Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã chứng khoán HAG) vừa công bố thông tin về việc nhận được đơn từ nhiệm Tổng Giám đốc của ông Võ Trường Sơn theo nguyện vọng cá nhân. Hội đồng quản trị đã chấp thuận miễn nhiệm chức vụ của ông Sơn kể từ ngày 7/2.

Ông Sơn sinh năm 1973, tốt nghiệp chuyên ngành Thạc sỹ Tài chính. Ông từng công tác tại Công ty Kiểm toán và tư vấn (A&C) trong khoảng thời gian tháng 8/1996 đến tháng 11/2003, sau đó làm Chủ nhiệm kiểm toán cao cấp tại Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

CEO HAGL từ nhiệm sau 16 năm gắn bó, ai sẽ ngồi vào vị trí ghế nóng này?
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố thông tin về việc miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Võ Trường Sơn theo đơn từ nhiệm của ông Sơn.

Sau đó vị này gia nhập HAGL từ tháng 10/2008 và nhanh chóng trở thành nhân sự cốt cán bên cạnh nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức. Ông Sơn được bổ nhiệm vào ghế nóng CEO kiêm thành viên HĐQT từ tháng 5/2015.

Ông Sơn đã có 16 năm công tác tại Công ty HAGL và 9 năm đương nhiệm vị trí Tổng giám đốc Công ty.

Cũng trong ngày 7/2, Công ty HAGL đã thực hiện bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Thắng vào vị trí Tổng giám đốc thay thế ông Võ Trường Sơn.

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Xuân Thắng sinh năm 1977; trình độ cử nhân kinh tế ngành tài chính doanh nghiệp; không sở hữu bất kỳ cổ phiếu HAG nào; và ông Thắng không nắm giữ bất kỳ vị trí nào tại các tổ chức khác trong thời điểm được bổ nhiệm.

Đáng chú ý khi ông Thắng từng có thời gian làm Tổng giám đốc HAGL cho đến có đơn từ nhiệm vào tháng 5/2017. Vị này cũng từng là cổ đông sáng lập và đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc tại HAGL Agrico trước khi bị miễn nhiệm cũng vào tháng 5/2017.

CEO HAGL từ nhiệm sau 16 năm gắn bó, ai sẽ ngồi vào vị trí ghế nóng này?

Như vậy, ông Thắng đã trở lại ghế nóng CEO điều hành HAGL sau gần 7 năm vắng bóng.

Biến động nhân sự cấp cao diễn ra trong bối cảnh tập đoàn này tái cấu trúc mạnh mẽ cả về kinh doanh lần tài chính. HAGL đang ưu tiên cho định hướng xóa hết nợ vay và đầu tư phát triển mảng cốt lõi nông nghiệp, đồng thời kêu gọi thêm nguồn lực từ bên ngoài.

Về tình hình kinh doanh, quý 4/2023, HAGL ghi nhận doanh thu thuần 1.898 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ trái cây đạt 903 tỷ đồng (chiếm 45,6%), tăng 67,8%; doanh thu từ bán lợn đạt 465 tỷ đồng (chiếm 24,5%), giảm 34%.

Giá vốn tăng mạnh hơn mức tăng của doanh thu, làm biên lãi gộp co từ 26,05% (quý IV/2022) còn 11,45% (quý IV/2023). Lợi nhuận gộp giảm mạnh 49% so với cùng kỳ, đạt 217 tỷ đồng.

Trừ đi các chi phí, HAGL báo lãi sau thuế hơn 1.107 tỷ đồng, tăng gấp 4,8 lần cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất mà HAGL từng ghi nhận kể từ quý II/2017.

Lũy kế doanh thu cả năm 2023 của HAGL đạt hơn 6.900 tỷ đồng - tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn 35% kế hoạch đã đề ra cho cả năm. Trong đó, doanh thu trái cây vẫn là chủ lực khi đem về 3.181 tỷ đồng. Tiếp đến là doanh thu mảng bán heo với 1.963 tỷ đồng.

Kết quả, HAGL báo lãi trước và sau thuế cả năm lần lượt đạt 1.805 tỷ và 1.817 tỷ đồng, lần lượt tăng 75,6% và 61,5% so với cùng kỳ và đây là mức lợi nhuận cao nhất 12 năm qua.

Tính đến 31/12/2023, nợ phải trả của HAGL tăng từ 14.603 tỷ lên 14.802 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn giảm hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 4.194 tỷ đồng và lỗ luỹ kế giảm mạnh từ 3.341 tỷ giảm còn 1.633,5 tỷ đồng.

Tính tới cuối năm 2023, tổng tài sản của HAGL đạt hơn 21.527 tỷ đồng, tăng 8,7% so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho chỉ chiếm 4,3%, đạt hơn 921 tỷ đồng (giảm 19,7%). Quy mô vốn bằng tiền (gồm các khoản tiền và tương đương tiền cộng với tiền gửi tại khoản đầu tư tài chính ngắn hạn) giảm gần 42% về còn 42 tỷ đồng.

Khoản phải thu về cho vay ngắn hạn giảm 35,7% từ mức hơn 4.000 tỷ đồng còn 2.584 tỷ đồng. Trong đó, khoản cho vay ngắn hạn Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG) và các công ty con của HNG tăng gấp đôi từ 501 tỷ đồng lên 1.114 tỷ đồng, khoản cho vay các bên liên quan khác giảm một nửa từ 3.449 tỷ đồng còn 1.323 tỷ đồng.

Tài sản dở dang dài hạn của HAGL ghi nhận hơn 5.434 tỷ đồng, tăng 17,6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chi phí phát triển vườn cây ăn quả đạt hơn 4.160 tỷ đồng (tăng 20%), chi phí dự án chăn nuôi đạt hơn 1.202 tỷ đồng (tăng 11,4%).

Ở diễn biến khác, ngày 06/02/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, đơn vị có địa chỉ tại số 15 Trường Chinh, phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Trong đó, phạt 92,5 triệu đồng đối với hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Công ty HAGL không công bố thông tin đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021; Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2021; Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu năm 2022, bán niên 2023 được kiểm toán.

Thêm nữa, Công ty HAGL công bố thông tin không đúng thời hạn đến HNX về Báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2022; Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu bán niên 2022.

Ngoài ra, đối với hành vi công bố thông tin sai lệch khi Công ty HAGL công bố thông tin sai lệch số lượng cổ phiếu dự kiến được phân phối cho Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát.

Trong đó, ngày 23/4/2024, Công ty HAGL công bố thông tin Nghị quyết Hội đồng quản trị số 07/22/NQ-HĐQT/HAGL ngày 22/4/2022, trong đó thông qua số lượng cổ phiếu dự kiến được phân phối cho Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát là 47.619.047 cổ phiếu. Tuy nhiên, ngày 23/11/2023, Công ty công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị số 22/23/NQ-HĐQT-HAGL ngày 22/11/2023, trong đó số lượng cổ phiếu dự kiến được phân phối cho Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát là 60.000.000 cổ phiếu.

Hình thức xử phạt đối với hành vi công bố thông tin sai lệch là 150 triệu đồng và đồng thời buộc cải chính thông tin công bố sai lệch.

Như vậy, tổng số tiền phạt là 242,5 triệu đồng.