Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Thành phố Hà Nội làm rõ số thất thoát, lãng phí (cả về vốn, tài sản, đất đai) trong quản lý, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; có các giải pháp chấn chỉnh, xử lý quyết liệt các sai phạm, gắn trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu trong từng cơ quan tổ chức.
Sáng 22/8, tiếp tục chương trình giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 ”, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn đã làm việc với thành phố Hà Nội.
Theo báo cáo của UBND thành phố, việc lập, phê duyệt, giao thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và hàng năm tuân thủ đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt dự án chưa cao, chưa xác định được các dự án thực sự cần thiết (906 dự án bị cắt giảm do chưa cần thiết, cấp bách). Thực tế cho thấy, nhiều dự án đã hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng nhưng chưa khai thác hết công suất, hiệu quả thấp, điển hình như: Bảo tàng Hà Nội, Rạp 2/9 thị xã Sơn Tây, Tuyến xe buýt nhanh BRT.
Số dự án chậm tiến độ còn lớn (707 dự án), trong đó đáng chú ý hầu hết các dự án nhóm A, dự án PPP, dự án sử dụng vốn ODA đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh quyết định đầu tư nhiều lần.
Tổng hợp kết quả xử lý từ nhiều năm, đặc biệt sau áp lực giám sát, tái giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, tính lũy kế đến nay, trong số 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, các ngành và thành phố đã xử lý xong 68 dự án gồm: 11 dự án đang triển khai theo tiến độ được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của Ủy ban Nhân dân thành phố; 45 dự án tiếp tục báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố chấm dứt hoạt động theo quy định.
Đối 67 dự án còn lại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý. Cụ thể, 14 dự án đã báo cáo đề xuất xử lý; 11 dự án mới có văn bản chấp thuận cho nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án, văn bản lựa chọn chủ đầu tư nhưng chưa có dự án được chấp thuận; 42 dự án còn lại tiếp tục rà soát, phân loại để báo cáo đề xuất.
Đoạn ngầm Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội từ khách sạn Hà Nội Daewoo về Ga Hà Nội đang dừng thi công. Ảnh: Lao Động |
Đối với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, hiện thánh phố đã xử lý xong 213 dự án; trong đó, có 105 dự án sau thanh kiểm tra, chủ đầu tư chủ động khắc phục các tồn tại, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai; 37 dự án kiến nghị trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động; 71 dự án được quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng nhưng chủ đầu tư рhải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn khoảng 371,115 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếр tục đề xuất xử lý 173 dự án còn lại.
Liên quan đến thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Có nhiều dự án kéo dài trong vòng 20 năm, thậm chí lâu hơn. Tôi đề nghị phản ánh rõ các nguyên nhân theo nhóm, do khách quan, chủ quan, đặc biệt, Đoàn giám sát rất quan tâm vướng do văn bản pháp luật, văn bản dưới luật.”
Các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra, tình trạng quy hoạch treo, dự án treo chậm được khắc phục. Thành phố vẫn còn 337 công trình, dự án được UBND thành phố giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng. Nhiều dự án các khu đô thị diện tích đất để hoang, gây lãng phí.
Ông Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách:“Các dự án chậm triển khai, chậm sử dụng. Đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội, đụng đến đoạn ngầm là đụng đến móng nhà xung quanh, tư vấn thiết kế phải tính chứ. Quy hoạch nổi thì cần tính cả quy hoạch ngầm.”
Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, các tồn tại, hạn chế nêu trên đều là nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực đầu tư, gây bức xúc cho dư luận. Đề nghị Thành phố làm rõ số thất thoát, lãng phí (cả về vốn, tài sản, đất đai) trong quản lý, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; có các giải pháp chấn chỉnh, xử lý quyết liệt các sai phạm, gắn trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu trong từng cơ quan tổ chức.
© thitruongbiz.vn