Cúm A là gì?

Cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 là những chủng virus cúm thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây nhiễm sang người và tạo thành dịch. Bệnh cúm A thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường do những triệu chứng tương tự; tuy nhiên bệnh diễn tiến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch và đại dịch.

Virus cúm A có hệ gen là RNA sợi đơn âm bao gồm tám phân đoạn gen riêng biệt mã hóa cho 11 protein khác nhau của virus. Vỏ của virus cúm A có bản chất là glycoprotein, gồm 2 kháng nguyên: kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hoà N (Neuraminidase). Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã phát hiện được 15 loại kháng nguyên H (H1-H15), 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của các loại kháng nguyên có thể tạo nên những phân tuýp khác nhau của virus cúm A.

Virus cúm A là virus RNA có tám đoạn gen.
Virus cúm A là virus RNA có tám đoạn gen.

Virus cúm A có thể thay đổi kháng nguyên khi gặp một số điều kiện thuận lợi như người sống gần các loại gia cầm, vật nuôi như gà, lợn. Virus cúm A có thể bị giết chết ở nhiệt độ 56oC trong vòng 3 giờ và 60oC trong 30 phút. Các chất tẩy uế thông thường như formalin, iodine cũng có tác dụng diệt trừ virus trên các bề mặt. Các tuýp virus có độc lực cao có khả năng tồn tại lâu trong môi trường, đặc biệt là ở nhiệt độ thấp virus có thể tồn tại ít nhất là 35 ngày trong nhiệt độ 4oC. Nếu đông băng, virus có thể tồn tại trong nhiều năm.

Virus cúm A liên tục thay đổi và có khả năng gây ra những trận đại dịch lớn. Hiện có rất nhiều chủng virus cúm A đang lưu hành trên toàn cầu, trong đó phổ biến nhất là các chủng A/H1N1, A/H5N1, A/H3N2, A/H7N9.

Cúm A/H1N1 là chủng virus cúm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận vào năm 2009. Ban đầu, cúm A/H1N1 có cái tên là “cúm lợn” vì các nhà khoa học cho rằng chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn. Cúm A/H1N1 có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành các đợt dịch và đại dịch.

Tuy không nguy hiểm như những cúm A khác như A/H5N1 hay A/H7N9, nhưng cúm A/H1N1 có khả năng gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy đa tạng hoặc thậm chí là tử vong ở một số người có bệnh mãn tính. Mỗi năm, trên thế giới ghi nhận 250.000 – 500.000 trường hợp tử vong do cúm.

Bệnh cúm A có nguy hiểm không?

Bệnh cúm A là căn bệnh phổ biến, nguy hiểm đối với người lớn và trẻ em, đặc biệt dễ lây lan. Các chủng virus cúm A có khả năng tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, có thể sống lên đến 48h trên các bề mặt như tay nắm cửa, bản, ghế, tủ,… Virus có khả năng tồn tại trong quần áo lên đến 12 giờ, duy trì 5 phút trong lòng bàn tay.

Bệnh cúm A ở người có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe của từng người. Các triệu chứng khi nhiễm virus cúm A có một số điểm tương đồng với khi nhiễm chủng virus cúm thường. Nếu không được điều trị đúng cách, một số đối tượng như người già, trẻ em, người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác hoặc gặp các biến chứng nặng dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng.

Cúm A là một căn bệnh dễ gặp ở trẻ. Ảnh minh họa
Cúm A là một căn bệnh dễ gặp ở trẻ. Ảnh minh họa

Biến chứng nặng nhất khi mắc bệnh cúm A là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu,… dẫn đến viêm phổi, thiếu oxy và thậm chí là tử vong. Do đó ngay khi có các yếu tố dịch tễ như sốt, triệu chứng viêm long đường hô hấp, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm và chẩn đoán xác định mắc chủng virus cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp.

Biến chứng cúm A ở trẻ em

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc cúm và nguy cơ cao gặp các biến chứng cúm do hệ miễn dịch còn chưa phát triển toàn diện. Đặc biệt, ở những trẻ có bệnh nền như hen suyễn, có bất thường về thần kinh, trẻ có bệnh mãn tính, tim mạch, bệnh về máu, nội tiết, thận, gan hoặc bệnh lý rối loạn chuyển hóa, thừa cân, sử dụng corticoid, aspirin hoặc hóa trị liệu kéo dài, trẻ nhiễm HIV thường có nguy cơ gặp những biến chứng cao hơn so với những đứa trẻ bình thường.

Một số biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc cúm A gồm: suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát,… Những biến chứng do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng và sự phát triển sau này của bản thân đứa trẻ.

Ba mẹ cần chú ý 4 dấu hiệu cúm A trở nặng sau đây để có thể kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện: Sốt cao từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt; Trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh; Co giật; Khó thở, thở nhanh.

Diễn biến các giai đoạn của bệnh cúm A

Thời gian ủ bệnh của cúm A dài hơn bệnh cúm mùa thông thường. Thông thường, thời gian ủ bệnh của cúm A có thể từ 2-8 ngày và có thể kéo dài lên đến 17 ngày. Tuy nhiên, phơi nhiễm nhiều lần với virus có thể dẫn đến việc khó xác định chính xác thời gian ủ bệnh của bệnh nhân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời kỳ ủ bệnh 7 ngày áp dụng cho việc điều tra và theo dõi những người đã từng có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm A.

Người mắc bệnh cúm A thường đào thải virus trong khoảng thời gian từ 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng. Trong một số trường hợp có thể dài hơn từ 7-10 ngày.

Nếu được phát hiện và kịp thời điều trị, người mắc bệnh cúm A có thể khỏi bệnh trong vòng 7 – 10 ngày. Sau 5 ngày, bệnh nhân thường hết sốt, sổ mũi và đau đầu; nhưng ho và mệt mỏi có thể còn tiếp tục kéo dài. Tất cả các triệu chứng của bệnh thường biến mất hoàn toàn sau khoảng 1-2 tuần.