Hà Nội: Ai tiếp tay cho người dân xây nhà trên đất nông nghiệp tại phường Quảng An?
Theo ghi nhận của phóng viên tại phường Quảng An, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra rất 'nóng' trong thời gian dài. Đặc biệt sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều công trình được mọc lên mà không hề bị xử lí triệt để.
Dư luận đặt ra nghi vấn do cơ quan chức năng, đặt biệt là UBND phường Quảng An không biết hay cố tình làm ngơ cho vi phạm diễn ra?
Có mặt tại khu vực ngõ 238 Âu Cơ, ít ai nghĩ nơi đây từng là bãi đất hoang vu. Hiện ra trước mắt tường bao xây ngút đầu người, những cánh cổng ra vào thiết kế quy mô, bề thế. Các khu đất trồng cây bị người dân cơi nới xây dựng, thay đổi hiện trạng trở thành các “nhà vườn” với những ngôi nhà vuông vức đổ mái bằng để ở, chung quanh thiết kế hồ ao hoặc vườn cây cảnh, cây bóng mát…
Sự việc diễn ra suốt nhiều năm nay trên đất nông nghiệp nhưng không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía phường Quảng An cũng như chính quyền quận Tây Hồ.
Những cán bộ, đảng viên sinh sống lâu năm trên khu vực này cho rằng, đã có sự bao che, dung túng và làm ngơ cho các vi phạm đất đai. Người dân ai cũng biết, không lẽ các cấp chính quyền đóng trên địa bàn không có thông tin!
Tại tổ 18 cụm 7 phường Quảng An, hàng loạt các công trình xây trên đất nông nghiệp vừa hoàn thiện. Tất cả đều được xây dựng 2 tầng 1 tum kiên cố. Theo người dân ở đây, khi mua đất nông nghiệp chỉ có giấy tờ viết tay. Và để xây được nhà bắt buộc phải “làm luật”. Hầu hết, người dân đều làm luật qua môi giới, cò đất hoặc người bán đất với mức giá 6 triệu/m2, xây dựng tối đa 2 tầng 1 tum.
Tuy nhiên, không hẳn có tiền là xây được nhà. Theo bà H.T (người có kinh nghiệm mua đất và xây nhà trên đất nông nghiệp tại phường Quảng An): “Trước có một cô ở cuối ngõ này, nhờ môi giới nhưng nó lừa hết, người của phường đến yêu cầu tháo dỡ. Sau tìm đúng người lo liệu mới yên ổn xây được nhà...”
Theo đó, sau khi đã “làm luật” xong, phải xây theo kiểu du kích (chỉ được xây thứ 7, chủ nhật), đó là lệnh của “quan trên”, nếu trái lệnh bị phát hiện sẽ phải dừng việc xây lại rất lâu.
Có lẽ đối với người dân tại tổ 18 cụm 7 Quảng An đã quá quen với với việc “làm luật” này nên tình trạng mua bán, xây nhà tại đây diễn ra thường xuyên, tinh vi và có tổ chức hơn.
Xâm nhập đường dây “làm luật”
Phải mất hơn một tháng, phóng viên báo Nhà báo & Công luận tiếp cận đường dây này. Bởi lẽ, những người dân xây nhà chỉ đưa tiền làm luật cho chủ đất hay môi giới, hầu như không ai được gặp “quan trên” để tỏ tường.
Theo chân C. một môi giới có tiếng, chuyên bán đất nông nghiệp tại quận Tây Hồ. Khó khăn lắm phóng viên được gặp một người đàn ông có dáng người nhỏ thó, tự xưng mình đang công tác tại phường và có quan hệ rất mật thiết với vị PCT phường Quảng An – người chỉ từng đường đi nước bước để xây dựng hoàn chỉnh một căn nhà cho đến khi vào ở.
Đối với nhiều người, hẳn sẽ rất sốc trước thông tin trên, khi chính những người hiểu luật, bảo vệ công lý lại chỉ người khác cách “lách luật”. Tại cuộc gặp, vị này cũng đưa ra mức giá 6 triệu/m2, sau khi đồng ý phải đưa tiền “bôi trơn” luôn khoảng 250 – 300 triệu cho 2 tầng 1 tum. Người này cũng chỉ cách quây tôn kín mít và giới thiệu cho đội xây dựng chuyên xây trên đất nông nghiệp nhanh chóng – kín đáo. Không những thế, việc xử lý khi báo chí đến cũng gói gọn trong phần làm luật trên.
Theo lời vị này, số tiền làm luật được chia cho anh H. – Phó Chủ tịch phường Quảng An và các thanh tra xây dựng trên quận Tây Hồ. Nếu khó khăn quá phải gặp cả Phó chủ tịch quận để giúp đỡ...
Để làm rõ nội dung trên, Phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi thông tin với ông Nguyễn Đình Khuyến – chủ tịch UBND quận Tây Hồ về vấn đề trên. Ông Khuyến cho biết, đã nắm được thông tin và sẽ kiểm tra quyết liệt vụ việc.
Trao đổi với ông Đặng Văn Hồi – Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An: “Hiện tại trên địa bàn không có công trình nào mới xây trên đất nông nghiệp. Bởi thanh tra xây dựng thường xuyên kiểm tra và xử lý ngay khi bắt đầu có vi phạm. Về việc có người cho rằng lên nhờ tôi để cảm ơn, không hề có chuyện đó, chúng tôi sẵn sàng mời công an để xác minh thông tin…”
UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo rất quyết liệt và đã ban hành Quyết định 04/2019/QĐ-UBND về Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, tất cả công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.
“Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật”.
Trước thực trạng trên, Báo Nhà báo & Công luận xin chuyển thông tin đến cơ quan chức năng TP Hà Nội để xem xét làm rõ sự việc.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.