Bốc thăm cho con đi học tại Hà Nội

Năm 2011, báo Hà Nội Mới đưa tin vào khoảng 8h ngày 1/7/2011, trường mẫu giáo Đống Mác sẽ tổ chức bốc thăm cho tất cả phụ huynh có nhu cầu cho con vào học trường. Nếu trúng, phụ huynh tiếp tục làm thủ tục nhập học cho con theo trình tự quy định.

Trường hợp không trúng, các phụ huynh nên thông cảm và tìm gửi con ở các trường khác cùng hệ thống công lập nhưng cơ sở vật chất rộng rãi hơn như Mầm non Nguyễn Công Trứ hay Trường 8-3. Việc tập trung số lượng người bốc thăm đông vào một thời điểm có thể sẽ gây ồn ào, mất trật tự nhưng về kết quả chắc chắn được công bằng, minh bạch và hạn chế tiêu cực hơn việc nhận hồ sơ theo thời gian bằng cách xếp hàng, đặt chỗ.

Được biết, vào thời điểm đó trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, không chỉ riêng Trường Mẫu giáo Đống Mác mà một số trường khác đã tổ chức tuyển sinh bằng hình thức bốc thăm từ nhiều năm học trước.

Tháng 7/2019, HĐND thành phố Hà Nội đã có báo cáo kết quả giám sát việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập và việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2016 đến nay.

Cụ thể từ năm 2016 đến hết tháng 3/2019, Hà Nội có 147 dự án nhà ở thương mại; 13 dự án nhà ở xã hội; 11 dự án nhà ở tái định cư.

Tuy nhiên, có nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đảm bảo đồng bộ, chậm xây dựng công trình trường học, nhà trẻ so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.

Cụ thể như khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì; khu đô thị Xuân Phương – Viglacera; khu đô thị Thành phố giao lưu; khu đô thị Đoàn Ngoại giao; khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh; dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế; khu nhà ở để bán nhà ở Vĩnh Hoàng; khu chức năng đô thị Ao Sào; khu đô thị mới Cầu Bươu; khu nhà ở Thạch Bàn; khu đô thị Đặng Xá; khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp; khu đô thị mới Việt Hưng...

Năm 2020, trả lời ý kiến cử tri về tình trạng thiếu trường học tại các đô thị mới, Bộ Xây dựng thừa nhận tình trạng này và chỉ rõ nguyên nhân do đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị tại các địa phương chưa đầy đủ, đồng bộ với việc phát triển khu công nghiệp, đô thị.

Bộ Xây dựng cho rằng, các địa phương cần lên kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm cũng như kế hoạch thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan dân cử, người dân trong việc lập và thực hiện quy hoạch.

Nhưng thực tế, tại Hà Nội tình trạng chủ đầu tư xây dựng đô thị nhưng không xây trường học diễn ra khá phổ biến và gần như không có gì thay đổi sau nhiều năm.

Hà Nội: Nghịch lý đất xây trường bị bỏ hoang, làm bãi gửi xe còn học sinh phải bốc thăm để được đi học
Theo kế hoạch của UBND quận Hoàng Mai, trong 2 ngày 27-28/8, khoảng 700 phụ huynh tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sẽ phải bốc thăm để giành suất cho con vào học tại trường mầm non Hoàng Liệt. Theo lịch, sáng 27/8, 176 phụ huynh có mặt tại UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai để bốc thăm tuyển sinh trẻ lớp 3 tuổi (sinh năm 2019) đăng ký xin học tại cơ sở Tứ Kỳ. 14h cùng ngày, bốc thăm suất học cho lứa 3 tuổi (sinh năm 2019) đăng ký xin học tại cơ sở Linh Đàm. Sáng Chủ nhật, 28/8, sẽ tổ chức bốc thăm suất học cho lứa 4 tuổi (sinh năm 2018) đăng ký xin học tại cơ sở Tứ Kỳ, buổi chiều cho trẻ đăng ký xin học tại cơ sở Linh Đàm.

Năm 2022, tình cảnh phụ huynh phải bốc thăm "hên xui" cho con được đi học lại tiếp tục xảy ra trên tại trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) khi trường này tiếp nhận 713 hồ sơ đăng ký tuyển sinh nhưng trường chỉ tuyển thêm được 333 trẻ.

Như vậy sẽ có 380 trẻ 3 - 4 tuổi không được tiếp nhận vào trường. Do vậy, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai nêu giải pháp: trong tình huống cuối cùng sẽ tổ chức bốc thăm có sự chứng kiến của đại diện phường, nhà trường, phụ huynh học sinh để đảm bảo công bằng.

Đứa trẻ sinh ra, lớn lên, đi học đại học nhưng đất xây trường học vẫn bỏ hoang...

hay vì được đầu tư, xây dựng trường học, lô đất F5/TH3 và F5/NT5 do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư đang được dùng làm bãi trông xe, tiệm sửa xe máy
Thay vì xây dựng trường học, lô đất F5/TH3 và F5/NT5 do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư lại được dùng làm bãi trông xe, tiệm sửa xe máy.

Trao đổi với báo chí, đại diện UBND phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, năm 2012, phường chỉ có khoảng 33.000 nhân khẩu. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, đến nay, dân số phường đã tăng gấp 3 lần (gần 100.000 người). Nguyên nhân là do chỉ trong thời gian ngắn, các chung cư cao tầng đã xuất hiện dày đặc trên địa bàn, cụ thể phường có 85 toà chung cư, tập trung chủ yếu ở bán đảo Linh Đàm, khu đô thị Pháp Vân. Trong đó 12 tòa HH trong bán đảo Linh Đàm có tới 40.000 dân.

Mỗi năm trên địa bàn phường này có khoảng 2.000 trẻ vào mầm non. “Nghịch lý nằm ở chỗ, chủ đầu tư chỉ tập trung xây nhà để bán kiếm tiền. Còn 12 ô đất quy hoạch trường học quây tôn nhiều năm qua, để cỏ dại mọc hoặc tận dụng làm bãi xe”, đại diện UBND phường Hoàng Liệt thông tin.

"Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên, đi học đại học nhưng đất xây trường học vẫn bỏ hoang” - đại diện UBND phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) nói về nghịch lý trên địa bàn phường, nhiều ô đất quy hoạch trường học bỏ hoang hàng chục năm, có ô đất bị chuyển nhượng, không đầu tư xây dựng.

Nếu không xử lý dứt điểm được thực trạng đất quy hoạch trường học bị bỏ hoang, chuyển nhượng thì rất có thể chỉ 2, 3 năm nữa thôi thì có khi phải bốc thăm để vào trường tiểu học, anh N.V.H - một người dân sinh sống tại Hoàng Liệt chia sẻ.

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nêu thực tế hiện nay điều kiện cơ sở vật chất của các trường không đồng đều. Vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp còn nhiều khó khăn, một số phường thiếu trường công lập do hết quỹ đất, một số phường đã có trường nhưng vẫn không đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh do dân số trên địa bàn quá đông.

Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai - Trần Quý Thái, cho biết quận cũng đã rà soát các ô đất quy hoạch trường học, báo cáo đề xuất thành phố loại hình đầu tư và phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn. Cụ thể giai đoạn 2021 - 2025 có 56 ô quy hoạch (công lập 40, ngoài công lập 16). Giai đoạn 2026 - 2030 có 79 ô quy hoạch (công lập 60, ngoài công lập 19). “Các quỹ đất quy hoạch trường học trên địa bàn quận còn nhiều, đã được thành phố giao chủ đầu tư. Tuy nhiên, các chủ đầu tư chưa thực hiện đúng thời gian xây dựng trường, để kéo dài trong nhiều năm. Số ô đất quy hoạch trường học đã giao chủ đầu tư nhưng chưa được đầu tư xây dựng là 59”, ông Thái thông tin.

Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông - Phạm Thị Hòa thông tin trên địa bàn có 4 nhà đầu tư được giao làm chủ đầu tư 22 dự án trường học trong các khu đô thị: Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, Khu đô thị mới Phú Lương, Khu đô thị mới Dương Nội, Khu đô thị mới Văn Khê.

Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án còn rất chậm so với quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; việc đầu tư xây dựng trường học chưa theo kịp tiến độ xây dựng công trình nhà ở, chưa đáp ứng được nhu cầu về trường học trên địa bàn. Vì thế, đến nay mới có 8/22 dự án trường học hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cũng theo bà Hòa, nguyên nhân chậm triển khai xây dựng trường có nhiều. Đơn cử, trường hợp Công ty CP xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội thuộc tập đoàn Geleximco là đơn vị được giao xây dựng 10 trường học thuộc Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn nhưng đến nay mới có 4 trường đưa vào hoạt động, 2 trường đang chờ nghiệm thu, 4 trường đang chờ thiết kế, chưa thể xây dựng ngay trong giai đoạn 2021 - 2023. Một trường hợp khác là tại Khu đô thị mới Phú Lương, Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Việt được giao xây 2 trường mầm non và THCS nhưng thi công chậm vì vướng 5 giếng khoan nước thô, hệ thống đường dây điện cấp cho máy bơm, đường ống của Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông đang chờ phê duyệt phương án di dời. Hay như dự án xây Trường mầm non Sao Khuê tại Khu đô thị mới Văn Khê do Công ty CP Sông Đà Thăng Long được giao làm chủ đầu tư có vi phạm về trật tự xây dựng, đến nay chưa khắc phục được, dẫn đến chậm trễ…

Tại huyện Thanh Oai, vì lo ngại thiếu trường, thiếu lớp, cử tri trên địa bàn đã kiến nghị Hà Nội thu hồi 21 điểm trường công lập để địa phương đầu tư công.

Hà Nội: Nghịch lý đất xây trường bị bỏ hoang, làm bãi gửi xe còn học sinh phải bốc thăm để được đi học
Khu đô thị Thanh Hà.

Cụ thể, theo Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 13/7/2015 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, tỷ lệ 1/500, có 23 ô đất quy hoạch để xây dựng trường học. Trong đó, 21 ô đất xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS; 2 ô đất xây dựng trường THPT.

Việc bàn giao đất xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, trong đó có xây dựng trường học là điều kiện khi UBND tỉnh Hà Tây trước đây xem xét giao đất cho nhà đầu tư. Nhưng, hiện vẫn còn 21 điểm trường công lập chưa được đầu tư xây dựng.

Chính vì vậy, trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân huyện Thanh Oai đã đề nghị thành phố chỉ đạo bàn giao 21 ô đất xây trường theo quy hoạch cho UBND huyện quản lý; kiến nghị cơ quan chức năng sớm đầu tư xây dựng hệ thống trường công lập để đảm bảo đủ trường, đủ lớp công lập cho các HS tại Khu đô thị Thanh Hà cũng như trên địa bàn xã Cự Khê.