Vài ngày gần đây, cổ phiếu CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Mã chứng khoán VOS – sàn HOSE) đang gây chú ý khi đã tăng kịch trần liên tiếp từ 14 - 18/6, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/6 là 6.010 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 39% sau 2 tuần. Sau phiên giao dịch chứng khoán ngày 21/6, giá cổ phiếu VOS tạm dừng ở 6.430 đồng, gấp khoảng 3 lần so với thời điểm đầu năm nay.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vận tải tăng chủ yếu do hưởng lợi từ giá cước vận tải liên tục tăng cao. Đặc biệt là một cuộc khủng hoảng vận tải mới vừa xuất hiện ở miền Nam Trung Quốc khi Quảng Đông - một trung tâm vẩn chuyển lớn, chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc - đang phải đối mặt với đợt bùng phát Covid mới.

Tính tới 31/12/2020, VOS sở hữu đội tàu 12 chiếc với tổng trọng tải là 405.112 DWT gồm 8 tàu hàng khô, hàng rời; 2 tàu dầu sản phẩm; và 2 tàu container. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thực hiện thuê định hạn nên số lượng tàu khai thác thường xuyên giao động từ 12-14 tàu. Trong đó, đội tàu khô, hàng rời gồm 8 tàu và có trọng tải từ 13.000 DWT đến 56.400 DWT, đây là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp. Được biết, hiện nay doanh thu của công ty ước tính khoản 90% đến từ kinh doanh vận tải biển.

Cổ phiếu Vận tải Biển Việt Nam (VOS) liên tục tăng trần dù lỗ luỹ kế 940,7 tỷ đồng
Cổ phiếu Vận tải Biển Việt Nam (VOS) liên tục tăng trần dù lỗ luỹ kế 940,7 tỷ đồng

Giai đoạn 2018 - 2020, cổ phiếu VOS từng nằm trong nhóm những mã có giá ngang "cốc trà đá". Cụ thể, từ tháng 4/2018 cho đến cuối tháng 11/2020, mã này thường xuyên giao dịch dưới mốc 2.000 đồng. Thế nhưng, do đà tăng phi mã gần đây, cổ phiếu VOS đang giao dịch trên vùng đỉnh của 10 năm trở lại.

Song, đà tăng giá của nó không đến từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Xét về kết quả kinh doanh từ năm 2017 tới nay, hoạt động kinh doanh chính (Doanh thu thuần -giá vốn hàng – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp) của doanh nghiệp liên tục âm. Trong đó, những năm kinh doanh dưới giá vốn là năm 2017 lợi nhuận gộp âm 122,4 tỷ đồng, năm 2019 âm 16,6 tỷ đồng và năm 2020 âm 33,7 tỷ đồng.

Giai đoạn năm 2017 - 2019, hoạt động kinh doanh chính liên tục lỗ, doanh nghiệp chỉ thoát lỗ nhờ thu nhập khác từ thanh lý, nhượng bán tài sản và đặc biệt là thu nhập từ cơ cấu nợ với ngân hàng. Như vậy, có thể thấy trước và sau khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp đã không hiệu quả và kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận chỉ đến từ hoạt động khác.

Tình hình kinh doanh lao dốc của VOS (Nguồn: BCTC)
Tình hình kinh doanh lao dốc của VOS (Nguồn: BCTC)

Trong quý I/2021, kết quả của Vận tải biển Việt Nam bớt u ám khi chỉ lỗ sau thuế 19,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 86,5 tỷ đồng. Tính tới 31/3/2021, doanh nghiệp ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 940,7 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 1.400 tỷ đồng. Như vậy, lỗ luỹ kế đã chiếm tới 67,2% vốn điều lệ. Doanh thu quý I của công ty đạt 254,6 tỷ đồng, giảm so với mức 343,7 tỷ đồng của quý đầu năm ngoái. Ngoài ra, doanh nghiệp đang có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 1.225,1 tỷ đồng, chiếm 44,7% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Với kết quả kinh doanh lao dốc, mã VOS từng nhiều lần bị hạn chế thời gian giao dịch. Gần đây nhất, cổ phiếu VOS chỉ được giao dịch vào phiên chiều từ ngày 13/4. Ngày 15/4, cổ phiếu VOS được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát.

Ngoài ra, xét về cơ cấu nguồn vốn, doanh nghiệp đang sử dùng 962,6 tỷ đồng nợ ngắn hạn, 1.286,3 tỷ đồng nợ dài hạn và 489 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn chỉ có 868,4 tỷ đồng. Như vậy, tài sản ngắn hạn đang nhỏ hơn nợ ngắn hạn, điều này đồng nghĩa doanh nghiệp dùng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ một phần cho tài sản dài hạn, điều này sẽ dễ dẫn tới rủi ro thanh khoản nếu như hoạt động kinh doanh không thuận lợi.

Việc hoạt động kinh doanh cốt lõi lỗ liên tục và đặc biệt sử dùng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn, điều này sẽ là một dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tình hình tài chính và chưa có dấu hiệu khởi sắc, việc huy động vốn từ các nguồn vốn bên ngoài sẽ rất khó khăn. Nếu như việc huy động vốn không thuận lợi, điều này sẽ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp không thể đầu tư đội tàu mới, đội tàu cũ do độ tuổi ngày một lớn nên dẫn tới hiệu quả vận hành giảm theo thời gian.

Trước những khó khăn mà VOS đang phải đối mặt và khó tận dụng được giá cước vận tải tăng do đội tàu cũ, mà giá cổ phiếu tăng chủ yếu do kỳ vọng hưởng lợi từ giá cước vận tải tăng hơn là thực tế hưởng lợi; nhiều khách hàng sẽ ưu tiên các tàu lớn có thể chở được nhiều hàng, độ tuổi trẻ hơn và đặc biệt sức mạnh tài chính vững để đảm bảo thực hiện cung cấp dịch vụ liên tục hơn là những doanh nghiệp có khó khăn tài chính.

Vận tải biển Việt Nam là công ty con của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (sở hữu 51%). Cổ đông lớn của công ty còn bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Tuy nhiên, trong tháng 1, ACB bán khoảng 5,8 triệu cổ phiếu VOS và không còn là cổ đông lớn của công ty.

Hồi tháng 3/2015, Vinalines đã chuyển nhượng 12,6 triệu cổ phiếu VOS thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho Ngân hàng ACB để trừ nợ. Sau khi ACB thoái vốn từ ngày 12 tới ngày 14/1, cổ phiếu VOS từng giảm từ vùng đỉnh 4.800 đồng xuống còn hơn 3.000 đồng.