Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank đồng loạt giảm lãi suất huy động
Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank đồng loạt giảm lãi suất huy động

Cụ thể, tại Agribank lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 5,8%/năm và lãi suất kỳ hạn 13 tháng trở đi chỉ còn 5,5%/năm, giảm 0,5 điểm % so với trước. Với BIDV, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng đều giảm 0,3 điểm % xuống còn 3-3,8%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng giảm từ 5% xuống 4,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng điều chỉnh mạnh từ 6,3% xuống còn 5,8%, tức giảm tới 0,5 điểm %.

Còn VietinBank cũng có sự điều chỉnh giống BIDV, lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhà băng này chỉ còn 5,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Tương tự với Vietcombank, lãi suất huy động giảm 0,3-0,5 điểm % ở hàng loạt kỳ hạn từ hôm nay 23/8. Theo đó, biểu lãi suất tại quầy của ngân hàng khá tương đương với BIDV, đều niêm yết kỳ hạn 1 tháng – 3 tháng – 6 tháng lần lượt là 3% – 3,8% – 4,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên giảm 0,5% xuống 5,8%/năm.

Theo thống kê, nhóm ngân hàng Big 4 đã trở thành những ngân hàng có lãi suất thấp nhất trong hệ thống. Trước đó, do các ngân hàng tư nhân liên tục điều chỉnh còn nhóm Big 4 đứng yên trong gần 2 tháng, lãi suất của một số ngân hàng tư nhân đã về ngang với nhóm Big 4 và thậm chí là còn thấp hơn.

Động thái giảm lãi suất của các ngân hàng vẫn diễn ra liên tục khi vừa qua Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo hạ lãi suất cho vay.

Trước đó vào giữa tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm tiếp lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Cụ thể, mức giảm lãi suất phấn đấu tối thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại Diễn đàn Kinh doanh 2023 chủ đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng” do Forbes Việt Nam tổ chức vào chiều 17/8, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) nhận định nhìn vào lãi suất hiện tại cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm lãi suất. Đây là điểm sáng của nền kinh tế.

Trong tháng 6-7 vừa qua, tăng trưởng xuất khẩu cùng các dấu hiệu vĩ mô có phục hồi trở lại, đầu tư công tăng trưởng tốt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam... “Quan trọng lúc này là làm sao để củng cố niềm tin của dòng vốn đầu tư, hay tiêu dùng cá nhân sẽ tăng trưởng trở lại khi chi phí vốn, lãi suất cho vay tương đối ổn định… MB đang phục vụ khoảng 23 triệu khách hàng và qua dữ liệu cho thấy nhu cầu đầu tư, vay vốn, chi tiêu thường dựa trên cơ sở là khả năng bảo đảm chi tiêu của từng người. Trong bối cảnh nền kinh tế có cơ hội hơn, ổn định hơn đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng gần đây tăng lên” - ông Thái nói.

Chủ tịch HĐQT MB cũng cho hay, ngân hàng đang đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số với định hướng không chỉ là ngân hàng mà còn muốn trở thành doanh nghiệp số. MB xác định các nền tảng số sẽ chiếm khoảng 50% doanh thu cho ngân hàng trong khoảng 4 năm nữa, và hiện tại đã chiếm khoảng 20% doanh thu.

Trước đó, bối cảnh kinh tế khó khăn khiến lãi suất đầu vào và cho vay đều tăng lên, khách hàng có khả năng chống chịu thấp đi, nhu cầu sản xuất kinh doanh yếu khiến nợ xấu của toàn ngành tăng, chi phí rủi ro tăng mạnh. Từ đó, buộc các ngân hàng phải giảm nhanh chi phí, thận trọng hơn trong quyết định cho vay, đồng thời tăng đầu tư công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả.