Giá vàng ngày 25/3

Tại thị trường thế giới, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.961,05 USD/ounce, tăng 16 USD/ounce so với cùng giờ giao dịch sáng qua.

Giá vàng tăng bứt tốc nhờ nhu cầu an toàn từ sự leo thang của cuộc khủng hoảng Ukraine, trong khi đồng USD tăng cao và lợi suất trái phiếu cao gây áp lực lên vàng.

Quyết định gần đây của Nga trong việc nhận thanh toán khí đốt từ các nước “không thân thiện” bằng đồng rúp cho thấy căng thẳng địa chính trị đang leo thang. Hiện tại, giới đầu tư chờ xem các quốc gia châu Âu có đồng ý thanh toán bằng đồng rúp hay không và điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp tất cả các quốc gia muốn mua dầu của Nga từ chối thanh toán bằng đồng tiền của Nga.

Ở một diễn biến khác, giá vàng tăng mạnh trước thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ mạnh tay trong việc kiểm soát lạm phát. Vì vậy, vàng đã trở lại đường đua tăng giá trong bối cảnh nhiều người lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế số 1 thế giới.

Động lực tăng giá của kim loại quý còn đến từ thông tin quỹ ETF vàng hàng đầu thế giới, SPDR Gold Trust, đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 0,4% lên 1.087,66 tấn vào hôm 23/3, mức cao nhất kể từ 26/2/2021.

Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News (trang thông tin về thị trường vàng ở Mỹ) – bà Chantelle Schieven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Murenbeeld & Co.(Canada), cho rằng vàng đã tìm thấy một phạm vi mới và đang xây dựng một cơ sở vững chắc từ 1.900 USD/ounce đến 2.000 USD/ounce.

Tâm điểm của thị trường hiện là hội nghị thượng đỉnh NATO bất thường với sự tham dự trực tiếp của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Giá dầu và nhiều loại hàng hóa tăng vọt khiến dòng tiền tìm kiếm sự an toàn ở vàng.

Giá vàng được cho là vẫn trong xu hướng đi lên khi Hội đồng Vàng Thế giới dự đoán rằng lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài và làm tăng sức hấp dẫn của mặt hàng này. Cơ quan này dự đoán vàng sẽ là một loại tài sản giúp nhà đầu tư “đa dạng hóa” danh mục để phòng hộ cho thị trường vốn và tiền mặt.

Bảng giá vàng ngày 25/3
Bảng giá vàng ngày 25/3

Tại thị trường trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 68,2-68,9 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng so với phiên sáng qua.

Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 68,1-68,85 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào so với sáng qua.

Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 68,0-68,8 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng mỗi chiều so với sáng qua.

Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 68,5 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 69,2 triệu đồng/lượng.

Các loại vàng nữ trang khác cũng tăng theo xu hướng thị trường trong sáng nay. Cụ thể, giá vàng 24k tăng 200.000 đồng/lượng, vàng tây 18K tăng 150.000 đồng/lượng và vàng 14K tăng 110.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua - bán so với cuối phiên ngày hôm qua.

Giá vàng và tỷ giá ngoại tệ ngày 25/3: Giá vàng tiếp đà tăng

Tỷ giá ngoại tệ ngày 25/3

tại thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng nhẹ 0,15%, đạt mức 98,77.

Giá USD so với các ngoại tệ lớn khác trên thị trường thế giới phiên hôm nay hiện đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1006 USD; 1 bảng Anh đổi 1,3194 USD; 1 USD đổi 122,33 yên.

Đồng USD tiếp tục tăng nhẹ trong phiên giao dịch vừa qua sau khi dữ liệu kinh tế trên thị trường lao động giúp củng cố quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết liệt hơn trong việc chống lạm phát.

Đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần đã giảm xuống mức 187.000 vào tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 9, 1969 và thấp hơn mức dự báo là khoảng 212.000. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 2 do các chuyến hàng chậm lại, nhu cầu hàng hóa vẫn mạnh mẽ. Ngoài ra, chỉ số đo lường hoạt động kinh doanh trong tháng 3 đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng.

Trong khi đó, đồng yên Nhật giảm so với đồng USD phiên thứ năm liên tiếp, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12, 2015 trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ “lỏng lẻo”, trái ngược với hầu hết các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đã công bố biên bản cuộc họp chính sách mới nhất vào đầu ngày, cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách đồng ý rằng lạm phát tiêu dùng có thể vượt quá kỳ vọng nếu các công ty chuyển chi phí tăng nhanh hơn dự báo.

Tỷ giá ngoại tệ trong nước, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng nhẹ ở mức: 23.148 đồng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào bán ra giữ nguyên ở mức: 22.550 đồng - 23.050 đồng.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau: Vietcombank: 22.735 đồng - 23.015 đồng; VietinBank: 22.650 đồng - 23.090 đồng

Trên thị trường "chợ đen", đồng USD được giao dịch ở mức 23.380 - 23.430 VND/USD.

Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng trở lại ở mức: 24.710 đồng – 26.239 đồng.

Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau: Vietcombank: 24.767 đồng - 25.894 đồng; VietinBank: 24.293 đồng - 25.583 đồng