Dù bạn đi xe côn tay, xe côn tự động hay xe ga thì nguy cơ chết máy khi di chuyển qua những đoạn đường ngập nước là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu bạn chú ý quan sát và cẩn trọng khi di chuyển thì hoàn toàn có thể tránh khỏi những rủi ro có thể xảy ra.

Đi xe máy qua đường ngập nước như thế nào để tránh xe bị chết máy?

Vào những ngày mưa lớn và kéo dài sẽ khiến hệ thống thoát nước đô thị khó có thể xử lý kịp. Chính vì thế, những đoạn đường ngập nước chắc chắn sẽ xuất hiện khi bạn di chuyển trên đường.

Do đó, khi di chuyển vào ngày mưa lớn bạn đầu tiên cần chú ý là hạn chế tối đa việc đi qua những đoạn đường có khả năng xảy ra ngập sâu. Hãy sẵn sàng chọn đường khác hay đi đường vòng nếu biết đoạn đường phía trước đang ngập trong nước. Bởi tưởng như tiết kiệm thời gian khi di chuyển qua đường ngập nhưng thực tế bạn có thể sẽ tốn gấp vài lần thời gian cho việc xe chết máy hay tắc đường khi đi qua đoạn ngập.

Hướng dẫn đi xe máy qua đường ngập nước và cách sửa xe máy khi bị ngập nước, chết máy
Khi xe bị chết máy khi qua đoạn đường ngập nước, bạn hãy tắt hệ thống điện rồi dắt xe qua khu vực ngập nước. Không cố gắng đề nổ sẽ gây hư hỏng thêm cho xe.

Nếu bắt buộc phải di chuyển qua đoạn đường ngập, hãy chú ý đi chậm và theo lối xe người đi trước đã đi qua an toàn. Còn nếu bạn không có ai đi trước, hãy bình tĩnh quan sát và di chuyển thật từ tốn.

Đối với xe số (xe côn tay và xe côn tự động): Khi đi qua những đoạn ngập, nếu muốn an toàn vượt qua mà không sợ chết máy thì tốt nhất nên đi ở số thấp ( số 1 hoặc 2) và cần phải giữ đều ga. Việc giữ đều ga sẽ khiến cho nước không xâm nhập vào ống xả do hơi đẩy ra ngoài, hạn chế đi nhanh hay bóp phanh hoặc giảm ga đột ngột sẽ khiến xe chết máy ngay lập tức bởi nước sẽ dễ dàng xâm nhập vào ống xả.

Khi đã di chuyển qua khu vực ngập nước, tiếp tục giữ đều ga và đi chậm vừa đảm bảo an toàn vừa giúp xe hoạt động ổn định. Sau đó, khi có thời gian bạn hãy ngay lập tức đi thay dầu máy cho xe. Nếu lỡ để xe chết máy thì phải đem đi rửa máy ngay, vì nước đã theo đường ống xả hoặc lỗ cân bằng áp suất lọt vào trong máy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ bền của xe.

Đặc biệt chú ý: Nhiều người đi xe máy qua đoạn đường ngập thường có thói quen gác chân lên lốc máy hoặc baga trước để tránh nước bắn lên giày dép và quần. Tuy nhiên, hành động này là vô cùng nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Bởi không để chân trên chân phanh và chân số bạn sẽ rất khó xử lý khi bắt gặp tình huồng giao thông đột ngột. Do đó, dù nước ngập cao, bạn hãy luôn giữ hai chân ở đúng vị trí tránh để xảy ra việc không kiểm soát được phương tiện khi tham gia giao thông.

Hướng dẫn đi xe máy qua đường ngập nước và cách sửa xe máy khi bị ngập nước, chết máy
Di chuyển qua đoạn đường nước ngập cao, bạn hãy luôn giữ hai chân ở đúng vị trí tránh để xảy ra việc không kiểm soát được phương tiện khi tham gia giao thông.

Đối với xe ga: Khi di chuyển qua đoạn đường ngập nước, người điều khiển xe tay ga cần chạy thật đều ga, không nên ga mạnh và nên tránh những nơi nước ngập sâu qua phần ống bô.

Động cơ của xe ga được thiết kế khác biệt so với những chiếc xe số, hệ thống điện và nén là những bộ phận khá nhạy cảm với nước.Vì thế nếu gặp phải vùng nước ngập, nên cân nhắc thật kỹ xem xe có di chuyển qua được hay không, bởi nếu xe bị ngập nước thì chi phí sửa chữa sẽ phức tạp hơn xe số và rất tốn kém.

Nếu đoạn đường phía trước nước ngập cao quá ống xả, tốt nhất hãy dừng xe và gọi cứu hộ đến. Còn nếu đoạn ngập ngắn, bạn nên tắt máy và dắt xe qua khu vực nước ngập.

Cách khắc phục xe bị ngập nước

Phát hiện ra xe máy bị ngập nước khá đơn giản, đó chính là khi bạn nghe thấy có tiếng kêu phát ra ở hệ thống truyền động gần bánh xe khi xe chạy. Bên cạnh đó, vì có nước mưa, bùn đất bám vào các vòng bi. Nên bộ phận này của xe máy bị rơ, khi quay sẽ bị gợn, phát ra tiếng rào rào trên các bánh răng. Từ đó, làm giảm khả năng truyền động của xe.

Đơn giản hơn là nếu đang di chuyển qua đoạn đường ngập nước mà xe bị chết máy đột ngột thì chắc chắn xe bạn đã bị ngập nước đến 99%.

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng xe máy ngập nước thường gặp bao gồm:

Do nước ngập vào ống xả, trong quá trình ngập tài xế nhấn ga ở tốc độ quá nhẹ hoặc không ấn ga. Khí đẩy ra ngoài chậm làm cho nước chui vào bên trong ống xả. Nước xâm nhập vào bên trong làm tắc đường dẫn thoát dẫn đến khả năng chết máy của xe.

Nước vào ống hút, sau đó chạy xuống chế hòa khí với xăng. Dẫn đến xe máy bị sặc nước và làm xe không thể nổ được.

Nguyên nhân thứ 3 là bugi bị dính nước. Bugi xe máy là bộ phận đánh lửa của động cơ, sử dụng trong thời gian dài sẽ khiến bugi bị bám muội và hoạt động yếu đi.

Hướng dẫn đi xe máy qua đường ngập nước và cách sửa xe máy khi bị ngập nước, chết máy
Khi xe bị ngập nước, dắt xe ra khỏi khu vực nước ngập và đến chỗ cao khô, thoáng sau đó dựng chân chống giữa rồi nghiêng xe về phía cuối để nước trong ống xả chảy hết ra ngoài.

Hướng dẫn xử lý, khắc phục khi xe bị ngập nước và chết máy

Đối với xe số bị ngập nước và chết máy, cách khắc phục gồm 5 bước:

Bước 1: Không cố gắng đề nổ hay đạp cần khởi động xe.

Bước 2: Tắt công tắc điện, dắt xe ra khỏi khu vực nước ngập và đến chỗ cao khô, thoáng sau đó dựng chân chống giữa rồi nghiêng xe về phía cuối để nước trong ống xả chảy hết ra ngoài.

Bước 3: Dùng dụng cụ tháo lắp của xe tiến hành tháo bộ phận bugi. Lau chùi thật khô sau đó đốt đầu bugi để cho khô hoàn toàn và lắp lại.

Bước 4: Khóa van xăng và xả hết số xăng cũ còn đọng lại trong bộ chế hòa khí.

Bước 5: Nổ máy từ từ để xe xả hết bọt nước trong ống xả và làm nóng máy.

Lúc này, xe có thể sẽ đề nổ hoặc đạp nổ lại được. Nhưng bạn chỉ nên di chuyển tạm thời, tốt nhất sau đó nên ngay lập tức mang xe đến cửa hàng sửa chữa hoặc trung tâm bảo hành để kiểm tra kĩ.

Còn đối với xe ga khi bị ngập nước, chết máy: Bạn không nên cố khởi động lại xe, có thể làm cho xe hư hỏng nặng thêm. Việc nên làm là đưa xe đến cửa hàng sửa chữa gần nhất hoặc trung tâm bảo dưỡng xe để xe được kiểm tra và chăm sóc kỹ càng hơn.

Quy trình bảo dưỡng xe bị ngập nước, chết máy

Bước 1:Thay toàn bộ dầu máy mới, xử lý kỹ trong máy bằng dầu nhớt chuyên dụng nhằm đảm bảo không có một chút nước nào còn sót lại.

Bước 2: Rửa xe, xì khô và làm sạch tất cả bộ phận của xe máy, nhất là các đầu mối trong hệ thống điện.

Bước 3: Làm sạch hệ thống phanh để giảm tình trạng bị mòn má phanh.

Bước 4: Dùng mỡ hoặc dầu máy để làm sạch bụi bẩn bám trên xích xe, chân phanh.

Bước 5: Kiểm tra thường xuyên nắp đậy bu-gi xem có ổn định hay không, có bị hở hay không trước khi di chuyển trong trời mưa.

Bước 6: Kiểm tra, làm sạch các bộ phận khác như bộ phận lọc gió, bộ chế hòa khí, ống xả.