Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới 25-29/10: Các nhà đầu tư tự tin 'sau cơn mua trời lại sáng' dù rào cản tâm lý 1.400 điểm vẫn còn
Thị trường điều chỉnh nhẹ trong tuần qua khi mà chỉ số VN-Index liên tiếp thất bại trước ngưỡng tâm lý 1.400 điểm. Ảnh minh hoạ

Thị trường chứng khoán tuần vừa qua khép lại với phiên giao dịch khiến các nhà đầu tư "toát mồ hôi" khi khiến VN-Index không vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.400 điểm. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đóng vai trò lan toả sắc xanh kéo lại phần nào sức nóng cho thị trường.

Nhìn lại toàn cảnh thị trường chứng khoán, kết thúc tuần giao dịch từ 18 - 22/10, VN-Index giảm 3,46 điểm xuống 1.389,24 điểm; HNX-Index tăng 6,37 điểm lên 391,21 điểm; UPCoM-Index tăng 0,59 điểm (0,59%) lên 100,36 điểm.

Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với khoảng 24.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 2,2% lên 110.405 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng tăng 3,5% lên 3.790 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 3,8% lên 13.294 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng tăng 15,6% lên 652 triệu cổ phiếu.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), các nhóm ngành cổ phiếu chính có sự phân hóa mạnh trong tuần qua. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với 1,4% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu trong nhóm như CTG giảm 3,3%, VCB giảm 2,3%, ACB giảm 1,9%, MBB giảm 1,8%, VPB giảm 0,8%, TCB giảm 0,6%, BID giảm 0,5%...

Tiếp theo là nhóm công nghệ thông tin với mức giảm 1,3% giá trị vốn hóa, chủ yếu do mức giảm của trụ cột là FPT giảm 2,7% và CMG giảm 1,8%.

Ngành dịch vụ tiêu dùng cũng giảm 1,3% giá trị vốn hoá; trong đó, các cổ phiếu hàng không như SCS giảm 1,3%, HVN giảm 0,4%; cổ phiếu bán lẻ như: MWG giảm 3,6%, DGW giảm 2,4%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngành công nghiệp tăng mạnh nhất với 2% giá trị vốn hóa, nhờ GEX tăng 0,2%, CII tăng 0,8%, CTD tăng 1,9%, PC1 tăng 2,8%, BMP tăng 3%, REE tăng 4,1%.

Nhóm ngành cổ phiếu tài chính tăng 1% giá trị vốn hóa; trong đó, các mã bất động sản như: NVL tăng 1,3%, KDH tăng 3,9%, PDR tăng 8,4%, DIG tăng 13,9%, NLG tăng 16,1%; cổ phiếu chứng khoán như VND tăng 1,4%; cổ phiếu bảo hiểm như BVH tăng 0,8%, BMI tăng 4,7%, MIG tăng 6,5%, PVI tăng 8,3%, ABI tăng 9,3%...

Cổ phiếu ngành dầu khí tăng 0,1% giá trị vốn hóa, nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng và nguyên vật liệu đều tăng 0,2% giá trị vốn hóa, nhóm dược phẩm và y tế tăng 0,4 giá trị vốn hóa.

Theo SHS, thị trường điều chỉnh nhẹ trong tuần qua khi mà chỉ số VN-Index liên tiếp thất bại trước ngưỡng tâm lý 1.400 điểm. Thanh khoản trong tuần qua tăng nhẹ và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất, cho thấy áp lực bán quanh ngưỡng 1.400 điểm là tương đối mạnh đã khiến thị trường thoái lui ngay sau đó.

Khối ngoại cũng bán ròng mạnh với hơn 3.500 tỷ đồng trên hai sàn cũng gây nên áp lực điều chỉnh lên thị trường.

Tuy nhiên, với việc tiếp tục kết tuần trên vùng hỗ trợ 1.375-1.380 điểm nên khả năng để VN-Index tiếp tục hướng đến ngưỡng tâm lý 1.400 điểm trong tuần tiếp theo là vẫn còn.

Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán gia tăng thì VN-Index có khả năng sẽ cần kiểm tra lại lực cầu trong vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.375-1.380 điểm.

Theo MBS, thị trường đã cắt mạch giảm 3 phiên liên tiếp bằng phiên phục hồi cuối tuần. Nhóm cổ phiếu bluechips tuần này giảm 4 phiên liên tiếp là nguyên nhân kìm hãm thị trường chung. Ngược lại, nhóm midcap và smallcap ngược dòng thị trường để lập các đỉnh cao mới. Tỷ suất lợi nhuận ở các cổ phiếu vừa và nhỏ đang hấp dẫn hơn so với nhóm cổ phiếu bluechips có thể khiến dòng tiền tiếp tục giảm ở nhóm cổ phiếu lớn và qua đó gây ảnh hưởng đến thị trường chung. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index có ngưỡng hỗ trợ ở 1.375 điểm, trong kịch bản thận trọng, thị trường có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ MA50 và MA100.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) nhận định, tuần giao dịch vừa qua có thể không gia tăng về mặt điểm số nhưng thanh khoản có tín hiệu tích cực hơn nhờ dòng tiền lan tỏa vào nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau. Sau khi có chuỗi đi ngang gần 2 tuần qua và chưa thể chinh phục mốc 1.400 thành công thì tôi nhận thấy động lực chung của thị trường có dấu hiệu suy yếu.

Ngoài ra, cũng phải lưu ý chính vì thiếu sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng và cả nhóm Big cap như Vingroup nên chỉ số VN-Index khó có sự bứt phá mạnh được. Hiện một số cổ phiếu thuộc các ngành quan trọng như ngân hàng, chứng khoán, thép đã công bố báo cáo tài chính quý vì vậy yếu tố hấp dẫn sẽ không còn.

Thị trường tuần sau có thể có những nhịp điều chỉnh và rung lắc một thời gian trước khi hình thành xu thế mới vì vậy các nhà đầu tư ngắn hạn nên lưu ý cơ cấu danh mục để đạt hiệu quả cao nhất.

Thực tế, dòng tiền vẫn đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán cho thấy, kênh chứng khoán vẫn đầu tư hấp dẫn.
Thực tế, dòng tiền vẫn đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán cho thấy, kênh chứng khoán vẫn đầu tư hấp dẫn. Ảnh minh hoạ

Còn theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty chứng khoán VPS cho rằng: Thị trường chứng khoán tuần tới có lẽ vẫn hồi phục để hướng tới vùng 1.395 – 1.400 điểm - dòng tiền có lẽ vẫn ưa thích nhóm cổ phiếu midcap và smallcap hoặc một số cổ phiếu lớn. Nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, nhóm cổ phiếu tài chính tích lũy cho thấy, thị trường khó có biến động mạnh bất ngờ mà kịch bản thị trường biến động trong biên độ hẹp tuần tới là dễ xảy ra.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS cũng thông tin thêm: Chỉ số VN-Index có tuần đi ngang thứ 2 liên tiếp, dù đã có một số phiên tiệm cận ngưỡng kháng cự 1.400 điểm, nhưng đều không dứt điểm thành công. Nhóm cổ phiếu bluechips suy yếu trở thành nguyên nhân chính kìm hãm đà tăng của chỉ số, trong khi đó dòng tiền chỉ giao dịch ở nhóm cổ phiếu nhỏ hoặc cổ phiếu đầu cơ.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III cũng sắp kết thúc nhưng không tác dụng nhiều đối với nhóm cổ phiếu bluecchips, do vậy khả năng nhóm bluecchips sẽ còn là gánh nặng đối với thị trường chung trong khi cơ hội vẫn còn ở nhóm cổ phiếu nhỏ hoặc nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Everest, những điều xấu nhất đã đi qua trong tháng 9, nhưng nền kinh tế và thị trường chứng khoán cần thời gian để tích lũy, dần hồi phục trở lại. Ngoài ra, dù dịch bệnh đã giảm nhiều nhưng số ca nhiễm trên toàn quốc vẫn còn cao; di chuyển và vận tải giữa các địa phương vẫn còn nhiều rào cản kéo theo chi phí tăng theo. Lực lượng lao động hoặc thiếu hụt, hoặc dịch chuyển về quê cũng làm ảnh hưởng đến tiến trình tái khởi động trở lại của các doanh nghiệp.

Dù vậy, công ty chứng khoán này cho rằng, những tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện như: nửa cuối tháng 9 bắt đầu ghi nhận mức thặng dư thương mại trở lại sau hơn 5 tháng thâm hụt liên tiếp và FDI duy trì tốc độ tăng trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là những tín hiệu tích cực cho thấy, sức hút của Việt Nam đối với cộng đồng đầu tư quốc tế.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Everest, thời gian tới, nền kinh tế được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công. Theo đó, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm, nhằm đạt ít nhất 95% so với kế hoạch năm 2021 là 461.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Ngoài ra, doanh nghiệp, thị trường và người dân cũng đang chờ đợi những gói hỗ trợ tiếp theo để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định đời sống kinh tế của người lao động.

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Everes cho rằng, lợi nhuận nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thuộc Top 50 chiếm 89% đại diện thị trường, dự báo sụt giảm lợi nhuận 3,3% so với cùng kỳ. Đây là mức không quá lớn trong bối cảnh gần như nền kinh tế bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh.