Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh. Lúc 22h15 đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 1.780 USD/ounce, khi được giao dịch ở mức 1.781,60 USD/ounce nhờ tăng thêm 16,60 USD(0,94%).

Giá vàng và ngoại tệ ngày 22/9: Vàng tiếp tục tăng mạnh, đồng USD giảm nhẹ
Giá vàng và ngoại tệ ngày 22/9: Cả giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục tăng. Vàng SJC giữ vững giá trên 57 triệu đồng/lượng.

Vàng tăng giá mạnh trong bối cảnh thị trường đón nhận thông tin từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết nguồn cung nhà ở tháng 8 sau khi điều chỉnh đã tăng 3,9% lên 1,615 triệu căn, cao hơn đồng thuận ước tính là 1,55 triệu căn.

Các nhà kinh tế chú ý đến lĩnh vực nhà ở vì đây là một trụ cột quan trọng khi nền kinh tế Mỹ đang phải chịu tác động của đại dịch Covid-19. Các dữ liệu cho thấy, dù tốc độ xây dựng đã chậm kể từ mức cao nhất vào tháng 4, lĩnh vực này vẫn có khả năng phục hồi.

Bên cạnh đó, sau đợt bán tháo mạnh vào tuần trước, vàng đã chứng kiến mức tăng hai con số được kích hoạt bởi một đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu, đã thúc đẩy tâm lý chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư. Thị trường đang cho thấy một “lối chơi” an toàn, khi mà các nhà đầu tư đang tìm kiếm biện pháp phòng ngừa rủi ro, đặc biệt sau tin xấu làm thị trường bị khuấy đảo từ Tập đoàn BĐS Evergrande (Trung Quốc).

Vàng còn được hỗ trợ khi đồng USD giảm 0,1% sau khi chạm mức đỉnh sau gần một tháng trong phiên trước đó. Lợi tức trên trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ hiện đang đạt 1,323%. Tuy nhiên, dù biến động tăng, nhưng giá vàng lại bị hạn chế, trong bối cảnh giới đầu tư đang chờ đợi tin từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), để rõ hơn về chương trình giảm thu mua tài sản.

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại thị trường TP HCM được niêm yết ở mức 56,45 – 57,10 triệu đồng/lượng, tăng thêm 300 nghìn đồng so với cùng thời điểm phiên trước. Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56,45 – 57,12 triệu đồng/lượng. Trong hai phiên gần nhất, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 450 nghìn đồng/lượng.

Trong khi đó giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội được niêm yết ở mức 56,70 – 57,50 triệu đồng/lượng, tăng 200 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra tại đây còn khoảng 800 nghìn đồng/lượng.

Giá vàng 9999 của thương hiệu NPQ được niêm yết ở mức 50,30 – 51,40 triệu đồng/lượng, tăng thêm 300 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giữa mua – bán tại đây còn lại 1,1 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá ngoại tệ 22/9

Sáng 22/9 theo giờ Việt Nam, trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 93,15 điểm.

Đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế đang treo cao trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới chao đảo sau sự kiện “bom nợ” của Evergrande (Trung Quốc).

Đồng USD đã có một phiên tăng bứt phá trước đó nhưng sau đó chững lại và giảm nhẹ. Giới đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong ngày 21-22/9.

Nếu Fed đưa ra kế hoạch siết nới lỏng định lượng, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Tại thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 23.134 đồng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào – bán ra : 22.750 đồng – 23.778 đồng. Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mức mua vào – bán ra : 26.314 đồng – 27. 942 đồng.

Tỷ giá USD được niêm yết tại các ngân hàng thương mại với mức mua vào – bán ra như sau: Vietcombank: 22.670 đồng – 22.870 đồng; VietinBank: 22.660 đồng – 22.860 đồng; ACB: 22.690 đồng – 22.850 đồng. Tỷ giá EUR được niêm yết mức mua vào – bán ra ở mức như sau: Vietcombank: 26.292 đồng – 27.384 đồng; VietinBank: 26.304 đồng – 27.324 đồng; ACB: 26.470 đồng – 26.972 đồng.