mơ tỉ đô bên cạnh nâng cao sản lượng, chất lượng … cần kiểm soát tốt vấn nạn làm giả ngày càng phức tạp, nhằm gỡ rào cản phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Bát nháo hàng giả
Sâm Ngọc Linh có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, là thương hiệu quốc gia với tiềm năng lớn xây dựng thương hiệu quốc tế. Song vị thế sâm Ngọc Linh hiện nay vẫn chưa phát triển xứng tầm.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phấn khởi khi từ khi sâm Ngọc Linh được đầu tư phát triển, thu nhập người dân huyện Nam Trà My nâng lên đáng kể. “Nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa kiên cố, khang trang, sắm xe ô tô. Nhiều nhà có tài sản hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng”, ông Bửu cho biết.
Đánh giá khó khăn trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh ông Hồ Quang Bửu liệt kê loạt lý do chính xuất phát từ tình trạng buôn bán hạt giống, cây giống không rõ nguồn gốc, sản phẩm giả mạo sâm Ngọc Linh tràn lan trên thị trường. Người tiêu dùng thiệt đơn thiệt kép cả kinh tế lẫn sức khỏe và ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất, nguồn gene gốc cũng như thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Bên cạnh đó, lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định công nghệ ứng dụng vào công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc sâm Ngọc Linh chưa phát triển cũng là trở ngại đáng kể cho công tác quản lý.
Nằm trên đỉnh Ngọc Linh, 600ha sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng tự nhiên là công sức miệt mài 20 năm của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 - một trong những đơn vị tiên phong bảo vệ, phát triển và nhân giống nguồn gene “vàng xanh”.
Ông Nguyễn An – Giám đốc Thương mại Công ty gắn bó với cây sâm này nhiều năm rành rẽ từng ngọn rễ, chiếc lá sâm Ngọc Linh. Ông trăn trở trước việc tìm một giải pháp thích hợp để kiểm soát và hạn chế tối đa nạn “đội lốt” sâm Ngọc Linh, khi doanh nghiệp, thậm chí dân bản địa mang những cây và hạt giống có nguồn gốc từ phía Bắc vào vùng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trồng.
Nguy hiểm hơn, một số doanh nghiệp và nhà khoa học công khai mang cây giống từ Trung Quốc vào trồng rồi tuyên bố di thực và trồng thành công cây sâm Ngọc Linh theo hướng công nghệ cao của Hàn Quốc. Nguồn cung “báu vật đại ngàn” khan hiếm nhưng được làm giả từ sâm Trung Quốc, tam thất giả bơm chất kích thích như thật rao bán với số lượng bao nhiêu cũng có.
“Nhìn cả vườn chúng tôi biết ngay không phải sâm Ngọc Linh mà là cây từ biên giới phía Bắc mang vào. Đã là nhà khoa học, họ biết xuất xứ nhưng vẫn công khai làm như vậy, thật không thể tin được”, ông Nguyễn An băn khoăn đặt lại câu hỏi về một Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề di thực thành công cây sâm Ngọc Linh ông từng tham dự.
Cây, củ giả giá vài trăm nghìn đồng khi “hô biến” gắn mác sâm Ngọc Linh tăng vài triệu thậm chí ngang giá bán sâm Ngọc Linh thật. “Dược liệu quý, giá trị kinh tế cao nên nhiều địa phương muốn di thực giống về trồng dẫn đến đa phần nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và không kiểm soát được chất lượng”, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương Mại, Bộ Công Thương nói về rào cản lớn.
Ngay trên “cái nôi” sâm Ngọc Linh tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, nạn làm giả sâm Ngọc Linh đang diễn ra tràn lan, công khai, có tính chất ngày càng phức tạp.
Phát triển thương hiệu đi liền với bảo vệ thương hiệu
Để sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia, bên cạnh tiếp tục nghiên cứu, định hướng, tập trung đầu tư, cần lắm sự quản lý chặt chẽ nguồn giống sâm đưa vào gây trồng. Sớm thiết lập khu vực bảo tồn nguồn gene thuần chủng song song với xây dựng chương trình tổng thể của quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh với các cơ chế khơi thông nguồn lực và thu hút đầu tư.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh để thực hiện giấc mơ tỷ USD từ sâm Ngọc Linh, làm giàu bền vững cho bà con Xơ Đăng: “Cần xây dựng chính sách môi trường thông thoáng để ngành sâm phát triển, trong đó quan trọng là cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia về sâm Ngọc Linh và chính sách ưu đãi trong đầu tư vay vốn trồng, chế biến cũng như tiêu thụ sâm Ngọc Linh".
Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 – định hướng đến 2045 nhận được nhiều sự quan tâm thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo Nâng tầm sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu Quốc gia tổ chức ngày 6/8 tại tỉnh Quảng Nam.
Tham vọng sâm Ngọc Linh sẽ sánh ngang sâm Hàn Quốc, có ngành công nghiệp sâm bài bản. Việt Nam hướng tới đến gây dựng năm 2030 diện tích sâm tự nhiên, mở rộng quy mô khoảng 100.000ha tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An và Lai Châu. Hình thành vùng nguyên liệu tập trung sản lượng khai thác đạt 400 - 500 tấn/năm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng GMP – WHO hoặc tương đương.
Hình thành cơ sở, nhà máy chế biến, phát triển sản phẩm, đảm bảo diện tích trồng sâm được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 1 trung tâm kiểm định, 2030 có 3 trung tâm kiểm định nguồn gốc, chất lượng sâm tại vùng trọng điểm. Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch khẳng định: “Ngành du lịch có thể hỗ trợ mạnh mẽ lan tỏa tên tuổi sâm Ngọc Linh ra khắp thế giới, quảng bá mạnh mẽ thương hiệu du lịch sâm Ngọc Linh”.
Dự hội thảo, Chủ tịch nước chỉ đạo các địa phương và cấp ngành bảo tồn phát triển cây sâm Ngọc Linh đạt giá trị cao hơn về kinh tế và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, ưu tiên trước hết cho người Việt. Tăng cường ứng dụng công nghệ nuôi trồng chế biến sâm Ngọc Linh, tạo ra đột phá cho ngành dược liệu, thực phẩm chức năng.
“Cây sâm Ngọc Linh cần được khởi tích có một lịch sử rõ ràng, một câu chuyện, giai thoại về sâm Ngọc Linh để tăng giá trị. Bảo hộ hiệu quả giá trị thương hiệu và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia Việt Nam chứ không đơn thuần là thương hiệu của một sản phẩm thuần túy hay doanh nghiệp” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo. |
© thitruongbiz.vn