Cụ thể, Hoang Phuc International cho biết đã hoàn tất phát hành 110 trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu vào ngày 30/08/2022. Tổng giá trị phát hành 11 tỷ đồng, ngày phát hành 03/06/2022, trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, sẽ được đáo hạn vào ngày 03/06/2024. Lãi suất cũng như đối tượng đã mua trái phiếu không được Công ty công bố trong báo cáo.

Lô trái phiếu của Hoang Phuc International là trái phiếu không chuyển đổi, được đảm bảo bằng 6,3 triệu cổ phần Công ty Hoàng Phúc Quốc Tế thuộc sở hữu của ông Bùi Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Doanh nghiệp đứng vai trò đăng ký và lưu ký trái phiếu này là Công ty CP Chứng khoán APG.

Theo thống kê trên HNX, đây là lần đầu tiên chủ chuỗi bán lẻ thời trang Hoang Phuc International thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Trước đó, trên HNX chưa ghi nhận bất kỳ thông tin nào liên quan tới việc huy động vốn của doanh nghiệp này.

Với lô trái phiếu lần đầu phát hành vừa qua, ngoài thông tin liên quan giá trị, kỳ hạn và tài sản đảm bảo, HNX không công bố thông tin về lãi suất trái phiếu, nhà đầu tư nắm giữ hay mục đích phát hành trái phiếu của Hoang Phuc International.

Hoàng Phúc được biết đến là nhà bán lẻ, chuyên phân phối các sản phẩm hàng hiệu như Kappa, Ecko Unltd, Superga, Replay, Staple,... (Ảnh: Hoàng Phúc).
Hoàng Phúc được biết đến là nhà bán lẻ, chuyên phân phối các sản phẩm hàng hiệu như Kappa, Ecko Unltd, Superga, Replay, Staple,... (Ảnh: Hoàng Phúc).

CTCP Đầu tư Hoàng Phúc Quốc tế thành lập vào tháng 11/2017, là đơn vị sở hữu thương hiệu thời trang Hoang Phuc International. Thương hiệu được thành lập năm 1989 bởi ông Bùi Văn Phúc, phân phối các sản phẩm hàng hiệu nổi tiếng ở Việt Nam như NINU&NICK, Kappa, Ecko Unltd, Superga...

Công ty do ông Phúc làm đại diện pháp luật và có trụ sở tại số 137 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM. Công ty sở hữu một trung tâm hậu cần lưu giữa, phân phối hàng hóa có diện tích khoảng 1 ha tại khu công nghiệp Long Hậu, thuộc xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Tuy vậy, dù là một trong những thương hiệu bán lẻ lớn tại Việt Nam nhưng Hoang Phuc International từng vướng vào nhiều lùm xùm, trong đó có nghi vấn trốn thuế.

Cụ thể, theo phản ánh trên Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp, ngày 16/7/2019, tại tầng 3, Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, trong vai có nhu cầu mua hàng, PV đã mua sản phẩm áo Ecko giá 445 nghìn đồng. Tuy nhiên khi thanh toán nhân viên tại cửa hàng chỉ in phiếu thu cho PV mà không có hóa đơn VAT theo quy định.

Tiếp tục tìm hiểu tại tầng G, Trung tâm thương mại The Garden, quận Nam Từ Liêm, PV đã mua các sản phẩm: Nón Kappa giá 390 nghìn đồng vào ngày 18/4/2019, áo Ecko giá 390 nghìn đồng ngày 16/5/2019. Cũng như các sản phẩm mua tại Royal City, tại đây các sản phẩm Hoàng Phúc cũng không xuất hóa đơn VAT.

Mặt khác, tại The Garden, cách thanh toán khi mua hàng tại Hoang Phuc International thể hiện nhiều nghi vấn. Sau khi khách hàng mua sản phẩm, nhân viên thu ngân chỉ in phiếu thu, tiếp đó dẫn khách hàng ra quầy ngoài sảnh tòa nhà để thánh toán tiền. Tại đây nhân viên The Garden tiếp tục in phiếu tính tiền theo gian hàng và trên hóa đơn cũng không thể hiện đã bào gồm VAT.

Khi hỏi nhân viên Hoang Phuc International cho biết hầu hết các gian hàng trong kinh doanh trong The Gander đều có cách thanh toán như vậy: “Hầu hết các gian hàng tại tòa nhà đều do tòa nhà thu tiền hộ và cuối tháng trả lại các quầy theo doanh thu”. Tuy nhiên tại sao không xuất hóa đơn VAT theo quy định thì các nhân viên này đều không trả lời được.

Chuỗi cửa hàng hiệu hàng hiệu Hoàng Phúc đang trốn thuế
Chuỗi cửa hàng hiệu hàng hiệu Hoàng Phúc từng bị nghi ngờ đang trốn thuế. Ảnh: Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp

Trước đó vào ngày 18/4/2019 và 31/4/2019, PV đã mua các sản phẩm giày Kappa K0725MM21 giá 599 nghìn đồng và giày Ecko Unisex giá 689 nghìn đồng. Tuy nhiên cũng như các cửa hàng trên, khi thanh toán trên hóa đơn các sản phẩm này đều không có hóa đơn VAT theo quy định pháp luật. Mặc dù trên phiếu thanh toán, Hoàng Phúc ghi rất rõ “Vì quyền, quý khách vui long nhận hóa đơn khi thánh toán” nhưng hóa đơn khách hàng nhận được chỉ là phiếu thu bảo hành đổi trả sản phẩm chứ không phải hóa đơn VAT.

Hoàng Phúc có số lượng gian hàng khá lớn tại các trung tâm thương mại nổi tiếng cho thấy nguồn tiêu thụ sản phẩm không hề nhỏ. Tuy nhiên việc không xuất hóa đơn VAT cho khách hàng là dấu hỏi lớn về nguồn gốc xuất xứ cũng như dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp.

Trước đó, liên quan đến Hoang Phuc International, năm 2017 người tiêu dùng cũng đã nghi ngờ rất nhiều về nguồn gốc của sản phẩm này sau khi Khai Silk bán hàng Trung Quốc. Do sản phẩm Hoang Phuc International đã gắn mác “Born in Italy” nhưng lại có thêm mác "Made in China” bên trong. Trước thông tin đó, đại diện Hoang Phuc International lý giải rằng “Bởi chúng tôi ký hợp đồng với thương hiệu Kappa sẽ lấy hàng từ nơi gia công tại Trung Quốc là chuyện rất bình thường. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp Việt Nam”.

Được biết, trước khi phát hành trái phiếu, nguồn vốn được Hoang Phuc International thường xuyên sử dụng trước đó là tín dụng ngân hàng. Những năm gần đây, doanh nghiệp này thường xuyên phát sinh các giao dịch bảo đảm để thế chấp tài sản giá trị hàng chục tỷ đồng tại ngân hàng.

Như tháng 6/2020, Hoang Phuc International đã phát sinh một giao dịch bảo đảm với Vietcombank Chi nhánh Bình Tây. Trong đó, công ty dùng toàn bộ hàng hóa luân chuyển trong quá trình kinh doanh (quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang và tất cả các loại hàng hóa khác… được định giá 50 tỷ đồng) để thế chấp với ngân hàng.

Đến tháng 8/2020, giá trị tài thế chấp được định giá lên 90 tỷ đồng và đến tháng 10 cùng năm tiếp tục tăng lên 120 tỷ đồng.