Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 17/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 463,20 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có gần 6,08 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 396.159.669 người, trong khi vẫn còn 64.003 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực (chiếm 0,1%).

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.640.1390 ca mắc và 5.066 ca tử vong, giảm nhẹ so với 1.683.690 ca mắc mới và 5.195 ca tử vong, ghi nhận một ngày trước đó. Hàn Quốc đứng đầu thế giới về số ca mắc mới, với 400.681 ca, trong khi số ca tử vong tại Mỹ trong 24 giờ qua cao nhất thế giới, với 939 ca. Đây là ngày đầu tiên kể từ đầu dịch, số ca mắc mới tại Hàn Quốc vượt 400.000 ca/ngày.

Mỹ vẫn là quốc gia có ca mắc lớn nhất là 81,28 triệu ca. Báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho thất biến thể phụ BA.2 của Omicron đã chiếm 1/4 số ca mắc mới tại Mỹ. Trong tuần trước đó, tỷ lệ nhiễm biến thể này chỉ là 1/10.

Không chỉ Mỹ, dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp tại châu Âu. Trong 24 qua, Áo lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới vượt 50.000 ca kể từ đầu dịch, trong khi đó, Pháp ghi nhận ngày thứ 2 liên tiếp có số ca mắc mới trên 100.000 ca.

Bản tin COVID-19 sáng 17/3: Bộ Y tế giải trình việc chậm mua vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi
Số ca nhiễm COVID - 19 trên thế giới vẫn tăng cao. Ảnh minh hoa

Ngày 17/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã báo động về sự gia tăng đột biến số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Á. Cơ quan này kêu gọi các nước nhanh chóng mở rộng chương trình tiêm chủng bao phủ, cũng như thận trọng cân nhắc các kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch.

Trong bối cảnh đó, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết nước này sẽ không dỡ bỏ thêm các biện pháp phòng dịch khi nhiều nước trên thế giới vẫn chứng kiến gia tăng số ca lây nhiễm mới. Thông báo cho biết, nước này sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang, lắp đặt hệ thống lọc không khí tại các lớp học, cũng như mở rộng chương tiêm chủng tăng cường cho nhóm dân số trên 12 tuổi. Chính phủ Israel cho biết sẽ xem xét lại các biện pháp vào tháng 4.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 16/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 180.558 ca mắc mới COVID-19, tăng 5.084 ca so với ngày trước đó tại 62 tỉnh, thành phố (trong đó có 121.201 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (26.220), Nghệ An (10.797), Vĩnh Phúc (8.875), Phú Thọ (8.335), Bắc Ninh (5.751), Bình Dương (5.285). 39 tỉnh, thành phố khác có số ca mắc mới COVID-19 từ 1.000- gần 5.000 ca.

Về số ca mắc mới của Hà Nội, trong số 26.220 F0 mớ, có 8.854 ca cộng đồng, 17.366 ca đã cách ly. Các bệnh nhân phân bố tại 522 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hai Bà Trưng (1.702); Hoàng Mai (1.694); Hà Đông (1.584); Cầu Giấy (1.437); Long Biên (1.408); Ba Đình (1.386).

Như vậy, đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc COVID-19 trong ngày ở Hà Nội giảm.

Việc hoàn thiện hợp đồng phụ thuộc vào Pfizer

Trong báo cáo giải trình gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc chậm triển khai mua vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế cho biết đã khẩn trương làm việc với Pfizer để thương thảo, hoàn thiện các nội dung của dự thảo hợp đồng mua vaccine nhưng việc hoàn thiện hợp đồng phụ thuộc nhiều vào phía Pfizer - phía soạn thảo hợp đồng, Bộ Y tế không chủ động được.

Cụ thể hơn, ngày 10/2, Bộ Y tế có văn bản gửi Pfizer đề nghị hoàn thiện hợp đồng mua vaccine, mong muốn nhận đủ vaccine trong quý 1 và 2 năm nay; và có sự khẳng định của Pfizer về giá mỗi liều vaccine.

Ngày 25/2, Pfizer gửi dự thảo hợp đồng mua vaccine.

Ngày 1/3, Bộ Y tế họp trực tuyến với Pfizer để làm rõ một số nội dung trong dự thảo hợp đồng.

Ngày 4/3, Pfizer có thư xác nhận về giá vaccine.

Sau đó vào ngày 7/3 và 10/3, các bên tiếp tục trao đổi về nội dung trong hợp đồng.

Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương hoàn thiện dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu để trình phê duyệt theo đúng các quy định của Luật đấu thầu. Đến nay, Bộ Y tế đã cơ bản hoàn thiện các thủ tục mua sắm và thống nhất với Pfizer các nội dung để có thể ký hợp đồng mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Trong báo cáo giải trình, Bộ Y tế cũng cho biết, trong quá trình làm việc với Pfizer, Bộ Y tế nhận được thông tin từ phía CDC Hoa Kỳ về khả năng có thể viện trợ khoảng 10 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam.

Bản tin COVID-19 sáng 17/3: Bộ Y tế giải trình việc chậm mua vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi
Bộ Y tế giải trình việc chậm mua vaccine cho trẻ là phía Pfizer chưa phía hoàn thiện hợp đồng.

Cùng với đó, ngày 8/3, Thủ tướng Chính phủ tiếp đoàn Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) và ngày 10/3, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tiếp đoàn USABC. Thành viên trong đoàn thông báo sẽ hỗ trợ Việt Nam vaccine Moderna tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Do đó, Bộ Y tế đã có ý kiến đề nghị phía Hoa Kỳ sớm thông báo cho Việt Nam số lượng và thời gian cụ thể hỗ trợ để báo cáo Thủ tướng mua tiếp số vaccine còn thiếu của Pfizer. Phía bạn cam kết sẽ có văn bản trả lời sớm nhất.

Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng tiếp tục cho Bộ làm việc với CDC Mỹ nhận nguồn viện trợ vaccine cho trẻ em nhằm giảm thiểu nguồn chi từ ngân sách và Quỹ vaccine. Ngay sau khi có xác nhận của CDC Mỹ về số lượng vaccine hỗ trợ, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng về số lượng đặt mua.

Dù vậy, Bộ Y tế cũng nêu quan điểm nếu đến ngày 15/3 mà phía Hoa Kỳ chưa thông báo cụ thể số lượng vaccine hỗ trợ cho Việt Nam, đề nghị Thủ tướng cho Bộ Y tế ký hợp đồng mua 21,9 triệu liều vaccine của Pfizer và từ chối không nhận vaccine viện trợ từ Hoa Kỳ để tránh vaccine không sử dụng hết phải tiêu hủy.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc kiểm tra, thanh tra việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và cấp phép thuốc điều trị Covid-19. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải thực hiện thanh tra nội bộ, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm triển khai mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3.

F0, F1 Cà Mau có thể đi làm?

Ngày 16/3, thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau cho biết tại cuộc họp giao ban giữa Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương ban hành quy định tạm thời về việc đi làm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... là F0 , F1.

Theo đó, các trường hợp F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, F1 có nguy cơ, nguy cơ cao được đi làm việc, nhưng phải trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo nguyên tắc không tiếp xúc với người khác; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... hỗ trợ người lao động xét nghiệm 2 lần/tuần, bố trí sản xuất, kinh doanh khoa học, hợp lý nhất và đảm bảo an toàn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bản tin COVID-19 sáng 17/3: Bộ Y tế giải trình việc chậm mua vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi

Các trường hợp F0, F1 tại các cơ sở sản xuất, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp tại Cà Mau được làm việc trực tiếp. Ảnh: Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau

Dù vậy, trước tình hình số ca F0 trong học sinh và giáo viên tăng cao, trên cơ sở khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh học sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Công văn về tổ chức dạy và học cấp mầm non và phổ thông.

Theo đó, từ hôm nay (17/3), cấp học mầm non cho trẻ dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới. Các huyện, thành phố, căn cứ tình hình thực tế có thể chọn 1-2 điểm trường trung tâm trên địa bàn đảm bảo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, công tác phòng, chống dịch COVID-19 để nuôi dạy trẻ theo nhu cầu của phụ huynh.

Đối với học sinh lớp 1 đến lớp 7, chuyển sang học trực tuyến theo chương trình chính khoá. Trường hợp những em học sinh có nhu cầu học trực tiếp và được sự thống nhất của phụ huynh thì vẫn đến lớp học trực tiếp bình thường; giáo viên vẫn đến lớp dạy và tạo đường link nếu học sinh học tại nhà.

Những trường học trên địa bàn chưa có ca nhiễm COVID-19 hoặc có ca nhiễm nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch, trên cơ sở tham khảo và được sự đồng thuận của đa số phụ huynh học sinh thì có thể tổ chức dạy học trực tiếp. Những trường chưa đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị truyền dẫn, thì trước mắt tiếp tục duy trì các lớp học trực tuyến như trước đây qua các phần mềm ứng dụng và dạy học qua truyền hình.