Vẫn chưa có câu trả lời cho việc: Học sinh F0 có được tham dự thi tốt nghiệp THPT?

Khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là học sinh lớp 12 trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh ngoài lo lắng về kiến thức thì các em lo nhất là mình bị nhiễm COVID-19 đúng thời gian thi.

Sau khi Bộ Y tế có góp ý với Bộ GD&ĐT về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho các học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó Bộ Y tế đề xuất, nếu thí sinh là F0 đang được theo dõi, cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong thời gian diễn ra kỳ thi sẽ được thi tại các phòng thi riêng đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Trước đề xuất này, nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên đồng tình ủng hộ và mong Bộ GDĐT sớm ban hành hướng dẫn cụ thể, giúp các em đảm bảo quyền lợi trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.

Chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống, em Đỗ Khôi (học sinh lớp 12 ở Phú Thọ) chia sẻ: "Năm nay, em lựa chọn phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT để đăng ký nguyện vọng vào trường đại học chuyên ngành y dược - ngôi trường mà em mơ ước. Vì vậy, em mong rằng nếu chẳng may mình là F0 đúng thời điểm kỳ thi diễn ra thì vẫn sẽ được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT".

Minh Châu (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) nêu quan điểm: "Dù quy định thí sinh F0 được miễn thi tốt nghiệp, nhưng bản thân em vẫn muốn được tham gia kỳ thi. Em mong Bộ GDĐT đồng ý với đề xuất trên của Bộ Y tế, cho những bạn không may mắn trở thành F0 được dự thi tốt nghiệp THPT nếu có nguyện vọng và đủ sức khỏe".

Không chỉ từ phía học sinh, nhiều giáo viên, phụ huynh cũng đồng tình với phương án bố trí phòng thi riêng cho học sinh F0 đủ sức khỏe và có nguyện vọng sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT xét tuyển đại học.

Bản tin COVID-19 ngày 16/5:
Học sinh lớp 12 tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2022. Ảnh: Báo Lao động

Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cô Ng.T. Dung (giáo viên chủ nhiệm lớp 12F Trường THPT Công nghiệp, Việt Trì, Phú Thọ) đang tiếp tục dạy và củng cố kiến thức cơ bản cho học sinh, đồng thời xây dựng kế hoạch phụ đạo cho các em chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp THPT.

Cô Dung cho biết, năm 2021, nếu là F0 vào ngày thi thì thí sinh dược đặc cách xét tốt nghiệp THPT. Và nếu muốn xét tuyển đại học, các em sẽ phải sử dụng các phương thức xét tuyển khác như điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế, tham gia các kỳ thi riêng do trường đại học tổ chức.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trường đại học nào cũng xét tuyển học bạ và không phải học sinh nào cũng có chứng chỉ quốc tế để xét tuyển. Điều này đồng nghĩa với việc, cơ hội trúng tuyển vào các ngành học, trường học mà các em yêu thích bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng thu hẹp.

Theo cô Dung, quy định học sinh F0 được miễn tốt nghiệp là nhân văn nhưng sẽ có nhiều em, đặc biệt là học sinh khá, giỏi vẫn mong muốn được thi để lấy điểm, mở rộng cơ hội xét tuyển vào đại học.

"Thời điểm này, khi còn chưa đầy hơn 1 tháng nữa là học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh trong lớp tôi chủ nhiệm đều lo lắng và hỏi: "Cô ơi, nếu không may em trở thành F0 đúng thời gian kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra thì có thể tham gia thi không ạ?

Theo tôi, nên có cơ chế tạo điều kiện cho những học sinh này được tham gia thi. Trường đại học có thể lùi thời gian xét tuyển với những học sinh F0 (có giấy xác nhận của y tế); để lại số lượng chỉ tiêu (phù hợp)… để bảo đảm quyền lợi tối đa cho các em".

Cũng như tâm lý của các cha mẹ học sinh cuối cấp, chị Bùi Thị Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: "Trường hợp nếu học sinh F0 không được thi chung bằng phòng thi riêng thì cũng nên tổ chức kỳ thi thành 2 đợt để các con có điểm thi, xét tuyển vào ngành học, trường mong muốn.

Với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, hãy cho các con thêm cơ hội để được vào đại học mà các con mong muốn. Và dù lựa chọn phương án nào thì Bộ GDĐT cũng nên công bố sớm để con em chúng tôi được yên tâm".

Sáng 16/5: Cả nước còn gần 1,3 triệu ca COVID-19 theo dõi, điều trị

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 15/5 của Bộ Y tế cho biết có 1.594 ca mắc mới COVID-19 tại 47 tỉnh, thành, giảm thấp nhất 10 tháng qua. Số khỏi bệnh nhiều gấp 3 lần số mắc mới và không có ca tử vong. Đây là lần thứ 4 trong thời gian gần đây không có bệnh nhân COVID-19 tử vong trong ngày.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 2.493 ca/ngày. Đây cũng là mức trung bình thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Tại Hà Nội, ngày 15/5 Hà Nội ghi nhận 461 ca COVID-19 mới, giảm 28 ca so với ngày trước đó, đây là số mắc thấp nhất tại Hà Nội tính từ đầu tháng 12/2021.

Hiện Hà Nội chỉ còn gần 92.800 F0 đang điều trị, trong đó có 140 đang điều trị tại bệnh viện và trên 92.600 điều trị tại nhà.

Tại TP HCM, toàn TP chỉ còn 1.077 F0 đang điều trị, trong đó có 22 ca đang thở oxy. So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới cả nước giảm 48,9%, số tử vong giảm 53,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 45,7%.

Bản tin COVID-19 ngày 16/5:
Tới ngày 15/5: Cả nước còn gần 1,3 triệu ca COVID-19 theo dõi, điều trị. Ảnh minh họa

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.696.630 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.085 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.688.877 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.595.101), TP. Hồ Chí Minh (608.954), Nghệ An (483.509), Bắc Giang (386.441), Bình Dương (383.669).

Đến nay 9.355.040 người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi bệnh. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.298.525 trường hợp, trong đó có 340 trường hợp nặng đang điều trị, gồm:Thở ô xy qua mặt nạ: 267; Thở ô xy dòng cao HFNC: 41; Thở máy không xâm lấn: 9; Thở máy xâm lấn: 21; Thở ECMO: 2.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 521.131.628 ca, trong đó có tổng cộng 6.288.133 người tử vong.

Các nước cũng ghi nhận trên 475 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 39 triệu ca và trên 39.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 15/5, thế giới có 64 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 43 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế giảm dần.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới hết ngày 15/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 59 ca tử vong. Trong ngày 15/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 6.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (51 ca).

14 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vaccine

Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, sau 1 tháng triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử (kể từ ngày 15/4), đến ngày 15/5, Bộ Y tế đã ký xác nhận được 14 triệu hộ chiếu vaccine cho người dân.

Hiện nay, hộ chiếu vaccine điện tử đang được hiển thị trên ứng dụng PC-Covid. Người dân có thể truy cập ứng dụng này, vào mục hộ chiếu vaccine hiển thị trên màn hình.

Bên cạnh đó, hộ chiếu vaccine sẽ được cập nhật trên ứng dụng Sức khỏe điện tử và trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.

Bản tin COVID-19 ngày 16/5:
14 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vaccine. Ảnh minh họa

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hộ chiếu vaccine là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU) ban hành.

Người dân đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vaccine mà không phải làm thủ tục gì thêm.