Nguyên nhân được đưa ra là Chứng khoán Trí Việt vừa báo có kết quả lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính 2022 đã kiểm toán bị âm. Mặt khác, cổ phiếu TVB đang trong diện chứng khoán bị hạn chế giao dịch vì chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

HoSE: Chứng khoán Trí Việt bị đưa vào diện cảnh báo
Chứng khoán Trí Việt bị đưa vào diện cảnh báo. Ảnh minh họa

Cụ thể, trên BCTC kiểm toán năm 2022, kiểm toán có ý kiến ngoại trừ về số dư các khoản phải thu khác của Công ty tại ngày 31/12/2022 bao gồm số tiền 480.69 tỷ đồng là các khoản chuyển tiền trong năm 2022 cho các doanh nghiệp, đối tác bên ngoài theo các Hợp đồng môi giới mua chứng khoán, được Công ty giải trình để phục vụ mục đích hợp tác tìm kiếm cơ hội đầu tư chứng khoán. HĐQT và Ban Tổng giám đốc Công ty đã quyết định trích lập dự phòng tổn thất với tỷ lệ 70% số dư nợ của các khoản phải thu nói trên với số tiền 336.48 tỷ đồng, giá trị thuần của các khoản nợ phải thu trên trên Bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2022 là 144.2 tỷ đồng.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TVB, bà Phạm Thị Thanh Huyền - Chủ tọa đại hội cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty - cho biết nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu bị hạn chế giao dịch là vì chậm công bố BCTC kiểm toán năm 2022 do vấn đề người đại diện pháp luật. Công ty đã khắc phục xong vấn đề này và đã công bố BCTC năm 2022 kiểm toán.

Theo BCTC kiểm toán 2022, doanh thu TVB gần 157 tỷ đồng, giảm 67% so với năm trước và lỗ sau thuế gần 318 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu này đều không hoàn thành kế hoạch đề ra.

Theo TVB, nguyên nhân dẫn đến việc không hoàn thành kế hoạch doanh thu do tình hình thị trường không thuận lợi. Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh trong năm 2022 cả về điểm số và thanh khoản nên doanh thu phí môi giới, doanh thu cho vay margin và lợi nhuận từ hoạt động tự doanh đều không đạt kế hoạch.

Còn việc kinh doanh lỗ do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản tiền đặt cọc hợp đồng môi giới mua chứng khoán. Ban Tổng Giám đốc đánh giá sẽ rất khó trong việc thu hồi các khoản tiền đặt cọc trên. Ban Tổng Giám đốc đã trích lập dự phòng rủi ro tài chính với 70% số dư nợ của các khoản phải thu. Bên cạnh đó, một phần cũng do kết quả kinh doanh 2021 quá đột biến so với hoạt động kinh doanh trước đây khi thị trường chứng khoán thuận lợi.

Bên cạnh đó, sau kiểm toán có sự chênh lệch lớn giữa BCTC tự lập và BCTC kiểm toán. Cụ thể, trên BCTC tự lập, năm 2022, Công ty lãi 18.6 tỷ đồng, còn trên BCTC kiểm toán lỗ 318 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TVB, một cổ đông có thắc mắc về vấn đề này. Bà Nguyễn Thị Hằng - Thành viên HĐQT TVB cho biết nguyên nhân do trích lập dự phòng phải thu khó đòi, thu hồi công nợ. Ngoài ra, bà Hằng cho biết thêm TVB vẫn đang tích cực liên lạc với các đối tác để nắm sát các khoản phải thu và theo sát, đôn đốc thu hồi công nợ, nếu thu hồi được sẽ ghi nhận vào khoản lợi nhuận năm 2023.

Năm 2023, kế hoạch doanh thu và lãi sau thuế của TVB lần lượt ở mức 62 tỷ đồng (giảm 60% so với năm trước) và 16 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức tối đa không thấp hơn 10% vốn điều lệ, căn cứ vào kết quả kinh doanh và lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. TVB sẽ không thực hiện trích lập các quỹ và chia cổ tức năm 2022 do kết quả kinh doanh lỗ và số dư lợi nhuận chưa phân phối âm 182 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch 21/6, cổ phiếu TVB đã tăng 290 đồng, lên 6.350 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đáy vào tháng 11/2022 thì TVB đã tăng hơn gấp đôi, đi từ dưới 3.000 đồng/cổ phiếu lên 6.350 đồng/cổ phiếu.