Chứng khoán Mỹ mất điểm vì lợi suất trái phiếu tăng

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (28/3), khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng lên vì nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian lâu hơn. Trong khi đó, nỗi lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng lắng xuống giúp giá dầu có thêm một phiên tăng.

Nhờ giá dầu tăng, cổ phiếu năng lượng giữ vai trò là một trong những trụ đỡ của thị trường trong phiên này.

Trước đó, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong phiên ngày thứ Hai, khi nhà đầu tư vững tâm hơn nhờ việc không có dấu hiệu bất ổn nào mới từ hệ thống ngân hàng. Việc phần lớn tài sản của ngân hàng sụp đổ Silicon Valley Bank (SVB) được một ngân hàng khác mua lại cũng giúp cải thiện tâm lý thị trường.

Sau mấy tuần biến động trong hệ thống ngân hàng, với vụ sụp đổ bất ngờ của SVB và một ngân hàng Mỹ khác là Signature Bank, kế đến là vụ giải cứu nhà băng Credit Suisse ở Thụy Sỹ, các nghị sỹ Mỹ đã chất vấn các quan chức giám sát ngân hàng cấp cao nhất ở Mỹ trong một phiên điều trần ở Capitol Hill, Washington DC vào ngày thứ Ba.

Điều trần trước một ủy ban Thượng viện, ông Michael Barr, quan chức giám sát ngân hàng cấp cao nhất thuộc Fed nói rằng SVB đã “làm quá tệ” công tác quản lý rủi ro trước khi rơi vào cảnh “sập tiệm”. Đánh giá này được đưa ra như một lời biện hộ cho nhà chức trách trước cáo buộc của các nghị sỹ cho rằng cơ quan giám sát đã bỏ qua các tín hiệu cảnh báo.

Nội dung cuộc điều trần cho thấy vấn đề của SVB có thể chỉ là riêng biệt, nên tâm điểm chú ý của nhà đầu tư lại chuyển sang vấn đề tăng lãi suất - theo nhận định của chiến lược gia Iren Tunkel thuộc BCA Research.

“Nếu SVB đổ vỡ chỉ do đội ngũ quản lý tồi, nhà chức trách có thể ngăn việc rút tiền ồ ạt xảy ra ở các ngân hàng khác”, bà Tunkel nói. Bà cũng cho rằng nếu thị trường nghĩ cuộc khủng hoảng ngân hàng đã qua, nhà đầu tư sẽ cho rằng Fed “có thể tiếp tục chiến dịch chống lạm phát”.

“Ông Barr đã trấn an thị trường rằng Fed chưa hề gây ra sự đổ vỡ nào, và điều này có nghĩa là lãi suất có thể tăng lên cao hơn”, bà Tunkel nhận định với hãng tin Reuters.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 37,83 điểm, tương đương giảm 0,12%, còn 32.394,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,16%, còn 3.971,27 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,45%, còn 11.716,08 điểm.

Chứng khoán Mỹ mất điểm vì lợi suất trái phiếu tăng, Bitcoin lao dốc

Thị trường toàn cầu tăng điểm trong phiên ngày thứ Ba, với chỉ số MSCI All-World tăng 0,19%, nhờ thị trường mới nổi tăng 0,73%. Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ, với chỉ số Stoxx 600 mất 0,06% điểm số.

Phản ánh kỳ vọng rằng Fed tiếp tục tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm lại vượt ngưỡng 4%, gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu và đặc biệt là cổ phiếu công nghệ. Lãi suất tăng khiến cho lợi nhuận trong tương lai, nhất là lợi nhuận hứa hẹn của các công ty tăng trưởng, trở nên kém hấp dẫn hơn.

“Đây là ngày thứ hai liên tiếp lợi suất tăng. Thị trường đang bị dẫn dắt bởi những nhóm ngành có mức độ nhanh cảm kinh tế lớn hơn như năng lượng và công nghiệp”, chiến lược gia Brian Levitt của Invesco nhận định với hãng tin CNBC. “Cổ phiếu công nghệ bị đuối, vì đây là nhóm bị ảnh hưởng xấu khi lãi suất tăng. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư có vẻ như đang nhìn xa hơn những thách thức trong hệ thống tài chính và nhận thấy rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn vững vàng”.

Các số liệu kinh tế công bố ngày thứ Ba đều cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn ổn, qua đó càng đẩy cao mối lo lãi suất tăng - theo Giám đốc đầu tư Brad McMillan của Commonwealth Financial Network. Theo một cuộc khảo sát, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 3, dù người Mỹ trở nên lo lắng hơn về thị trường lao động. Thâm hụt thương mại hàng hóa tháng 2 tăng nhẹ do xuất khẩu giảm, có thể gây thiệt hại cho tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1.

“Mọi người đang chờ một cuộc suy thoái (vì suy thoái có thể kéo lạm phát xuống và khiến Fed sớm dừng tăng lãi suất), nhưng các thông tin kinh tế vẫn tương đối tốt. Thị trường khó mà hồi được khi mọi người chờ tin xấu mà đến tin xấu cũng chẳng có”, ông McMillan nói.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,7%, chốt ở 78,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,5%, chốt ở 73,2 USD/thùng.

Giá dầu đã tăng hơn 3 USD/thùng trong phiên ngày thứ Hai do lo ngại về nguồn cung sau khi xuất khẩu dầu thô từ vùng người Kurd ở Iraq bị dừng lại. Cuộc khủng hoảng ngân hàng dịu đi và kỳ vọng vào sự khởi sắc của nhu cầu ở Trung Quốc đang là những nhân tố khác hỗ trợ giá dầu. Dù vậy, lãi suất tăng và rủi ro suy thoái cũng đang là những nguồn áp lực mất giá đối với vàng đen.

Bitcoin lao dốc

Bitcoin (BTC) đã giảm xuống dưới 27.000 USD trong phiên hôm qua, khi thị trường phản ứng với tin tức rằng CFTC đã đệ đơn kiện Binance.

BTC/USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong ngày là 26.606,69 USD khi có tin tức này, một ngày sau khi giao dịch ở mức cao nhất là 27.979,07 USD.

Do đợt bán tháo ngày hôm qua, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 17/3.

Ethereum (ETH) cũng giảm xuống vào hôm qua, sau khi gần như tăng trở lại trên 1.800 USD để bắt đầu tuần mới.

Sau mức cao 1.797,88 USD vào thứ Hai (27/3), ETH/USD đã giảm xuống đáy ở mức 1.690,52 USD trước đó trong phiên giao dịch ngày hôm qua.

Tương tự như Bitcoin, sự sụt giảm này đã đẩy Ethereum đến điểm yếu nhất kể từ ngày 17-3, khi giá giảm xuống mức sàn ở mức 1.666 USD.

Sự sụt giảm xảy ra sau khi sức mạnh giá giảm, khiến chỉ số RSI di chuyển xuống mức thấp nhất trong hai tuần.

Vào thời điểm viết bài, chỉ số RSI hiện đã bật trở lại từ mức sàn này ở mức 51,00 và hiện đang theo dõi ở mức 54,50.

Nhìn chung, ETH giảm 1,52% trong bảy ngày qua.