'Cuộc đua' lãi suất huy động tiếp tục tăng nóng lên 8.9%/năm

Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã được đẩy lên mức 8,9%/năm đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng, cao hơn 1,35%/năm so với trước. Và lãi suất 8,9%/năm cũng là mức huy động dành cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi của SCB kỳ hạn 24 tháng.

Đối với các kỳ hạn gửi tiền trực tuyến khác, lãi suất ngân hàng SCB áp dụng cũng tăng mạnh: kỳ hạn 12 tháng tăng 0,9%/năm lên thành 8,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng 1%/năm lên thành 8%/năm và kỳ hạn 6 tháng tăng 0,95%/năm lên mức 7,8%/năm.

'Cuộc đua' lãi suất huy động tiếp tục tăng nóng lên 8.9%/năm

Đối với sản phẩm gửi tiền tiết kiệm tại quầy, lãi suất cao nhất tăng thêm 1%/năm so với trước đó lên thành 8,55%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, trả lãi cuối kỳ. Trước lần điều chỉnh trên, SCB vừa có một đợt tăng mạnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm hồi đầu tháng 10. Mức tăng dao động từ 0,9-1%/năm tùy từng kỳ hạn.

Vị trí thứ 2 thuộc về Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với lãi suất 8,8%/năm khi gửi tiền kỳ hạn 13 tháng.

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa niêm yết biểu lãi suất mới tăng từ 0,3-1%/năm tại nhiều kỳ hạn. Đối với tiền gửi từ 1-3 tháng, lãi suất Techcombank tăng kịch trần lên mức 5%/năm; kỳ hạn 6 tháng lãi suất dao động từ 6,7-7,2%/năm; lãi suất tại kỳ hạn 12 tháng dao động từ 7-7,5%/năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng ghi nhận biểu lãi suất huy động mới, tăng thêm 0,3%/năm với nhiều kỳ hạn. Lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này hiện niêm yết ở mức 8%/năm dành cho mức tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 36 tháng. Nếu khoản gửi tiết kiệm trực tuyến dưới 50 tỷ đồng kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cao nhất dao động từ 7,2-7,8%/năm.

Tuy nhiên, VPBank còn quy định, với khách hàng ưu tiên khi gửi từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được cộng lãi suất thêm 0,1%/năm so với biểu lãi suất hiện hành. Do đó, khách hàng ưu tiên của VPBank có thể được hưởng lãi suất tối đa tới 8,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Đối với khoản gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 12 tháng tại VPBank, lãi suất cao nhất dao động từ 6,7-7,5%/năm.

Đối với các khoản gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất huy động của VPBank kỳ hạn 12 tháng dao động từ 6,5-7,3%/năm; kỳ hạn 36 tháng từ 7-7,8%/năm.

Trước đó, VPBank cũng vừa có đợt tăng mạnh lãi suất thêm 0,7-1%/năm trong tuần cuối tháng 9.

Cuộc đua lãi suất huy động đang ngày càng "nóng" khi có sự tham gia của cả 4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Lãi suất huy động cao nhất tại nhóm "Big 4" này là 6,4%/năm đối với hình thức gửi tiền tại quầy và lên tới 6,8%/năm với gửi tiền trực tuyến, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng dao động từ 4,7-4,8%/năm; kỳ hạn dưới 6 tháng, dao động từ 4,1-4,4%/năm.

Giới chuyên gia kỳ vọng việc tăng lãi suất huy động vốn ở thời điểm này sẽ hút về lượng lớn tiền gửi nhàn rỗi, giảm áp lực lên thanh khoản của các ngân hàng. Đồng thời, dự báo lãi suất huy động có thể sẽ còn tiếp tục tăng, đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao cho mùa cao điểm cuối năm của nền kinh tế.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết tính đến thời điểm 20/9/2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt mức 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%).