Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách 88 doanh nghiệp đơn vị này dự kiến bán vốn thời gian tới, căn cứ vào Quyết định số 64/QĐ-ĐTKDV ngày 31/3/2021.

Trong 88 doanh nghiệp trên có nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn lên tới hàng nghìn tỉ đồng như Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có vốn điều lệ hơn 6.412 tỉ đồng (SCIC sở hữu 36%); CTCP FPT có vốn điều lệ hơn 7.762 tỉ đồng (SCIC sở hữu gần 6%); Tập đoàn Bảo Việt có vốn điều lệ hơn 6.804 tỉ đồng (SCIC sở hữu 3%); Tổng công ty Sông Đà - CTCP có vốn điều lệ là hơn 4.495 tỉ đồng (SCIC sở hữu 99,79%); Tập đoàn dệt may Việt Nam có vốn điều lệ là 5.000 tỉ đồng (SCIC sở hữu 53,49%) hay TCT CP Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam có vốn điều lệ 1.218 tỉ đồng (SCIC sở hữu 36,3%).

Hàng loạt
Hàng loạt "ông lớn" nghìn tỉ nằm trong danh sách 88 doanh nghiệp thoái vốn trong năm 2021.

Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp liên tục lên kế hoạch bán vốn Nhà nước như FPT, Nhựa Tiền Phong, Tập đoàn Bảo Việt,.. Việc thoái toàn bộ 36% vốn khỏi Sabeco cũng đã bị đình trệ từ tháng 8/2020 đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.Theo Báo cáo mới nhất của bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 286,6 tỷ đồng, thu về cho ngân sách Nhà nước 2.165,4 tỷ đồng. Trong số 12 doanh nghiệp thực hiện thooái vốn trên, có 3 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng.

Cùng với đó, đã thoái vốn thành công tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam (HoSE: GVR), Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị hơn 234 tỷ đồng, thu về hơn 2.080 tỷ đồng.

Tốc độ thoái vốn vẫn còn chậm so với kế hoạch mặc dù việc thoái vốn, đẩy nhanh cổ phần hoá được Chính phủ hết sức quan tâm.