Giá vàng ngày 24/3

Tại thị trường quốc tế, giá vàng sáng ngày 24/3 giao ngay ở mức 1.945,97 USD/Ounce, vọt tăng mạnh 36 USD/Ounce so với cùng giờ sáng qua. Quy theo giá USD ngân hàng, chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới giao ngay có giá 54,07 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 14,73 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC trong nước.

Giá vàng hôm nay bật tăng dữ dội trong trong bối cảnh giá dầu thô vọt lên 114 USD/thùng, nhiều quốc gia tại châu Âu chuẩn bị cấm nhập khẩu dầu từ Nga để trừng phạt nước này do đang diễn ra xung đột quân sự với Ukraine.

Tình hình căng thẳng Nga – Ukraine leo thang kéo theo nhiều nguy cơ, rủi ro đối với kinh tế toàn cầu. Trong diễn biến mới nhất, Nga thông báo trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ để đáp trả việc Washington trục xuất 12 nhân viên tại phái bộ của Moscow ở Liên Hợp Quốc.

Ngoài Mỹ, một số nước châu Âu, gồm Lithuania, Estonia, Bulgaria và Slovakia, đã đồng loạt trục xuất nhà ngoại giao Nga trong một động thái nhằm trừng phạt Moscow do chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Giá vàng phục hồi nhờ giá dầu tiếp tục tăng mạnh và chứng khoán Mỹ sụt giảm vào giữa tuần.

Giá vàng kỳ hạn tháng 4 cũng tăng 9,90 USD lên 1.931,30 USD/ounce.

Cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn nhưng từ góc độ thị trường chưa có thêm diễn biến mới.

Thị trường đang chờ cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Biden với các nhà lãnh đạo NATO và EU để thảo luận về cuộc chiến tại Đông Âu.

Giới phân tích đánh giá, các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ tiếp tục “cắn xé” nền kinh tế Nga.

Bên cạnh đó, thị trường đang theo dõi chặt vấn đề lạm phát. Lạm phát gia tăng sẽ hỗ trợ thị trường kim loại.

Trong khi đó, lợi tức trái phiếu toàn cầu đang tăng mạnh, riêng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã lên mức cao nhất trong ba năm. Đường cong lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm của Mỹ đang rất gần với sự đảo ngược. Điều này báo hiệu có thể bắt đầu một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra ở Mỹ.

Tại thị trường trong nước, giá vàng đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty SJC tại thị trường TP.HCM tăng mạnh 200 nghìn đồng hai chiều và tái lập mốc 69 triệu đồng khi được niêm yết 68,30-69,00 triệu đồng/lượng.

Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng tăng mạnh 500 nghìn đồng chiều mua vào và 450 nghìn đồng chiều bán ra lên 68,20-69,05 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tăng 150 nghìn đồng hai chiều lên 55,48-56,23 triệu đồng/lượng.

Cũng tăng 150 nghìn đồng hai chiều, lúc 9h sáng nay giá vàng 9999 thương hiệu NPQ của Phú Quý lên 55,30-56,30 triệu đồng/lượng mua vào bán ra.

Giá vàng và tỷ giá ngoại tệ ngày 24/3: Giá vàng tái lập mốc 69 triệu đồng, USD tăng nhẹ

Tỷ giá ngoại tệ ngày 24/3

Tỷ giá USD thế giới tăng, USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,10% lên 98,625 ghi nhận lúc 06h50 (giờ Việt Nam).

Tỷ giá euro so với USD tăng 0,02% lên 1,1006. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,02% lên 1,3205.

Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,01% xuống 121,13.

Theo Investing, tỷ giá USD tăng trong bối cảnh giá hàng hóa leo thang và thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trước đó, đồng bạc xanh đã được tiếp thêm động lực từ bài phát biểu mang quan điểm "diều hâu" của Chủ tịch Fed Jerome Powell, báo hiệu ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất hơn 25 điểm cơ bản tại các cuộc họp chính sách sắp tới nhằm kiềm chế lạm phát. Trong cuộc họp mới đây, Fed đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ tháng 12/2018, đồng thời đưa ra khả năng về 6 đợt tăng với cùng quy mô trong năm nay.

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng cao tới 2,41% vào đầu phiên giao dịch tại châu Á vào thứ Tư (23/3), mức cao nhất kể từ năm 2019. Động thái này cũng hỗ trợ cho đồng USD.

Ở một diễn biến khác, đồng yen Nhật tiếp tục suy yếu so với USD trong bối cảnh Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật bản Haruhiko Kuroda nhận định quốc gia này cần duy trì chính sách tiền tệ ôn hòa để kích thích nền kinh tế. Đồng yen cũng chịu áp lực từ vấn đề giá hàng hóa leo thang, đặc biệt là giá năng lượng, làm gia tăng thâm hụt thương mại của quốc gia châu Á này.

Các nhà phân tích tại ING cho biết tỷ giá USD so với yen Nhật có thể hướng tới mốc 125 trong những tuần tới.

Trong khi đó, tỷ giá euro so với đồng bạc xanh tiếp tục giảm sau tin tức Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến châu Âu trong tuần này để hội đàm với các nhà lãnh đạo khu vực về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Nhiều khả năng ông Biden sẽ công bố kế hoạch trừng phạt thêm đối với Moscow và có thể sẽ gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo châu Âu tẩy chay dầu mỏ của Nga.

Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD cũng đi xuống mặc dù lạm phát của Anh đã tăng lên mức cao nhất mới trong 30 năm là 6,2% vào tháng trước. Ngân hàng Trung ương Anh đã có động thái nâng lãi suất nhằm chống lại mức lạm phát cao này.

Ngoài ra, tỷ giá đô la Úc so với USD giảm 0,1% xuống còn 0,7457, trong khi đô la New Zealand suy yếu 0,1% xuống 0,6954 đổi một USD và tỷ giá đồng bạc xanh so với nhân dân tệ Trung Quốc tăng 0,1% lên 6,3753.

Tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng nhẹ ở mức: 23.147 đồng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào bán ra giữ nguyên ở mức: 22.550 đồng - 23.050 đồng.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:

Vietcombank: 22.740 đồng - 23.020 đồng

VietinBank: 22.655 đồng - 23.095 đồng

Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng trở lại ở mức: 24.754 đồng – 26.285 đồng.

Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:

Vietcombank: 24.818 đồng - 25.947 đồng

VietinBank: 24.324 đồng - 25.614 đồng