Theo đó, Ủy ban kinh tế - Quốc hội khóa XV vừa có văn bản mời các doanh nghiệp xăng dầu tham dự phiên giải trình về tình hình xăng dầu của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Cơ quan này nêu rõ, căn cứ chức năng giám sát được quy định, thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV và theo chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Kinh tế tổ chức Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Hai cơ quan có trách nhiệm giải trình là bộ Công Thương và bộ Tài chính. Phiên giải trình diễn ra vào ngày 28/2, do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo Ủy ban Kinh tế chủ trì.

Trước đó, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối xăng dầu đồng loạt gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công Thương...về các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu hiện nay và góp ý sửa đổi Nghị định 95, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Đại diện hơn 300 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2022, còn doanh nghiệp đầu mối cũng than không có lãi để nâng chiết khấu.

Dự kiến ngày 28/2, Ủy ban kinh tế - Quốc hội khóa XV sẽ chủ trì tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu. Ảnh minh họa
Dự kiến ngày 28/2, Ủy ban kinh tế - Quốc hội khóa XV sẽ chủ trì tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu. Ảnh minh họa

Cụ thể, ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang (Hà Giang) cho biết, nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có 950 thành viên với 9.000 cửa hàng, chiếm khoảng 53% trong tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Nếu tính trung bình mỗi cửa hàng 3 nhân viên, tổng số việc làm do doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tạo ra là khoảng 27.000 việc làm. Trung bình mỗi công nhân lương 10 triệu đồng, như vậy, mỗi tháng doanh nghiệp bán lẻ chi khoảng 270 tỷ đồng tiền lương cho người lao động.

Về việc kinh doanh, ông Tùng cho rằng tuy có lúc này lúc khác nhưng nhìn chung doanh nghiệp bán lẻ đã lỗ cả năm nay. Thậm chí một số còn đứng trước nguy cơ rút giấy phép do không thể tiếp tục kinh doanh được. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, trường hợp 9.000 doanh nghiệp bán lẻ xin dừng hoạt động thì chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy, tác động đến nền kinh tế.

Trong khi đó các doanh nghiệp đầu mối cũng than lỗ nặng. Nếu có lãi thì họ sẽ sẵn sàng chia sẻ chiết khấu với các doanh nghiệp bán lẻ.

Ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban chính sách kinh doanh - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có rất nhiều thành phần tham gia. Hiện nay, theo quy định thương nhân đầu mối phải trữ tồn kho 20 ngày nhưng do công thức giá lấy giá biên độ quá mạnh nên nếu giá xuống thì tồn kho của doanh nghiệp rất lớn. Do đó, doanh nghiệp đầu mối không đủ nguồn lực chia sẻ chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.

"Hiện nay có 33 đầu mối, nhưng để nhập khẩu xăng dầu về thực sự thời gian qua thì chỉ có 15 đầu mối. Nguyên nhân là không có tiền vì ngân hàng không cho vay. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu xăng dầu về cũng không hề đơn giản, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu về phải chi trả bằng tiền USD với chênh lệch tỷ giá rất cao, trong khi bán hàng thì nhận về tiền đồng Việt Nam. Tôi đang lo lắng nếu cứ diễn ra như hiện nay thì chỉ 2 tháng nữa doanh nghiệp chúng tôi không chịu nổi", ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch Saigon Petro, nói.