Được biết, vào buổi sáng cùng ngày, trong giờ ra chơi có 11 em học sinh lớp 6C, Trường trung học cơ sở Phổ Hải đang chơi bóng đá ở sân trường thì thấy những quả ngô đồng rụng xuống, cả nhóm đập hạt ăn. Sau 5 đến 10 phút các em thấy mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng. Một số em bị rát họng, ngứa miệng, da nổi mẩn ngứa. Sau đó, các em được cô giáo chủ nhiệm và gia đình chuyển đến Trung tâm Y tế huyện để cấp cứu.

Tại đây, các em được Ths.Bs Bùi Đức Vũ Khoa Cấp cứu-Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương và các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân tiến hành cấp cứu: Gây nôn, rửa dạ dày, truyền dịch, giải độc. Sau khi được điều trị tích cực sức khỏe của các em hiện tại đã ổn định.

Các y, bác sĩ Trung tâm y tế Nghi Xuân đang tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của các học sinh bị ngộ độc. Ảnh: Nhân dân
Các y, bác sĩ Trung tâm y tế Nghi Xuân đang tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của các học sinh bị ngộ độc. Ảnh: Nhân dân

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, hạt cây ngô đồng có chất curcin, là độc tố chính gây độc cho đường tiêu hóa và gan, người ăn sẽ bị đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, bị nặng có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa, rối loạn thần kinh.

Nếu trẻ không may ăn phải hạt cây ngô đồng thì các bậc phụ huynh nên làm bằng mọi cách để các cháu nôn ra, nôn càng nhiều càng tốt. Trong khi nôn cần để đầu nghiêng về một bên và dùng khăn lau sạch các chất dịch, đàm nhớt. Cho trẻ uống một cốc nước ấm (có thể pha muối) rồi tiếp tục để trẻ nôn. Sau khi tiến hành sơ cứu tạm thời, nhanh chóng đưa trẻ bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất.

Cây ngô đồng (có nơi gọi ba đậu tây hoặc vông đồng), tên khoa học là Hura crepitans, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Ngoài hạt có chứa độc, nhựa cây ba đậu tây cũng có thể làm sưng đỏ mắt nếu vô ý để nhựa bắn vào mắt, chúng có thể gây ra hiện tượng kích ứng ở da khi tiếp xúc trực tiếp.

Khi chín, vỏ quả ngô đồng màu xám, hình dáng giống với quả óc chó, đây là lí do khiến nhiều người ăn nhầm.