Nguy cơ thiếu hụt lao động đã bắt đầu xảy ra
Những tháng qua, tại TP HCM và các tỉnh lân cận dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, khiến thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài gây áp lực lớn về tài chính, tâm lý ở những khu vực nhà trọ, đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến cho nhiều người lao động vì không đủ tiền sinh hoạt nên đã bắt buộc phải di chuyển về quê thông qua các phương tiện cá nhân hoặc theo kế hoạch phối hợp giữa các tỉnh, thành phố để đảm bảo theo dõi y tế, phòng, chống dịch COVID-19.
|
Hàng trăm ngàn doanh nghiệp và hàng triệu lao động đã phải ngừng hoạt động, tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương. Trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, chỉ còn chưa đến 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo theo phương án "3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến." |
Số lượng lớn người lao động về quê tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã khiến tình trạng thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động lớn như da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử… bùng phát bởi theo thống kê thì có đến 90% lao động trong các nhà máy là người nhập cư thì "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương, Đồng Nai...
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết toàn thành phố có hơn 470.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trên 3,2 triệu công nhân. |
Tại TP HCM, do tác động của dịch COVID-19 trong 5 tháng qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ và cả các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ… khiến chỉ còn 700 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến” với 600.000 lao động.
Số doanh nghiệp còn lại cùng với hơn 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương và hơn 660.000 lao động tự do cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch. Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 98%, nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông…. trong đó, nhiều doanh đang chật vật để trụ lại nhưng nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận phá sản, rút tên khỏi thị trường.
Như Công ty TNHH Long Rich (TP HCM) đã bắt đầu đi làm trở lại từ đầu tuần này, với 125/4.000 lao động của công ty sẽ vào test trước sau đó mới bắt đầu làm việc. Công ty dự kiến sẽ đưa thêm 500 công nhân vào sản xuất nhưng cũng chưa biết khi nào bởi công nhân vẫn đang vướng mắc chuyện đi lại và tiêm mũi 2 vắc xin để có thẻ xanh.
Bởi hiện tại, khoảng 4.000 công nhân Công ty Long Rich đã được tiêm mũi 1 vào thời điểm tháng 6. Nhưng hiện chỉ có khoảng 900 người đang có mặt ở TP HCM được tiêm mũi 2. Còn hơn 3.000 công nhân vẫn đang ở Bình Dương rất nhiều và hầu hết chưa tiêm mũi 2. Các tỉnh thành cũng chưa cho phép người dân di chuyển sang các địa phương khác nên người lao động của công ty không thể về lại TP HCM tiêm mũi 2.
Còn tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã lên danh sách làm "giấy đi đường" cho khoảng 2.000 công nhân trở lại sản xuất từ ngày 5/10. Nhìn tưởng là số lao động lớn nhưng thực ra số lao động này chỉ chiếm 5% lao động của doanh nghiệp.
|
Thiếu hụt lao động khiến nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục đóng cửa hay hoạt động cầm chừng và chấp nhận bị đối tác hủy hợp đồng. |
Bởi công ty sử dụng tới 42.000 lao động trước khi dịch bùng phát, các chính sách cho công nhân tăng ca, tổ chức về địa phương đón lao động đã được Changshin Việt Nam tính đến nhưng chưa rõ số lượng công nhân được quay trở lại làm việc là bao nhiêu. Đáng chú ý, cuối năm là thời điểm các đơn hàng về nhiều nếu không có công nhân thì doanh nghiệp rất khó có thể đảm bảo được tiến độ với đối tác.
Công ty TNHH Trang Tuấn (quận 12, TP HCM) mới đây đã bắt buộc tiếp tục đóng cửa, chấp nhận để đối tác hủy đơn hàng vì thiếu lao động. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 vừa qua, công ty từ sản xuất cầm chừng đến đóng cửa dừng hoạt động, dẫn đến tất cả lao động đều nghỉ việc. "Sau khi nghỉ việc phần lớn người lao động đã về quê, số còn lại thì đi tìm việc khác để làm, nên giờ gọi họ quay lại là không thể. Công ty đã lên phương án tuyển nguồn lao động mới nhưng rất khó tuyển, mà nếu có tuyển được thì phải mất một thời gian để đào tạo thì mới làm được sản phẩm đặc thù trang phục này", lãnh đạo công ty Trang Tuấn chia sẻ.
Cần sớm đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng thiếu lao động tại các tỉnh phía Nam
Tiến sĩ Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) khuyến nghị các doanh nghiệp cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội như chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.
Đồng thời, ông Vũ Trọng Bình cũng đề nghị các địa phương cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để họ vượt qua khó khăn.
|
Chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ bước đầu và lâu dài cho người lao động và cả doanh nghiệp, trong đó tập trung đào tạo, tái đào tạo lại lực lượng lao động, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động đang ở thành phố và người lao động đang sinh sống ở các địa bàn giáp ranh thành phố như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh... |
Ngày 3/10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký chỉ thị về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19. Chỉ thị nêu rõ theo phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội... nhiều chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lao động...
Do đó, chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh thành để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng chống dịch.
Các tỉnh thành khẩn trương thành lập ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; kịp thời tiêm vắc xin cho người lao động, xem xét quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết phục vụ đời sống người lao động, thống nhất phương án di chuyển của người lao động, tạo thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh...
Chỉ thị yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh; điều kiện sản xuất; phân bổ kịp thời vắc xin...
|
Các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam cần chủ động phối hợp để đưa đón, cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại hoặc trở lại làm việc khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ bước đầu và lâu dài cho người lao động và cả doanh nghiệp, trong đó tập trung đào tạo, tái đào tạo lại lực lượng lao động, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động đang ở thành phố và người lao động đang sinh sống ở các địa bàn giáp ranh thành phố như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh...
Còn tiến sĩ Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng doanh nghiệp cần kết nối với tổ chức công đoàn, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương nơi cư trú của công nhân lao động để phối hợp thông tin về sự bảo đảm an toàn sức khoẻ cũng như cam kết của doanh nghiệp và địa phương nơi làm việc để người lao động, gia đình và con em của họ an tâm.
"Thông qua mạng xã hội, điện thoại, Zalo… doanh nghiệp cần gửi thư kêu gọi, công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động; có chính sách khuyến khích đặc biệt cho người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đồng thời phối hợp để tổ chức đón người lao động trở làm việc…," tiến sĩ Vũ Minh Tiến chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp phía Nam cũng kiến nghị các tỉnh, thành phố cần thống nhất và tạo điều kiện giao thông, đi lại thuận tiện cho người lao động cũng như vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; tạo điều kiện cho các chuyên gia được vào các tỉnh, thành phố để làm việc; bố trí quỹ đất để xây dựng khu lưu trú, ký túc xá đủ điều kiện, phù hợp với nhu cầu của công nhân.
https://sohuutritue.net.vn/hang-tram-nghin-nguoi-ve-que-doanh-nghiep-mien-nam-doi-dien-nguy-co-thieu-lao-dong-tram-trong-d224707.html