Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021,, VN-Index tăng 12,31 điểm (0,83%) lên 1.498,28 điểm, HNX-Index tăng 12,34 điểm (2,67%) lên 473,99 điểm, UPCoM-Index tăng 1,07 điểm (0,96%) đạt 112,63 điểm.

Kéo chỉ số tăng điểm phiên hôm nay gồm có: NVL (+2,31), BID (+2,19), VIB (+1,21), HPG (+0,80), TCB (+0,62)… Ngược lại, kéo chỉ số giảm điểm bao gồm: GAS (-0,39), VRE (-0,23), HAG (-0,23), HNG (-0,21), SSI (-0,20)…

Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 24.551 tỷ đồng, tăng 16,4% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 26.097 tỷ đồng. Biên độ dao động là 9 điểm. Thị trường có 229 mã tăng, 44 mã tham chiếu và 242 mã giảm. Giá trị mua ròng của khối ngoại: 117,37 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm KBC (60,22 tỷ), DXG (52,25 tỷ), STB (27,80 tỷ). Khối ngoại mua ròng trên sàn HNX với giá trị 12,48 tỷ đồng.

Theo BSC, bật tăng ngay từ khi mở cửa, VN-Index thử nốt một lần cuối cùng trong năm vươn lên 1,500, tuy nhiên vẫn không thành công. Sau khi loanh quanh trong biên độ 9 điểm, chỉ số đóng cửa tại 1498,28 điểm, gần mức cao nhất trong ngày. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 11/19 ngành tăng điểm, cho thấy dòng tiền đang tập trung vào một số mã nhất định. Nhóm cổ phiếu VN30 có 22/30 mã phủ sắc xanh. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. Hiện tại, ngưỡng 1490 điểm có thể coi là ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index; mong rằng bước sang năm 2022, thị trường sẽ khởi sắc.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo CTCK Asean - Aseansc, góc nhìn kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh vừa, với giá đóng cửa nằm trên các đường trung bình động ngắn hạn MA3 ngày và MA5 ngày, kèm thanh khoản cải thiện, là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy bên mua đang tạm thời chiếm ưu thế, và xu hướng thị trường có thể trở nên tích cực hơn nếu VN-Index có thể vượt qua được vùng kháng cự 1.500 – 1.505 điểm.

Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1.500 – 1.505 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.510 – 1.515 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1.490 – 1.495 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.480 – 1.485 điểm. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.

Dự báo trong phiên giao dịch đầu năm mới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng kháng cự gần 1.500 – 1.505 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.510 – 1.515 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.

Còn theo nhận định từ, CTCK Sài Gòn - Hà Nội _SHS, thị trường chứng khoán mà đại diện là chỉ số VN-Index (+1,4%) tăng điểm khá tốt trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 nhờ sự tích cực của cổ phiếu ngân hàng (+4,1%) trong tuần qua. Thanh khoản tuy có suy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn xấp xỉ mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự mạnh và một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài quan sát. Vậy là VN-Index đã kết thúc một năm giao dịch thành công với mức tăng 35,7%, đây là mức tăng cao thứ 2 trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, chỉ đứng sau mức tăng 48% của năm 2017.

Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng tăng của thị trường tiếp tục được củng cố và khả năng để VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022 là có thể diễn ra. Nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải đã nâng tỷ trọng lên mức cao khi tham gia bắt đáy trong phiên 6/12 có thể canh những nhịp tăng điểm trong tuần tiếp lên quanh ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm để chốt lời một phần danh mục, đưa tỷ trọng về mức cân bằng.

Thị trường trong nước khép lại một năm thành công rực rỡ với nhiều kỷ lục được thiết lập bằng phiên tăng điểm nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy vậy, chỉ số VN-Index vẫn lỡ hẹn với mốc 1.500 điểm, để lại nhiều tiếc nuối cho nhà đầu tư phiên này. Dẫu vậy, năm nay chỉ số VN-Index vẫn lọt TOP các chỉ số có mức tăng trưởng mạnh nhất trên toàn cầu.

Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE tăng lên mức 24.551 tỷ đồng so với mức 21.100 tỷ đồng ở phiên hôm qua. Năm nay thanh khoản thị trường lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử nhờ lượng tài khoản mở mới liên tục tăng.

Theo MBS, niềm tin vượt đỉnh cũ và lập các mốc cao mới sẽ rất cao trong tuần đầu năm mới.

Theo Yuanta Việt Nam, thị trường kỳ vọng tăng năm 2022 dựa trên quan điểm rất tích cực đối với triển vọng năm 2022 nhờ vào 1) nền tảng cơ bản vững chắc của thị trường (tăng trưởng lợi nhuận), 2) điều kiện thanh khoản dồi dào (lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp), và 3) tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trong nước (số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng cao kỷ lục).

Yuanta cho rằng rủi ro dịch bệnh sẽ giảm vào nửa cuối năm 2022, khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng lên cao hơn. Dự báo tăng tưởng GDP đạt 6 – 7% là khả quan do giá trị xuất khẩu nguyên vật liệu công nghiệp sẽ tăng vọt và điều này sẽ giúp phục hồi tâm lý của người tiêu dùng.

Thanh khoản thị trường cũng sẽ duy trì ổn định. Lãi suất tiền gửi có thể vẫn ở mức thấp trong năm 2022 do chính sách tiền tệ vẫn còn nới lỏng và chủ yếu tập trung vào tính bền vững trước tác động tiêu cực của đại dịch.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Lãi suất tiền gửi ngân hàng nhà nước (NHNN) là lãi suất phi rủi ro trên thực tế đối với các nhà đầu tư cá nhân trong nước – những nhà đầu tư này ít có động lực mua trái phiếu chính phủ có mệnh giá là đồng VND với lãi suất thấp.

Lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp đồng nghĩa với chi phí cơ hội sẽ giảm đi khi phân bổ vốn đầu tư vào các lớp tài sản khác, và các kênh đầu tư thay thế của hầu hết các nhà đầu tư cá nhân chỉ giới hạn ở tài sản, kim loại quý (và đối với nhiều nhà đầu tư khác là tiền điện tử), và cổ phiếu niêm yết. Điều này khiến số lượng tài khoản mở mới và nhu cầu vay ký quỹ gia tăng nhanh chóng.

Theo quan điểm của Yuanta, thanh khoản thị trường tăng mạnh là một điểm sáng và đà tăng vẫn chưa kết thúc: giá trị giao dịch bình quân tính theo ngày trong tháng 11 là 1,8 tỷ USD - một kỷ lục mới, giúp xác nhận sức mạnh động lượng của thị trường.

Tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân có thể vẫn sẽ tích cực đối với thị trường chứng khoán do giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn trong năm 2022 với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong nước, trái ngược hoàn toàn với sự kiện các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.

"Việc khối ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam rõ ràng không gây tác động tiêu cực đến khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư Việt Nam. Các nhà đầu tư trong nước đã mở đến 1,3 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán trong 11 tháng vừa qua. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng trong những tháng gần đây. So sánh với mức thanh khoản thị trường cao kỷ lục trong tháng 11, số lượng tài khoản mở mới trong tháng này nhìn chung khá cao so với các giai đoạn khác", báo cáo nêu.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán Việt Nam đã được mở trong tháng 11 đạt 221.314 tài khoản, đây là tháng có số lượng tài khoản mở mới cao nhất từ trước đến nay. Một số lượng tài khoản không xác định trong số các tài khoản này thuộc về các nhà đầu tư đang tìm kiếm nguồn vay ký quỹ do nguồn vốn dùng để cho vay ký quỹ của nhiều công ty chứng khoán quy mô lớn một lần nữa lại đạt đến ngưỡng giới hạn. Nhưng bất kể số lượng nhà đầu tư F0 so với số lượng các nhà đầu tư nắm giữ nhiều tài khoản cùng lúc có là bao nhiêu thì những tài khoản mới này có khả năng vẫn đang hoạt động.

Kết quả là tổng số lượng tài khoản hiện đã vượt hơn 4,1 triệu (tăng từ mức 2,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2020).

"Có một số lượng nhà đầu tư nhất định sở hữu nhiều tài khoản cùng lúc, nhưng nếu chúng tôi đơn giản hóa vấn đề này, thì 4,1 triệu tài khoản trên tương ứng với 4% dân số Việt Nam", Yuanta nhấn mạnh.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.