Công ty CP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã chứng khoán: NVT) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Tại báo cáo vừa công bố, doanh nghiệp này đặt mục tiêu trong năm 2022 đạt 345 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 173% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 34,5 tỷ đồng. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty là âm hơn 62 tỷ đồng.

Để đạt kế hoạch trên, Ban Tổng giám đốc NVT cho biết, năm 2022, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư theo mục tiêu trong 5 năm 2021-2025 nhằm phát triển mở rộng thành chuỗi với 10 khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp cùng với giá trị các khu nghỉ dưỡng hiện công ty đang sở hữu. Song song đó là phát triển chuỗi 10 khu đô thị bất động sản nghỉ dưỡng đô thị và ven đô với quy mô giới hạn 30 tới 50 biệt thự lớn mỗi khu theo định hướng trên.

Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm các quỹ đất để phát triển bất động sản du lịch tại các địa phương khác nhau như Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Đối với kế hoạch chi trả cổ tức, NVT cho biết, do trong năm 2021 công ty vẫn đang ghi nhận lỗ lũy kế và kết quả hoạt động kinh doanh sa sút nên chưa có kế hoạch phân chia lợi nhuận trong năm nay.

Ngoài ra, theo dự tính, tại đại hội cổ đông sắp diễn ra, Ninh Vân Bay cũng trình ĐHĐCĐ về việc cho phép Công ty TNHH NVT Holdings mua cổ phiếu của cổ đông hiện hữu mà không phải chào bán công khai.

Theo công bố, NVT Holdings dự kiến mua cổ phần NVT để đạt hoặc vượt mức 25%, 35%, 45% cho đến 75% số phiếu có quyền biểu quyết của NVT.

Trước đó, ngày 16/3, Hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân đã được Hội đồng quản trị NVT bổ nhiệm là Phó tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT).

Theo quyết định, Hoa hậu Ngọc Hân vào vị trí trên thay cho bà Ngô Thị Thanh Hải vừa được miễn nhiệm hồi tháng 9 năm ngoái. Như vậy, Ban Tổng giám đốc của Ninh Vân Bay đón thêm thành viên mới bên cạnh ông Phạm Thành Thái Linh, Tổng giám đốc và ông Vũ Hồng Quỳnh, Phó tổng giám đốc.

Rất nhanh chóng, cổ phiếu NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay gây chú ý trên thị trường khi tăng trần hàng chục phiên và vượt 32.000 đồng/cp, bắt đầu sau thông tin Tasco (Mã: HUT) cho biết sẽ đầu tư vào Ninh Vân Bay thông qua Tasco Land để tạo nền tảng thương hiệu, vận hành và triết lý phát triển sản phẩm bất động sản cao cấp. Cùng với đó là sự gia nhập của Hoa hậu Ngọc Hân với vị trí Phó Tổng Giám đốc.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu giảm 40% so với năm 2020 về còn 126 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu thấp nhất kể từ năm 2015.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, Ninh Vân Bay này ghi nhận doanh thu giảm 40% so với năm 2020 về còn 126 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu thấp nhất kể từ năm 2015. Ảnh minh họa

Với những thông tin trên, cổ phiếu của Ninh Vân Bay đã có chuỗi tăng trần 12 phiên. Từ mức giá 14.800 đồng/cp (phiên 11/3/2022), cổ phiếu NVT đã tăng tốc lên đỉnh 32.400 đồng/cp (phiên 30/3/2022).

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán giảm phiên thứ 5 liên tiếp, VN-Index tiếp tục bốc hơi hơn 21 điểm xuống còn 1.384,72 điểm. Sắc đỏ phủ kín hầu hết các nhóm ngành, hàng loạt cổ phiếu "lau sàn". Bi đát nhất là cổ phiếu bất động sản. VHM giảm tới 3,05%, có thời điểm trong phiên giảm tới hơn 5%. Trong khi đó, GID giảm 3,74%, BCM giảm 4,26%, DXG giảm 6,42%, ITA giảm 6,42%, LDG giảm 6,67%, HDC giảm 6,82%; VCG, HDG, CII, SZC, FLC, HHV, HBC, IJC, FCN, DPG, TCD, QCG, LCG, LHG, HQC, D2D... đồng loạt "nằm sàn". VIC, PDR, HTN là những cổ phiếu hiếm hoi ghi nhận sắc xanh.

Trong đó cổ phiếu NVT và nhiều mà bất động sản khác đang giao dịch khá tiêu cực và gây áp lực lên thị trường chung. Sau khi lập đỉnh 32.400 đồng/cp nhờ chuỗi tăng trần 12 phiên, cổ phiếu NVT đã quay đầu “lao dốc”. So với vùng giá đỉnh, cổ phiếu của Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay đã mất gần một nửa thị giá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/4 cổ phiếu NVT đang giảm khá mạnh xuống còn 15.350 đồng/cp.

Những nhà đầu tư "đu đỉnh" sẽ phải hát mãi điệp khúc “chờ về bờ” khi trót “ném tiền” vào cổ phiếu này.

Cổ phiếu NVT quay đầu 'lao dốc' nhà đầu tư lại hát điệp khúc 'chờ về bờ'
Diễn biến giá cổ phiếu NVT. Nguồn tradingview

Trước đó, ngày 31/3/2022 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đã nhận được BCTC kiểm toán năm 2021 của NVT. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ năm 2021 là -49,96 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 là -704,51 tỷ đồng, căn cứ trên BCTC hợp nhất.

Như vậy, Công ty chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, SGDCK tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu NVT và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu NVT sau khi có báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 của Công ty.

Trước đó, ngày 24/09/2018, SGDCK TP HCM đã có quyết định số 372/QĐ-SGDHCM về việc chuyển cổ phiếu NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo.

Về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, Ninh Vân Bay là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, đã có nhiều năm làm ăn thua lỗ.

Năm 2011, năm đầu tiên sau khi niêm yết sàn HoSE, NVT lỗ 77 tỷ đồng, năm tiếp theo lại lỗ 70 tỷ đồng. Hai năm tiếp theo lãi mỏng lần lượt 21 tỷ đồng và 6 tỷ đồng, sau đó đến năm 2015 lại lỗ 128 tỷ đồng.

Năm 2016, Ninh Vân Bay lãi tượng trưng gần 2 tỷ đồng rồi lỗ lên tới 479 tỷ đồng (năm 2017). Năm 2018, NVT quay lại lãi 1,8 tỷ đồng.

Năm 2019 được coi là năm thành công nhất của doanh nghiệp này khi doanh thu đạt 278 tỷ đồng - mức cao nhất lịch sử hoạt động còn lợi nhuận là 68 tỷ đồng.

Sang năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, không có khách quốc tế, song Ninh Vân Bay vẫn có lãi 19 tỷ đồng nhờ đón được khách nội địa. Tuy vậy, sang đến năm 2021, Ninh Vân Bay lại quay trở lại thua lỗ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu giảm 40% so với năm 2020 về còn 126 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu thấp nhất kể từ năm 2015. Sau khi trừ các chi phí khác, Ninh Vân Bay báo lỗ sau thuế 65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế hơn 19 tỷ đồng. Con số này đã nâng mức lỗ lũy kế của công ty tính đến cuối năm 2021 là 707 tỷ đồng, dần ăn mòn vốn góp chủ sở hữu 905 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Ninh Vân Bay đạt hơn 1.062 tỷ đồng, dù vậy "của để dành" gồm tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng dưới 6 tháng chỉ 48 tỷ đồng. Còn lại tập trung ở khoản mục tài sản cố định. Bên cạnh đó, công ty ghi nhận 27 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác nhưng trích lập dự phòng gần 20 tỷ, cùng với khoản nợ xấu hơn 10 tỷ đồng.

Nợ vay của doanh nghiệp sở hữu Six Senses cũng gia tăng mạnh lên 319 tỷ đồng, gấp 59 lần ngày đầu năm.

Với tình hình tài chính trên, cùng kết quả kinh doanh thụt lùi, một phần vì COVID-19 làm tê liệt ngành du lịch, nhưng Ninh Vân Bay vẫn tiếp tục thâu tóm thêm hai khu nghỉ dưỡng cao cấp mới.

Cụ thể vào tháng 5/2021, Ninh Vân Bay đã thực hiện đầu tư để sở hữu 99,51% vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Dã Hương để nắm quyền sở hữu chi phối tại hai khu nghỉ dưỡng ở Lâm Đồng và Bình Thuận là khu nghỉ dưỡng Anna Mandara Villas Dalat Resort & Spa tại Đà Lạt và khu nghỉ dưỡng Mũi Né. Trong đó, khu nghỉ dưỡng tại Đà Lạt được hình thành từ việc phục dựng các biệt thự cổ được người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 19.