Ngày 10/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức hội nghị để lấy ý kiến về việc thực hiện các dự án tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, thị xã Đông Hòa). Nhiều nhà đầu tư đề xuất tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án gang thép, lọc hóa dầu, xây dựng cảng biển.

Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm: Dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hòa Tâm, Cảng bãi Gốc, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và Khu thương mại - Dịch vụ.

Tổng mức đầu tư đối với 4 dự án trên dự kiến hơn 120.000 tỉ đồng. Trong đó, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát trong Khu Công nghiệp Hòa Tâm dự kiến có vốn đầu tư 80.000 tỉ đồng.

Phía Hòa Phát cho biết, tiến độ đầu tư thực hiện dự án là 36 tháng sau khi được cấp chủ trương đầu tư và bàn giao đất. Riêng dự án Khu thương mại - Dịch vụ triển khai đồng bộ với đầu tư Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và các dự án thứ cấp khác.

Về công nghệ, Hòa Phát sẽ đầu tư trang thiết bị công nghệ, hệ thống công trình bảo vệ môi trường (hệ thống quan trắc môi trường tự động, xử lý nước, lọc bụi, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn…) theo tiêu chuẩn châu Âu, G7, G20 và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của Việt Nam.

Đối với nguồn vốn, doanh nghiệp đầu ngành thép này sẽ đầu tư các dự án tại Phú Yên bằng 50% vốn tự có và 50% còn lại là vốn vay từ tổ chức tài chính khác.

Nhà máy thép Hòa Phát
Nhà máy thép Hòa Phát.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát mong muốn tỉnh Phú Yên cập nhật đề xuất các dự án của Hòa Phát vào Quy hoạch chung Khu kinh tế Nam Phú Yên, Quy hoạch tỉnh Phú Yên để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án.

“Chúng tôi đã chính thức gửi đề xuất khu liên hợp gang thép Hòa Phát với sản lượng là 6 triệu tấn/năm. Với tư cách là người đứng đầu của Hòa Phát, tôi xin cam kết tập đoàn rất quyết quyết tâm đầu tư vào đây. Dự án này của chúng tôi đều minh bạch, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu thông tin, đáp ứng mọi thắc mắc còn lại”, ông Long nói.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2023, HPG đặt kế hoạch doanh thu đạt 160 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so năm 2022 và lợi nhuận sau thuế 8 nghìn tỷ đồng, suy giảm 8%.

Riêng trong quý 1/2023, HPG thực hiện được 26,6 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 40% so cùng kỳ. Lãi ròng 397 tỷ đồng, cũng lao dốc 95% so cùng kỳ nhưng khả quan hơn mức lỗ 2 nghìn tỷ đồng quý 4/2022.

Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của Hòa Phát tăng thêm hơn 5.000 tỷ lên 175.408 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt và gửi ngân hàng chiếm 35.289 tỷ đồng, tăng nhẹ so đầu kỳ; Các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh 40% khi chiếm 13.830 tỷ đồng chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng và phải thu khác; Hàng tồn kho xấp xỉ đầu kỳ với 34.307 tỷ đồng. HPG đã dự phòng cho hàng tồn kho này là 288 tỷ đồng, giảm mạnh so mức 1.236 tỷ của đầu kỳ.

Trong kỳ, HPG tăng thêm 1.000 tỷ giá trị xây dựng dở dang của dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, lên mức 10.545 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nợ phải trả 78.970 tỷ đồng, vay nợ tài chính của Hòa Phát tăng thêm 2.760 tỷ lên 60.659 tỷ đồng (chiếm 76% nợ phải trả), trong đó nặng gánh nhất nghiêng về vay nợ ngắn hạn chiếm 50.354 tỷ đồng.