Cơ quan quản lý có phần thiếu trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc bán chui cổ phiếu thực hiện rất dễ, đó là lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn nắm giữ nhiều cổ phiếu bán đi nhưng không thông báo với cơ quan chức năng.

“Việc kiểm tra, giám sát vấn đề này cũng rất dễ chứ không khó như thao túng thị trường, nhưng suốt thời gian qua tình trạng này vẫn tồn tại dai dẳng chủ yếu do việc quản lý, giám sát của cơ quan quản lý chưa đến nơi đến chốn. Những cơ quan như Trung tâm Lưu ký chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán… chưa làm hết trách nhiệm. Nếu sát sao thì khi thấy một lượng lớn cổ phiếu bán ra thì họ biết ngay. Thậm chí, nhiều người còn đặt vấn đề có sự thông đồng, làm ngơ để cho tình trạng này diễn ra”, ông Thịnh nói.

Theo vị chuyên gia, trước kia chế tài xử lý các hành vi này rất nhẹ khi những người bán chui chỉ bị phạt tiền, không thấm tháp gì so với lợi ích họ thu được. Ví dụ trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, nếu chỉ phạt 1,5 tỉ thì không thấp vào đâu so với lợi ích thu được hàng trăm tỉ nếu phi vụ trót lọt.

“Việc mua bán chui cổ phiếu, thao túng các cổ phiếu trái phiếu trên thị trường chứng khoán đã làm giảm tính công khai, minh bạch, giảm lòng tin cũng như gây thiệt hại đến quyền lợi của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Việc xử lý những hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán sẽ giúp cho các nhà đầu tư tin tưởng, an tâm hơn khi bỏ vốn vào thị trường, giúp cho thị trường chứng khoán trở nên minh bạch hơn”, ông Thịnh nói.

cp2.jpeg

Chuyên gia kinh tế, PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh

Cũng theo ông Thịnh, việc mua chui bán chui còn đi kèm với “bán khống”, tức là nâng khống giá trị của doanh nghiệp. Đây có thể xem là hành vi lừa dối nhà đầu tư. Tuy nhiên, thông thường mua chui bán chui còn đi kèm với thao túng thị trường, thổi giá cổ phiếu, khi đó, hành vi của những người này là lừa đảo, tội sẽ nặng hơn.

Để có thể ngăn chặn tận gốc những hành vi sai phạm tương tự, ông Thịnh cho rằng việc kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm phải được thực hiện thật nghiêm minh.

“Việc kiểm tra giám sát vấn đề này rất dễ thực hiện, không khó gì cả. Nếu chúng ta thực thi luật pháp một cách nghiêm minh thì đâu có tình trạng “lùa gà” tràn lan?”, ông Thịnh bày tỏ và cho rằng ngoài ra cần có cơ chế giám sát độc lập thay vì “một thủ trưởng” như hiện nay.

Ngoài việc kiểm tra, giám sát, ông Thịnh cho rằng cần có cơ chế xử phạt phải thật nghiêm. Từ trước đến nay, mức phạt chủ yếu chỉ phạt hành chính. Tới đây, với việc mua bán chui, thao túng thị trường ở mức độ lớn hoặc nếu tái phạm nhiều lần thì phải xử lý hình sự.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự, không thể để xảy ra sai phạm rồi cơ quan chức năng mới xử phạt. Trong tương lai gần, hệ thống của thị trường sẽ không cho phép trường hợp sai phạm rồi mà lại tái phạm tiếp được giao dịch bình thường.

Liên quan đến việc này, năm 2021, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ Tài chính với nội dung "cần mở chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán".

VAFI cho rằng hiện nay có nhiều loại cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo đang không chỉ tồn tại niêm yết tại sàn HOSE mà còn công khai làm giá, thổi giá để giá trị cổ phiếu cao gấp hàng trăm lần giá trị thực.

“Nhóm thao túng giá mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá bằng nhiều thủ đoạn như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo; giả tài khoản nước ngoài; giả báo cáo tài chính; thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo để đẩy giá chứng khoán; tạo doanh thu lợi nhuận giả, tạo vốn điều lệ giả và ảo cao gấp hàng chục hàng trăm lần số vốn thực có để thực hiện hành vi bán giấy lấy tiền thực...”, VAFI nêu.

VAFI đề xuất thanh tra loại cổ phiếu rác mà các nhà đầu tư giá trị xa lánh, giá trị cổ phiếu dưới mức mệnh giá trong thời gian dài nhưng vẫn huy động được “nhà đầu tư chiến lược’’ để mua cổ phiếu mới phát hành bằng mệnh giá, giá phát hành cao hơn giá thị trường từ 40% - 50%.

“Tại sao họ mua cao rồi bán thấp, chẳng nhẽ họ chấp nhận chịu lỗ hàng trăm tỉ hay đó chỉ là thủ tục mua sau đó toàn bộ tiền được rút ra hoàn trả và doanh nghiệp phát hành từ đó có cơ sở bán giấy thu tiền thực? Tại sao UB Chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) dễ dàng chấp thuận những đợt phát hành mới kiểu này?”, VAFI nhấn mạnh.

VAFI đề nghị thanh tra việc tạo lập vốn điều lệ khống gấp hàng trăm lần giá vốn ban đầu, sau đó cho doanh nghiệp đó niêm yết và chủ doanh nghiệp bán giấy thu tiền về.

Đồng thời thanh tra 1 công ty chứng khoán làm công cụ làm giá chứng khoán cho những ông chủ của mình. Cần xác định có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân thích nhưng giao dịch hàng ngày là do công ty chứng khoán thực hiện.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bán chui cổ phiếu

Năm 2021, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt hơn 303 vụ vi phạm công bố thông tin, làm giá, thao túng cổ phiếu… trên thị trường chứng khoán. Số tiền xử phạt thu được tăng 5,6% so với năm 2020, đạt gần 21 tỉ đồng.

Một trong những vụ mua bán chui cổ phiếu gây chú ý trong năm 2021 là ông Trần Văn Bê - anh rể một lãnh đạo Ngân hàng VPBank bị phạt 940,35 triệu đồng vì mua bán cổ phiếu chui.

Ông Bê đã mua hơn 1,48 triệu cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 1.2021; mua hơn 1,88 triệu cổ phiếu VPB trong tháng 2.2021; mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 3.3.2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Ngoài phạt hành chính, ông Bê còn bị phạt bổ sung là bị đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng.

Một vi phạm khác đáng chú ý là Công ty cổ phần Thaiholdings (tổ chức liên quan ông Nguyễn Đức Thụy - Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank - LPB) bị phạt vì mua bán cổ phiếu LPB không công bố.

cp.jpg

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị phạt vì bán chui cổ phiếu

Cụ thể, Thaiholdings đã mua 145.600 cổ phiếu LPB vào ngày 6.5.2021, bán 719.400 cổ phiếu LPB vào ngày 16.6.2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Thaiholdings bị phạt 260 triệu đồng.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cũng công bố thông tin về kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ và liên quan đến người nội bộ tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Cụ thể, người thực hiện giao dịch là Phó tổng giám đốc Lưu Thị Thảo. Thông qua tài khoản tại Công ty chứng khoán VPS, nữ Phó tổng giám đốc đã bán 25.000 cổ phiếu VPB qua phương thức khớp lệnh, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 0,145% xuống 0,144%.

Nếu tính theo giá trung bình 36.500 đồng/cổ phiếu, bà Thảo có thể thu về khoảng 913 triệu đồng. Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc VPBank bán số cổ phiếu trên mà không công bố thông tin đăng ký giao dịch theo quy định.

Đối với trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, tháng 11.2017, doanh nhân này cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin. Giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC ước tính mang về cho ông Quyết trên 400 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn cũng bị phạt bởi không báo cáo về dự kiến giao dịch như ông Võ Trường Sơn – Thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HNG) đã bán 505.000 cổ phiếu HNG vào ngày 4.12.2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch; ông Nguyễn Quang Huy - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần CMC (mã chứng khoán: CVT) đã thực hiện bán 58.707 cổ phiếu CVT vào ngày 11.12.2020 nhưng đến ngày 22.12.2020, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch của ông Huy. Với hành vi này, ông Huy bị phạt 17 triệu đồng…