Ngay khi mở cửa phiên 25/8, VN-Index đã có được sắc xanh và ngày càng mở rộng chiều tăng giá về cuối ngày với sự hỗ trợ của dòng tiền khá tích cực.

Chỉ số đại diện sàn HoSE đóng cửa tăng 11,72 điểm (0,92%) lên mức 1.288,88 điểm. Đây là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ ngày 9/6 đến nay. Sắc xanh cũng chiếm ưu thế tại các sàn ở Hà Nội. Bộ chỉ số HNX-Index tăng 0,56 điểm (0,19%) lên 301,86 điểm. UPCoM-Index tăng 0,315 lên 93,59 điểm.

Cổ phiếu vốn hóa lớn như thường lệ vẫn là nhóm dẫn dắt chính cho xu hướng của thị trường. Riêng rổ vốn hóa lớn nhất VN30 ghi nhận mức tăng 15,14 điểm (1,17%) với 26 mã tăng giá, 2 mã giảm và 2 mã đứng tại tham chiếu.

Đóng góp tích cực nhất cho sắc xanh của chỉ số đến từ nhóm Vingroup. Trong đó VHM của Vinhomes bứt phá 2,2% lên 61.000 đồng, VIC của Vingroup đi lên 1,5% đạt 65.900 đồng hay VRE có thêm 2,1% ở mức 29.200 đồng.

Cổ phiếu ngân hàng cũng tham gia kéo chỉ số, dẫn đầu là mức tăng 1,8% của cổ phiếu VPB. Nhiều mã khác cũng duy trì sắc xanh tốt như mã KLB có thêm 2,7%, VIB tăng 2,4%, TPB đi lên 2,5% hay HDB tiến 2,1%...

Chứng khoán VN-Index đạt đỉnh cao nhất trong hơn 2 tháng
Sau phiên ngày 25/8, VN-Index đạt đỉnh cao nhất trong hơn 2 tháng.

Tâm điểm của thị trường cũng hướng về nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản với các biến động trên toàn cầu.

Cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng trần khi công ty phân bón lớn nhất Ba Lan và nhiều công ty hóa chất ở châu Âu dừng sản xuất do "ngấm đòn" giá khí đốt cao. Các mã phân bón DCM, DPM, BFC, SFG, PSW đều kết phiên trong sắc tím. Cổ phiếu đầu ngành hóa chất DGC tăng 3,7% lên 98.400 đồng.

Cổ phiếu ngành thép cũng duy trì sắc xanh khá tốt với thị giá tăng bình quân hơn 2%, khi giá bán tại Trung Quốc cải thiện. Cổ phiếu thủy sản cũng ghi nhận mức tăng 2-4% trong phiên...

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu dầu khí GAS gây tác động xấu nhất cho chỉ số khi thị giá giảm 0,7% về 116.500 đồng hay PVD của PV Drilling giảm 1,4% giá trị. Cổ phiếu khu công nghiệp VGC của Viglacera cũng điều chỉnh 1,7% sau chuỗi tăng nóng.

Đáng chú ý là nhóm đầu cơ có FLC rơi về giá sàn 4.490 đồng với thanh khoản cao nhất thị trường đạt hơn 24,2 triệu cổ phiếu. Các mã liên quan như HAI giảm sàn, KLF rơi 3,1% hay AMD rớt 2,4%... Diễn biến bán tháo đến sau thông tin mã chứng khoán này vẫn bị cảnh báo có nguy cơ bị dừng giao dịch tối thiểu trong 6 tháng.

Chứng khoán VN-Index đạt đỉnh cao nhất trong hơn 2 tháng
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất. Theo: FireAnt.

Thị trường nhìn chung vẫn nghiêng về bên mua với sắc xanh có phần chiếm ưu thế. Toàn sàn có 567 mã tăng giá và chỉ có 348 mã giảm giá.

Thanh khoản thị trường tổng thể vẫn chưa có nhiều biến động mặc dù nhà đầu tư đang ngóng chờ giao dịch T+2. Tổng giá trị giao dịch nhích nhẹ lên 18.092 tỷ đồng, trong đó khớp lệnh sàn HoSE tăng 7% lên 13.674 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang giao dịch cầm chừng nhưng theo chiều hướng tích cực. Trên sàn HoSE, nhóm này mua vào 747 tỷ và bán ra 657 tỷ, tương đương mua ròng 90 tỷ đồng. Mã được mua nhiều nhất vẫn là VNM của Vinamilk.