Bộ Y tế chỉ đạo kiểm tra hành vi tiêu cực trong mua sắm sinh phẩm xét nghiệm
Giá xét nghiệm nhanh COVID-19 gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 vào chiều 2/10, liên quan đến chi phí xét nghiệm COVID-19, đặc biệt là xét nghiệm nhanh. Nhiều địa phương đã cho phép doanh nghiệp (DN) tự test COVID-19 cho người lao động nhưng DN không thể mua được test với giá rẻ và số lượng lớn. Trên thị trường chỉ có một số ít người bán và giá tương đối cao. Phóng viên đặt câu hỏi, như vậy Bộ Y tế có biện pháp gì để giảm chi phí xét nghiệm cho người dân và DN? Có nên đưa mặt hàng này vào bình ổn giá, cho phép nhiều thành phần kinh tế cùng được nhập về và phân phối hay không? Bộ Y tế đánh giá việc mở cửa TPHCM từ 1/10 vừa qua là có quá nhanh và quá rộng hay không?
Trả lời các câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Về giá test kit xét nghiệm, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn về xét nghiệm để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm cho người dân cũng như công nhân trong các doanh nghiệp. Trong đó hướng dẫn rất cụ thể đối tượng nào trong doanh nghiệp được ưu tiên xét nghiệm sàng lọc và có văn bản hướng dẫn gộp mẫu xét nghiệm.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị cung ứng xét nghiệm đảm bảo tính công khai, minh bạch; tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký đảm bảo tính cạnh tranh về giá cả. Đến nay Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm, trong đó có 35 test xét nghiệm PCR và 39 test xét nghiệm kháng nguyên để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong vấn đề cung ứng test COVID-19 phục vụ các doanh nghiệp và địa phương. Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp sinh phẩm xét nghiệm hằng tuần cập nhật công khai giá trên Cổng thông tin giá của Bộ Y tế để đảm bảo tính công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký, tạo ra sự lành mạnh.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có rất nhiều công điện, văn bản chỉ đạo nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, lợi ích nhóm trong vấn đề này. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Thanh tra tỉnh tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị; thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ xét nghiệm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ Y tế cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ làm trưởng đoàn đi kiểm tra các tỉnh cần thanh tra trước để xem xét, chấn chỉnh như thông tin vừa rồi báo chí đã đưa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết thêm, về kiểm soát giá sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế đang tiến hành thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, giá các loại test xét nghiệm nhanh phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc, chất lượng, số lượng mua, thời điểm, diễn biến của dịch bệnh tại thời điểm mua. Một số doanh nghiệp tham gia mua test xét nghiệm cho công nhân, mua để hỗ trợ cho một số tỉnh, cho nhân dân, cho biết, họ vẫn mua bình thường, mua nhiều được giảm giá. Khuyến khích doanh nghiệp mua tài trợ cho tỉnh, thành phố, nhà máy, công nhân.
Tại cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với cộng đồng doanh nghiệp hôm 25/9, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đưa ra thông tin về giá kit test COVID-19 gây xôn xao dư luận.
Theo đó ông Đặng Hồng Anh đề xuất, Thủ tướng nên cử một bộ phận đàm phán trực tiếp với nhà cung cấp, không cần thông qua trung gian thì sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí. Bởi theo quy trình hiện nay, các sản phẩm được cấp phép thì người dân và doanh nghiệp mới sử dụng được. Còn không thì bị coi là hàng trôi nổi, hàng lậu. Mà để cấp phép thì có rất nhiều tiêu chuẩn, quy định, qua nhiều cơ quan, ban ngành... khiến chi phí bị đội lên. Các địa phương muốn mua còn phải đấu thầu, quy trình này cũng gây tốn kém thêm một khoản nữa. Đó là lý do đầu tiên dẫn tới chênh lệch về giá. Thứ 2 là hiện cũng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Mỹ, Nhật... cung cấp các loại kit test với giá khác nhau... Ví dụ kit test đang bán tại châu Âu có xuất xứ Trung Quốc giá dao động từ 0,75 - 1,2 EURO. Cũng sản phẩm đó nếu được sản xuất tại châu Âu, giá từ 2,5 - 3,5 EURO, còn kit test của Hàn Quốc thì khoảng 2 - 3 USD/cái.