Theo kế hoạch, TP Hà Nội dự kiến sẽ phát triển hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn khoảng hơn 12.000 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách hơn 280 tỉ đồng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án Khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp gồm có 6 khối nhà, mỗi tòa cao 19 tầng với mức đầu tư 1.900 tỷ đồng.

Công trình được khởi công từ tháng 9/2009 và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2015 với 3 tòa nhà, sức chứa 10.800 sinh viên. Mỗi phòng rộng gần 57m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa….

Dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng cung cấp chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên các trường đại học phía Nam thủ đô.

Phần lớn diện tích của dự án ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp được chuyển đổi thành nhà ở xã hội cho thuê
Phần lớn diện tích của dự án ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp được chuyển đổi thành nhà ở xã hội cho thuê. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Sau một năm đưa vào khai thác, khu ký túc xá đã hoạt động được 2 tòa nhà, trong đó 1 tòa nhà mới có khoảng 15% sinh viên đến ở và 1 tòa nhà thì chưa có sinh viên nào. Cho đến nay, khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp vẫn khá vắng vẻ, số lượng phòng trống còn rất lớn.

Đáng nói, đến nay vẫn còn một số tòa nhà thi công dang dở và bị bỏ hoang, rác thải, cỏ dại bao vây khu vực này. Có tòa nhà đã xuất hiện tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do nhiều năm không có ai sử dụng, bảo trì.

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, một tòa nhà tại khu ký túc xá đã được tận dụng làm cơ sở cách ly tập trung, tuy nhiên đến nay cũng lại bỏ hoang, cỏ mọc um tùm xung quanh.

Theo Sở Xây dựng, dự án khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp được lập và triển khai trong giai đoạn có biến động lớn về giá các vật liệu xây dựng, dẫn đến tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh tăng thêm, từ 1.500 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ.

Một trong các hạng mục bỏ hoang tại ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp
Một trong các hạng mục bỏ hoang tại ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp. Ảnh: Thanh Niên

Theo các chuyên gia xây dựng, nếu không sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng, phần công trình được xây thô, chưa lắp cửa sổ, nước mưa đọng dễ gây thấm dột, ảnh hưởng kết cấu công trình.

Năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội từng báo cáo, đề xuất tách hạng mục nhà A4 ra khỏi dự án; chuyển đổi nhà A2, A3 từ công trình KTX thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp được giao thực hiện có nhiệm vụ hoàn trả phần kinh phí nhà nước đã đầu tư cho hạng mục tòa A2, A3, số tiền khoảng 340 tỉ đồng. Số tiền này sẽ dùng để trả nợ cho khối lượng đã hoàn thành của nhà A1, A5 và A6 khi đó là khoảng gần 234 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do tắc về cơ chế, vướng mắc pháp lý về đầu tư, quy hoạch, vốn... nên đề xuất phải dừng lại. Hệ lụy là nhiều khối nhà cao chọc trời, mới xây xong phần thô tiếp tục phơi mưa, nắng, xuống cấp.