Trong một hồ sơ gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), HSBC cho biết lãi suất trái phiếu vĩnh viễn đã được ấn định ở mức 8%. Trái phiếu vĩnh viễn là trái phiếu bán khống không có ngày tháng đáo hạn. Trái phiếu vĩnh viễn có thể được coi là vốn chủ sở hữu, không phải là nợ.

Các nhà đầu tư tiềm năng đã được thông báo tại buổi huy động vốn ngày 28/2 rằng mức lãi suất ban đầu áp dụng cho những trái phiếu này là 8,5%. Tuy nhiên, con số này đã thay đổi dựa trên nhu cầu từ các nhà đầu tư.

Ngày 28/2, Reuters đưa tin rằng HSBC đã đặt mục tiêu huy động tới 1,5 tỷ USD song con số cuối cùng đã vượt mục tiêu ban đầu.

HSBC cho biết tập đoàn dự định sử dụng số tiền huy động được để tái cấp vốn cho một số khoản nợ, các hoạt động chung của công ty.

Trụ sở HSBC. (Ảnh: Vietnam+)
Trụ sở HSBC. Ảnh: Vietnam+

Vào giữa tháng 2 vừa qua, ông Surendra Rosha, đồng tổng giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC đã đề xuất về việc huy động nguồn lực tài chính quy mô 12 tỉ USD cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 tại Việt Nam.

Ông Surendra Rosha cho biết trong năm 2023, HSBC tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong lộ trình giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Cụ thể, HSBC đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thảo luận các bước cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động theo hướng xanh hơn; thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ carbon…

"HSBC rất mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm chuyển đổi xanh, chuyển đổi số mà ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0", ông Surendra Rosha bày tỏ.

Đánh giá cao chiến lược tiên phong của HSBC trong thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn ngân hàng trở thành "bộ lọc tín dụng". Theo đó, tích cực tham gia vào các dự án đầu tư khu công nghiệp xanh, nhà máy không phát thải; giảm phát thải khí nhà kính.

Trọng tâm là các lĩnh vực giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp; trồng, khai thác, bảo tồn rừng bền vững; các dự án sản xuất pin, xe điện, năng lượng tái tạo, chuyển đổi các dự án đầu tư nhiệt điện than sang hướng thân thiện hơn với môi trường; hình thành trục truyền tải năng lượng tái tạo trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương...

Bên cạnh đó là các lĩnh vực cần tập trung, ưu tiên trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Vấn đề thể chế, chính sách để các ngân hàng, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có HSBC, yên tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.