Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ngày 30/11/2022, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát đã bán 6,279 triệu cổ phiếu HPX nhưng không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch. Với hành vi trên, ông Hải bị phạt hành chính với số tiền gần 1,255 tỷ đồng, đình chỉ giao dịch trong thời gian 4 tháng.

Cùng ngày ông Hải bán 'chui' cổ phiếu, vợ, em trai cũng có hành vi tương tự, đã bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hơn 700 triệu đồng. Như vậy, ông Hải và người thận bị phạt tổng cộng gần 2 tỷ đồng vì các giao dịch không báo cáo trong ngày 30/11/2022.

Thực tế, HPX bất ngờ quay đầu tăng trần lên 9.100 đồng/cổ phiếu trong thời điểm gia đình ông Hải giao dịch 'chui' cổ phiếu. Trước đó, HPX đã liên tiếp giảm sàn 12 phiên liên tiếp.

Tạm tính theo mức giá này, ước tính ông Hải đã thu được hơn 57,1 tỷ đồng, bà Lương thu được hơn 23,3 tỷ đồng, còn ông Đường thu được 9,4 tỷ đồng.

Nói thêm về tình hình giá cổ phiếu HPX trong giai đoạn này, ngày 30/11/2022 cũng là ngày thị giá mã HPX tăng trở lại sau khi "nằm sàn" liên tiếp 13 phiên giao dịch từ ngày 11 - 29/11/2022.

Khi đó, tại ngày 30/11/2022, hơn 165 triệu cổ phiếu HPX của Hải Phát được khớp lệnh, ghi nhận khối lượng giao dịch kỷ lục trong vòng một năm, trong đó khối lượng đặt mua hơn 204 triệu đơn vị, khối lượng bán ra gần 182 triệu đơn vị.

Ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest
Ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest

Mặt khác, trong đà giảm giá nói trên, các công ty chứng khoán đã liên tục bán giải chấp cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của ông Hải và người thân, trong đó có bà Lương và ông Đường.

Cụ thể, từ ngày 28/11/2022 - 23/12/2022, các công ty chứng khoán cũng liên tục bán giải chấp hơn 56 triệu cổ phiếu HPX của ông Hải. Giai đoạn từ ngày 29/11/2022 - 2/12/2022, tổng số cổ phiếu bán giải chấp của bà Lương là gần 5,2 triệu cổ phiếu. Còn ông Đường trong hai ngày 29 - 30/11/2022 cũng bị bán giải chấp hơn 2,3 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó, ngày 11/4 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã bổ sung mã HPX của Hải Phát vào diện chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) do doanh nghiệp trên chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

Theo giải trình của Hải Phát, việc chậm nộp báo cáo này là do bấn đề về thay đổi nhân sự cấp cao và gặp khó khăn về tài chính của doanh nghiệp. Ngày 4/3, công ty đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để xin ý kiến cổ đông thay đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022, song không đủ điều kiện tổ chức, do đó, việc kiểm toán tài liệu này đã kéo dài so với dự kiến.

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ thì mức xử phạt tối đa đối với hành vi mua bán chui là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Theo quy định tại Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 400.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10.000.000.000 đồng trở lên.