Việt Á từng bán gần 510.000 đồng/kit xét nghiệm COVID-19 cho Bệnh viện Đà Nẵng

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định (PC03) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Đức Lưu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nam Định, cùng 4 thuộc cấp để điều tra về tội “Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các đối tượng này bị bắt vì liên quan đến việc mua bán kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á) đang gây xôn xao dư luận.

Được biết, trong năm 2021, CDC Nam Định ký 4 hợp đồng mua sinh phẩm y tế của Công ty Việt Á, gồm kit xét nghiệm phát hiện Covid-19, tách chiết tay và tách chiết tự động. Tổng giá trị các hợp đồng trên 53,4 tỷ đồng mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Cụ thể, ngày 19/2/2021, Công ty Việt Á bán cho CDC Nam Định 12.960 kit xét nghiệm (giá 509.250 đồng/kit, trị giá gần 6,6 tỷ đồng) và 11.800 kit tách chiết tay (giá 42.000 đồng/kit, trị giá 495,6 triệu đồng). Tổng trị giá hợp đồng là hơn 7 tỷ đồng.

Đến ngày 1/6/2021, CDC Nam Định mua của Công ty Việt Á 13.536 kit xét nghiệm (giá 509.250 đồng/kit, trị giá hơn 6,89 tỷ đồng) và 13.200 kit tách chiết tay (giá 42.000 đồng/kit, trị giá hơn 516 triệu đồng). Tổng giá trị hợp đồng là hơn 7,4 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 31/8/2021, CDC Nam Định mua của Công ty Việt Á 17.760 kit xét nghiệm (giá 367.500 đồng/kit, trị giá trên 6,5 tỷ đồng), 14.200 kit tách chiết tay (giá 42.000 đồng/kit, trị giá hơn 596 triệu đồng) và 6.816 kit tách chiết tự động (giá 136.500 đồng/kit, trị giá hơn 930 triệu đồng). Tổng trị giá hợp đồng là hơn 8,05 tỷ đồng.

Ngày 12/11/2021, CDC Nam Định mua của Công ty Việt Á hợp đồng lên tới 30,85 tỷ đồng, gồm mua 67.584 bộ kit xét nghiệm (giá 367.500 đồng/kit, trị giá trên 24.83 tỷ đồng) và 44.064 kit tách chiết tự động (giá 136.500 đồng/kit, trị giá hơn 6 tỷ đồng).

Liên quan đến vụ đại án này, trước đó, C03 đã khởi tố vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và nhiều địa phương.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, đến nay C03 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố hàng chục bị can về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Đồng thời phong tỏa và kê biên hơn 1.600 tỷ đồng.

Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, đối tượng này đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng; số tiền "hoa hồng" mà Việt Á chi cho các đối tác là gần 800 tỷ đồng.

Mức giá trúng thầu giữa Công ty Việt Á và CDC Nam Định tại gói thầu ngày 19/2/2021 là 509.250 đồng/kit xét nghiệmCOVID-19, cũng đã tái hiện ở một gói thầu khác do Bệnh viện Đà Nẵng mời thầu hồi tháng 6/2021.

Việt Á

Việt Á từng bán gần 510.000 đồng/kit xét nghiệm COVID-19 cho Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh. Vietnamplus

Cụ thể, quyết định số 504/QĐ-BVĐN do Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Lê Đức Nhân ký ban hành ngày 22/6/2021 cho thấy, Công ty Việt Á là nhà thầu thực hiện gói thầu "mua hóa chất xét nghiệm Sars-CoV-2 trong 6 tháng năm 2021", sử dụng nguồn vốn từ nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh; nguồn thu do cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán và các nguồn thu hợp pháp khác của đơn vị.

Đáng nói, cho dù gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng, nhưng chỉ có duy nhất 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu. Chưa dừng lại ở đó, mức giá trúng thầu của Công ty Việt Á cũng rất cao, trong đó 24.000 kit xét nghiệm có giá 509.250 đồng/kit, ngang ngửa giá mua của CDC Nam Định; và 12.000 kit tách chiết RNA với 31.500 đồng/kit, tổng trị giá gói thầu là 12,6 tỷ đồng, không giảm giá một đồng so với đơn giá dự toán.

Tiếp đó, tại gói thầu "mua sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm SARS-CoV-2", mở thầu ngày 7/12/2021, cũng do Bệnh viện Đà Nẵng trong vai trò bên mời thầu, Công ty Việt Á lại là nhà thầu duy nhất tham dự, bỏ giá dự thầu cao ngất ngưởng với 1,5 tỷ đồng, cũng chính bằng giá gói thầu này.

Trước đó, ngày 26/11/2021, bà Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đã ký quyết định số 1241/QĐ-SYT để phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Bệnh viện Đà Nẵng, với đơn giá là 367.500 đồng/kit xét nghiệm, tương đương mức giá trong bản hợp đồng giữa CDC Nam Định và Công ty Việt Á cách đó khoảng hơn chục ngày.

Tuy nhiên, đến nay Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa ghi nhận kết quả lựa chọn nhà thầu tại gói thầu "mua sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm SARS-CoV-2" này.

Liên quan đến hoạt động đấu thầu trên, ngày 28/12/2021, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2022 của Thanh tra thành phố, trong đó có cuộc thanh tra tại CDC Đà Nẵng về việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Thời gian thực hiện thanh tra là trong 45 ngày, thời kỳ thanh tra là năm 2021.

Tại cuộc họp báo quý I tổ chức ngày 18/4/2022, ông Phan Thanh Long, Chánh Thanh tra thành phố Đà Nẵng thông tin rằng đơn vị đã gia hạn thời gian thanh tra thêm 25 ngày, khi đợt thanh tra dự kiến kết thúc vào ngày 15/4 trước đó.

Nói về lý do gia hạn, ông Long cho rằng "khối lượng công việc khá nhiều và nội dung phức tạp". Đồng thời, Chánh Thanh tra thành phố Đà Nẵng cũng cho hay đoàn thanh tra sẽ tiếp tục làm việc và khi có kết quả sẽ công bố rộng rãi.

Đề xuất tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi khi trở lại trường học

Theo ước tính, trong hai năm 2021-2022, dịch bệnh COVID-19 đã làm khoảng 4,4 triệu trẻ em Việt Nam bị gián đoạn tham gia giáo dục mầm non. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập đã phải tạm dừng hoạt động.

Với đặc thù bậc học mầm non không thể tổ chức dạy học trực tuyến, nên giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non phải tổ chức các hoạt động phối hợp chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình bằng các video qua các kênh trực tuyến.

Một số ý kiến cho rằng, ngành giáo dục cần tìm giải pháp để trẻ em được tiếp cận với chương trình giáo dục mầm non, nhằm đảm bảo quyền trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ em 5 tuổi để chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1 trong bối cảnh nhiều cha mẹ chưa yên tâm cho trẻ đến trường. Ý kiến các chuyên gia cũng cho rằng, cần thiết tham mưu với Chính phủ, đề xuất với Bộ Y tế tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các tỉnh, thành phố, đến ngày 18/4/2022, các cơ sở giáo dục mầm non trong toàn quốc đã hoạt động trở lại. Tại thời điểm này, số giáo viên cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đến trường, lớp học trực tiếp. Nếu những ngày đầu, tỷ lệ trẻ em đến trường ở một số địa phương thấp, đến nay, con số này đã đạt tỷ lệ ổn định.

Tiêm vaccine cho trẻ

Đề xuất tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi khi trở lại trường học. Ảnh minh họa

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, mầm non là cấp học mở cửa cuối cùng, do đó, cần chia sẻ những khó khăn với cấp học này. Với quan điểm “Không vì dịch COVID-19 mà ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương quan tâm tới hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có thể tính toán tới việc liên thông giữa khối mầm non công lập với khối mầm non ngoài công lập, để đảm bảo quyền học tập cho trẻ em.

Về các chính sách hỗ trợ cho cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên mầm non bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thứ trưởng cho biết Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD&ĐT đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; trình Chính phủ ban hành gói hỗ trợ tín dụng 1.400 tỷ dành cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; ban hành các văn bản hướng dẫn về an toàn, hướng dẫn chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trực tiếp tại cơ sở giáo dục mầm non. Đến thời điểm này cơ bản các địa phương đã và đang triển khai những chính sách hỗ trợ này.

Ngày 26/4: Có 8.431 ca COVID-19 mới; Hà Nội bổ sung 40.000 F0

Tính từ 16h ngày 25/4 đến 16h ngày 26/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.431 ca nhiễm mới, tất cả đều ghi nhận trong nước (tăng 1.014 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 6.341 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (937), Phú Thọ (702), Quảng Ninh (408), Yên Bái (382), Nghệ An (381), Vĩnh Phúc (351), Lào Cai (338), Hải Dương (326), Đắk Lắk (268), Tuyên Quang (265), Bắc Kạn (262), Bắc Giang (247), Thái Bình (229), Gia Lai (228), Thái Nguyên (215), Cao Bằng (203), Nam Định (202), Hưng Yên (175), Quảng Bình (158), Sơn La (158), Hòa Bình (137), Ninh Bình (137), Lai Châu (128), Hà Giang (128), Bắc Ninh (125), Hà Tĩnh (116), Đà Nẵng (107), Quảng Trị (103), Đắk Nông (91), Vĩnh Long (86), Quảng Nam (82), Lạng Sơn (79), Tây Ninh (78), Điện Biên (77), Hà Nam (68), TP. Hồ Chí Minh (64), Thanh Hóa (53), Hải Phòng (43), Bình Dương (42), Bình Phước (37), Bà Rịa - Vũng Tàu (34), Cà Mau (32), Bình Định (31), Bình Thuận (22), Bến Tre (17), Long An (16), Phú Yên (13), Cần Thơ (13), Thừa Thiên Huế (12), An Giang (10), Kiên Giang (5), Bạc Liêu (5), Hậu Giang (2), Đồng Nai (1), Trà Vinh (1), Kon Tum (1).

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 26/4.
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 26/4.

Ngày 26/4/2022, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 40.000 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lâm Đồng (-124), Hải Dương (-68), Thái Nguyên (-63).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (+209), Bắc Giang (+195), Đắk Lắk (+108).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 10.212 ca/ngày.

Cả thế giới có 510.138.045 ca nhiễm, trong đó 463.449.004 ca khỏi bệnh; 6.245.953 ca tử vong và 40.443.088 ca đang điều trị (42.408 ca diễn biến nặng).

Trong ngày số ca nhiễm của thế giới tăng 524.348 ca, tử vong tăng 2.405 ca. Châu Âu tăng 215.744 ca; Bắc Mỹ tăng 80.214 ca; Nam Mỹ tăng 20.583 ca; châu Á tăng 161.735 ca; châu Phi tăng 2.395 ca; châu Đại Dương tăng 43.677 ca.

Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 18.654 ca, trong đó: Indonesia tăng 0 ca, Malaysia tăng 2.478 ca, Thái Lan tăng 13.816 ca, Philippines tăng 212 ca, Singapore tăng 2.058 ca, Myanmar tăng 21 ca, Lào tăng 67 ca, Campuchia tăng 2 ca, Đông Timor tăng 0 ca.