Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022. Theo báo cáo, doanh thu hợp nhất của tập đoàn năm qua đạt 463.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bán điện chiếm tới 98%, đạt trên 456.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp của EVN giảm mạnh, từ 38.264 tỷ đồng còn 10.580 tỷ đồng. Số liệu này, theo lãnh đạo EVN từng cho biết do giá bán điện thấp hơn giá mua vào.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của EVN giảm hơn 50%, xuống 7.382 tỷ đồng. EVN lý giải lãi do chênh lệch tỷ giá giảm tới 7.000 tỷ đồng, từ 10.446 tỷ đồng còn 3.442 tỷ đồng. Tương tự, lãi tiền gửi, trái phiếu, ủy thác cũng giảm mạnh.

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng 24% lên 18.192 tỷ đồng (chủ yếu do chênh lệch tỷ giá); chi phí bán hàng giảm 17% xuống còn 6.172 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng nhẹ, ở mức 14.381 tỷ đồng.

Kết quả, EVN ghi nhận lỗ 19.515 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và lỗ sau thuế là 20.747 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ EVN lỗ sau thuế 22.256 tỷ đồng.

Tính tới cuối năm 2022, tổng tài sản của EVN đạt gần 666.200 tỷ đồng, giảm gần 40.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, EVN đang nắm giữ 84 tỷ đồng tiền mặt, 63.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, giảm lần lượt 13% và 32% so với đầu năm 2022.

Các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn của EVN lần lượt là 47.600 tỷ đồng, và 276.700 tỷ đồng.

Sau kiểm toán, EVN lỗ hơn 20.000 tỷ đồng
Sau kiểm toán, EVN lỗ hơn 20.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ trong BCTC của EVN. Nguyên nhân do BCTC hợp nhất của CTCP Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1 - công ty con của tập đoàn) đã được hợp nhất vào báo cáo của EVN, trong khi tổ chức kiểm toán không thể thu thập được các tài liệu thích hợp về số liệu của PECC1, cũng như không thực hiện được các thủ tục thay thế đối với BCTC PECC1 cho năm 2021. Do vậy, Deloitte phải đưa ra ý kiến ngoại trừ với báo cáo năm 2021 của EVN.

Tương tự, Deloitte cũng không thể thu thập đủ tài liệu thích hợp về số liệu của PECC1 cho năm 2022, và không xác định được ảnh hưởng từ vấn đề ngoại trừ năm 2021 đến báo cáo năm 2022, do đó chưa thể xác định có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu liên quan hay không.

Bên cạnh đó, Deloitte cũng nhấn mạnh 3 vấn đề của tập đoàn này. Cụ thể là việc các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chính thức báo cáo quyết toán cổ phần hóa tại 2 công ty con của EVN tại thời điểm lập báo cáo.

Ngoài ra, chính sách kế toán của EVN có liên quan đến hạch toán kế toán với các khoản chênh lệch tỷ giá. Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm và do đánh giá lại các số dư khoản mục tiền gốc ngoại tệ được hạch toán vào báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất.

EVN còn một số khoản công nợ tiềm tàng, như dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận dừng thực hiện đầu tư vào tháng 11/2016, đang chờ phương án xử lý tài chính; tiền thuê đất của hệ thống đường dây truyền tải điện (do chưa xác định được giá trị tin cậy của toàn bộ chi phí); chi phí vận chuyển, thu gom khí mỏ Thiên Ưng, đường ống dẫn khí Phú Mỹ, và chi phí vận chuyển khí của nhà máy điện Cà Mau 1 và 2.