Cụ thể, Thế giới Di động bổ sung tờ trình chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng và thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023.

Được biết, trong năm 2021, Thế giới Di động trả cổ tức tỷ lệ 110%. Trong đó, 10% bằng tiền mặt và 100% bằng cổ phiếu; và năm 2020, Thế giới Di động đã trả cổ tức 55%. Trong đó, 5% bằng tiền và 50% bằng cổ phiếu. Ngoài ra, MWG cũng phải dừng thói quen ESOP do tăng trưởng âm năm 2022.

Như vậy, cổ tức bằng tiền năm 2022 giảm một nửa và không trả cổ tức bằng cổ phiếu so với năm 2021.

Bước sang năm 2023, trước áp lực từ lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, MWG lên kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng với mục tiêu tăng trưởng chỉ 1 chữ số so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần dự kiến đạt 135.000 tỷ đồng – tăng 1% và lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng – tăng 2% so với năm 2022.

Trong năm 2023, Thế giới Di động đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện trong năm 2022 (giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý III/2023).

Công ty chia sẻ, theo ghi nhận sơ bộ trong những tháng đầu năm, sức mua điện thoại và điện máy đang giảm mạnh hơn dự kiến của Công ty. Trong đó, tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra ngay cả đối với nhóm khách hàng trung cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp.

Đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng cũng diễn ra bằng việc mua các sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn.

Thêm nữa, sau tái cấu trúc, chuỗi bán lẻ Bách hoá Xanh đang cho thấy những tín hiệu bền bỉ hơn trong giai đoạn thị trường khó khăn, tiếp tục đặt kế hoạch tăng doanh thu hai chữ số và nỗ lực đạt điểm hoà vốn vào cuối năm 2023.

Đối với chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm cho mẹ & bé AVAKids, Công ty sẽ tạm ngưng mở rộng và chỉ giữ những cửa hàng có lợi nhuận dương. Trong đó, năm 2023, chuỗi sẽ tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh và giảm lỗ.

Thế giới Di động doanh thu sụt giảm 32%, phải lên kế hoạch cắt giảm mạnh cổ tức
Thế giới Di động doanh thu sụt giảm 32%, phải lên kế hoạch cắt giảm mạnh cổ tức. Ảnh minh họa

Một nội dung đáng chú ý, Công ty cho biết nếu tình hình dòng tiền cho phép và giá cổ phiếu hấp dẫn, Công ty dự kiến sẽ thực hiện việc mua lại cổ phiếu quỹ để giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Ngược lại, nếu tình hình dòng tiền không cho phép và giá cổ phiếu không đủ hấp dẫn, Công ty sẽ không thực hiện việc mua lại cổ phiếu quỹ.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu 19.010 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ và hoàn thành được 14% kế hoạch doanh thu năm (kế hoạch doanh thu 135.000 tỷ đồng).

Mặc dù vậy, Thế giới Di động không công bố lợi nhuận trong 2 tháng đầu năm 2022. Được biết, trong các báo cáo theo tháng năm 2022, Thế giới Di động liên tục công bố doanh thu và lợi nhuận hàng tháng.

Đối với chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh, trong 2 tháng đầu năm, tổng doanh thu giảm 32% so với cùng kỳ.

Về tình hình kinh doanh trong năm 2022, trong quý 4 cuối năm, MWG ghi nhận doanh thu chỉ đạt 30.588,4 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cao cùng các chi phí gia tăng đã khiến cho lợi nhuận sau thuế của đơn vị chỉ còn ghi nhận ở mức 619 tỷ đồng, giảm tới 60,4% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế doanh thu năm 2022 của công ty đạt 133.404,8 tỷ đồng, tăng 8,5% so với thực hiện năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm từ 4.901,4 tỷ đồng xuống chỉ còn 4.101,7 tỷ đồng, tương ứng mức giảm khoảng 16,3%.

Tình hình kinh doanh bết bát trong năm 2022 còn được thể hiện rõ hơn khi Thế giới Di động đã phải đóng cửa toàn bộ cửa hàng thuộc chuỗi Bluetronics tại Campuchia. Chuỗi này đã hoạt động từ năm 2017 với cửa hàng đầu tiên đặt tại Thủ đô Phnom Penh với tên BigPhone. Sang đến năm 2019 thì đổi tên thành Bluetronics. Đến nay thì toàn bộ 55 cửa hàng đều đóng cửa, chỉ còn 2 cửa hàng tại Thủ đô Phnom Penh.

Bất chấp tình hình kinh doanh bết bát như vậy, chủ tịch Tài vẫn dự định phát hành thêm cổ phiếu ESOP cho ban điều hành, cán bộ quản lý chủ chốt của công ty. Trong năm ngoái, Thế giới Di động cũng đã từng phát hành thêm tới 19,2 triệu cổ phiếu ESOP dành cho các cán bộ quản lý chủ chốt của công ty.