Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu 2022, thời gian qua, các Sở ngành liên quan đã triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các cơ sở kinh doanh, sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu.

Cùng đó, lực lượng chức năng của các quận, huyện, thị xã cũng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu của các xã, phường, thị trấn và kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu sản xuất bánh trung thu, các sản phẩm khác phục vụ Tết Trung thu.

Theo đó, tính đến ngày 5/9, thành phố Hà Nội đã tổ chức hàng ngàn đoàn thanh tra, kiểm tra tại 3.848 cơ sở, trong đó xử phạt 80 cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh trung thu vi phạm, với tổng số tiền hơn 458 triệu đồng, trong đó đình chỉ hoạt động 1 cơ sở.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã kiểm tra 11 vụ, xử lý 11 vụ, phạt hành chính 92,5 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là gần 115 triệu đồng, tịch thu, tạm giữ 26.963 chiếc bánh trung thu các loại. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu không có hóa đơn chứng từ.

Tại thời điểm kiểm tra tại cửa hàng đang bày bán hàng hóa là 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton. Theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh có giá 2.500 đồng/chiếc.
Lực lượng chức năng thu giữ hàng nghìn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc.

Ngoài thanh kiểm tra, lực lượng chức năng cũng đã tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, người kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Nội dung tuyên truyền cho các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh, người sử dụng bánh trung thu.

Về phía người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi mua lưu ý kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng sản phẩm. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng bao gồm tên nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, ngày sản xuất... được ghi rõ trên bao bì. Sản phẩm được bán ở địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các điều kiện bảo quản sản phẩm.

Ngày 6/9, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản về tiếp tục tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, từ ngày 8/8, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu.

Để bảo đảm mùa lễ Trung thu an toàn, thời gian qua, các Sở: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở kinh doanh, sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu.

UBND các quận, huyện, thị xã có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu trên địa bàn; Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu của các xã, phường, thị trấn và kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng bánh Trung thu, nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu, các sản phẩm khác phục vụ Tết Trung thu.