Giấy phép xây dựng là sự chấp thuận của cơ quan nhà nước đối với việc xây dựng công trình của chủ đầu tư.
Giấy phép xây dựng là sự chấp thuận của cơ quan nhà nước đối với việc xây dựng công trình của chủ đầu tư.

Giấy phép xây dựng là gì?

Theo khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014, Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình xây dựng.

Giấy phép xây dựng là sự chấp thuận của cơ quan nhà nước đối với việc xây dựng công trình của chủ đầu tư. Nội dung giấp phép xây dựng được quy định tại Điều 90 Luật Xây dựng năm 2014 gồm tên công trình thuộc dự án, tên và địa chỉ của chủ đầu tư, địa điểm vị trí xây dựng công trình, tuyến xây dựng công trình; loại, cấp công trình; cốt xây dựng công trình…

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Bộ Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt. UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp I, cấp II; công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử - văn hóa; công trình tượng đài, trang hoành tráng được xếp hạng; công trình thuộc các tuyến, trục phố chính trong đô thị; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình không thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và Bộ Xây dựng. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng thì có thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng do mình cấp.

Có các loại giấy phép xây dựng nào?

Có nhiều cách phân loại giấy phép xây dựng. Nếu dựa trên hoạt động xây dựng thì có thể chia giấy phép xây dựng thành 03 loại là: giấy phép xây dựng mới, giấy phép sửa chữa cải tạo, giấy phép di dời công trình. Mỗi loại giấy phép này tương ứng với mỗi loại hoạt động xây dựng là xây dựng công trình mới, sửa chữa công trình và di dời công trình xây dựng. Căn cứ phân loại theo Điều 90 Luật Xây dựng năm 2014.

Nếu phân loại dựa trên thời hạn có hiệu lực của giấy phép xây dựng thì giấy phép xây dựng được chia thành giấy phép xây dựng có thời hạn và giấy phép xây dựng không có thời hạn. Giấy phép xây dựng có thời hạn là giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng.

Giấy phép xây dựng không có thời hạn là giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ không có thời hạn sử dụng. Căn cứ phân loại này theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014.

Nếu phân loại dựa trên hiệu lực của giấy phép xây dựng đối với giai đoạn xây dựng công trình thì giấy phép xây dựng được chia thành giấy phép xây dựng theo giai đoạn và giấy phép xây dựng cho toàn bộ quá trình xây dựng.

Giấy phép xây dựng theo giai đoạn là giấy phép xây dựng cấp cho từng phần của công trình hoặc từng công trình của dự án khi thiết kế xây dựng của công trình hoặc của dự án chưa được thực hiện xong. Giấy phép xây dựng không theo giai đoạn là giấp phép cấp cho toàn bộ công trình, toàn bộ dự án. Một dự án, công trình có thể được cấp nhiều giấy phép xây dựng theo giai đoạn. Căn cứ phân loại này theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014.

Tại sao xây dựng phải có giấy phép?

Trả lời cho câu hỏi vì sao cần cấp giấp phép xây dựng thì cần viện dẫn quy định về điều kiện cấp phép xây dựng. Đó là phù hợp với quy hoạch, đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng được cấp phép và các công trình xung quanh nó, đảm bảo lợi ích công cộng, đảm bảo quốc phòng an ninh… Các điều kiện này được quy định tại các Điều 91, 92, 93, 94 Luật Xây dựng năm 2014. Nếu không quy định xây dựng công trình phải được cấp phép thì người ta có thể xây dựng công trình tùy ý muốn. Như vậy người ta có thể xây dựng mới công trình nhà chung cư 40 tầng giữa khu vực nội thàn vốn dĩ đã chật chội, qua đó gây áp lực lên hệ thống giao thông, môi trường đô thị. Hơn nữa cho xây dựng tự do như vậy sẽ làm cho quy hoạch đô thị của cơ quan nhà nước không thể thực hiện được.