Chuyên gia chia sẻ khả năng đầu tư bất động sản sinh lời trong năm 2022

Có thể nói 2021 là năm thắng lớn của nhiều nhà đầu tư bất động sản khi gần như "đánh đâu thắng đó" với lợi nhuận gấp bội chỉ trong thời gian ngắn. Và ngay sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 kết thúc, giới đầu tư bất động sản lại bắt đầu săn "lùng" các cơ hội với hi vọng tiếp tục đạt kỳ tích như 2021.

Bản tin bất động sản ngày 15/2: Chuyên gia chia sẻ khả năng đầu tư sinh lời trong năm 2022
Theo chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng và đất nền vùng ven tiếp tục là kênh đầu tư hiệu quả trong năm 2022 tuy nhiên giới đầu tư không nên kỳ vọng mức lợi nhuận khủng như trong năm 2021.

Phần lớn các nhà đầu tư đang hướng tới bất động sản nghỉ dưỡng ven biển sau một thời gian dài bị thị trường lãng quên. Cùng với đó, nhiều vùng đất tại các khu vực miền núi phía Bắc có tiềm năng du lịch cũng đang được các nhà đầu tư lùng sục mua theo sào, thậm chí cả quả đồi.

Bên cạnh đó, đất nền tại các tỉnh cũng được giới đầu tư "săm soi" thay vì chỉ quanh các thành phố lớn như hiện tại.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, việc các nhà đầu tư có thể đạt thành quả như 2021 là khó khả thi bởi chỉ trong thời gian ngắn nữa thị trường sẽ dần phục hồi theo sự trở lại của du lịch. Trao đổi với báo chí Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc- ông Vũ Cương Quyết cho biết năm 2022 nhiều khả năng dịch bệnh sẽ được kiểm soát nên dòng tiền sẽ đổ mạnh hơn vào sản xuất kinh doanh thay vì ùn ùn đổ vào BĐS như hai năm vừa qua. Chính vì thế, giá BĐS nghỉ dưỡng cũng sẽ tăng ổn định, khó có chuyện tăng đột biến trong một thời gian ngắn

Theo chuyên gia bất động sản Công Tâm, sau những cơn "sốt đất" như bão quét ngang nhiều tỉnh thành trong năm 2021 thì Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo. Các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên các địa bàn đã được công khai, minh bạch rõ ràng.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản, về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.

Các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Đồng thời, tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.

Hà Nội lập tổ công tác rà soát quy hoạch, quỹ đất phát triển nhà ở

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký quyết định thành lập, phân công nhiệm vụ Tổ công tác liên ngành của TP xây dựng Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045.

Bản tin bất động sản ngày 15/2: Chuyên gia chia sẻ khả năng đầu tư sinh lời trong năm 2022
Tổ công tác liên ngành có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng đánh giá kết quả phát triển nhà ở trên địa bàn theo Chương trình phát triển nhà ở Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020.

Theo quyết định trên, Tổ trưởng Tổ công tác là ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. Tổ phó thường trực là ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng. Các Tổ phó còn lại là ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc; Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường; Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Tiến Thiết.

Tổ công tác liên ngành có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng đánh giá kết quả phát triển nhà ở trên địa bàn theo Chương trình phát triển nhà ở Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020, qua đó xác định tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác phát triển nhà ở đối với từng loại hình phát triển nhà ở.

Tổ công tác còn có nhiệm vụ tổng hợp thông tin về quy hoạch, rà soát quỹ đất phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng nhà ở; cân đối bảo đảm phù hợp các chỉ tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP đến năm 2030; dự báo nhu cầu và các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2045.

Bất động sản khu công nghiệp sẽ nóng trong 2022

Theo VNDirect dự báo, giá thuê đất khu công nghiệp sẽ tiếp đà tăng 6-10% so với cùng kỳ trong 2021 ở cả phía Nam và Bắc, trong bối cảnh nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế. Trong năm 2022, lĩnh vực này sẽ duy trì được sức hút nhờ vào việc đẩy mạnh nguồn cung đáp ứng nhu cầu cao của thị trường. Ngoài ra, VNDirect cũng cho biết, thị trường bất động sản khu công nghiệp còn được trợ lực nhờ vào việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021; Xu hướng mở rộng sản xuất được thúc đẩy bởi doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; Thương mại điện tử bùng nổ, yêu cầu hàng tồn kho tăng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng giúp thúc đẩy nhu cầu đất khu công nghiệp cho các dịch vụ kho bãi; VNDirect đánh giá, nhà kho và nhà xưởng xây sẵn sẽ tiếp tục thu hút trong năm 2022 với việc hàng loạt các chủ đầu tư cả trong nước và nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội gia nhập vào thị trường.

CBRE dự báo tăng trưởng lợi nhuận kép của nguồn cung mới nhà kho và nhà xưởng xây sẵn lần lượt là 22% và 14% ở phía Nam, còn ở phía bắc là 46% và 10% trong giai đoạn 2021-2023.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tố cáo sai phạm tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

Dự án khu đô thị (KĐT) du lịch biển Phan Thiết nằm trong những khu đất đắc địa nhất của TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Tuy nhiên, dự án đang gây nhiều dư luận trái chiều khi Công ty CP Rạng Đông được hưởng lợi rất nhiều từ giá đất được tỉnh Bình Thuận áp dụng khi bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tỉnh Bình Thuận còn cho công ty này biến đất sân golf thành đất đô thị nhanh “bất thường” trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bản tin bất động sản ngày 15/2: Chuyên gia chia sẻ khả năng đầu tư sinh lời trong năm 2022
Một góc dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Được biết, sân golf Phan Thiết hoạt động từ năm 1997, được Chính phủ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và cho tỷ phú người Mỹ Larry Hillblom thuê với thời hạn 50 năm.

Ngày 15/11/2013, UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển nhượng vốn và chủ đầu tư mới cho Công ty CP Rạng Đông. Trong Giấy phép chứng nhận đầu tư ghi rõ mục đích: “Xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo”.

Nhưng đến tức ngày 2/12/2013, Công ty CP Rạng Đông lại có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi sang đất ở đô thị. Mục đích của việc chuyển đổi này là “đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình phụ trợ”.

Đến ngày 5/3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Thông báo số 75/2014 đồng ý với đề nghị của Công ty CP Rạng Đông. Ngày 7/5/2014, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ra thông báo số 394/TB -TU đồng ý giao cho UBND tỉnh lập tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho xóa bỏ sân golf để chuyển sang đất ở đô thị.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 6 Nghị định số 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH), chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Rạng Đông phải dành 20% tổng diện tích đất (khoảng 7,2ha - PV) để xây dựng NƠXH.

Nhưng ngày 2/4/2015, UBND tỉnh Bình Thuận lại có văn bản số 985/UBND-ĐTQH gửi Bộ Xây dựng đề nghị hoán đổi 20% quỹ đất ra khỏi dự án. Bản chất là UBND tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ mặc dù không yêu cầu chủ đầu tư thực hiện việc xây dựng nhà ở xã hội trong KĐT Phan Thiết nhưng cũng không yêu cầu chủ đầu tư giao lại phần diện tích quỹ đất này theo quy định để địa phương đấu giá.Tiếp đến, ngày 13/4/2015, Công ty CP Rạng Đông có văn bản số 37CV/TH-CLB gửi tiếp Bộ Xây dựng cho phép thực hiện đề xuất trên.

Ngày 6/4/2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra Quyết định số 909/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 KĐT Phan Thiết, trong đó 20% quỹ đất xây dựng NƠXH đã “biến mất” khỏi khu đô thị này.

Trong báo cáo kiểm toán số 23/KTNN-TH ngày 12/1/2018, cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng đã chỉ ra tồn tại sau: UBND tỉnh Bình Thuận cho phép Công ty TNHH khu đô thị du lịch biển Phan Thiết không bố trí 72.704 m2 trong dự án, mà cho phép nộp tiền để thực hiện quỹ NƠXH ngoài dự án với mức thu hơn 2,57 triệu đồng/m2 (bằng mức tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách) để cho DN nộp tổng số tiền hơn 187,3 tỷ đồng là chưa phù hợp.

KTNN ước tính theo doanh thu phát triển trong phương án tính giá đất, số tiền quỹ NƠXH doanh nghiệp phải nộp cho dự án này là hơn 221,8 tỷ đồng (tăng hơn 34 tỷ đồng so với việc tỉnh cho phép DN này nộp).

Ông Đinh Trung (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận) và ông Mai Văn Tam (nguyên Chánh thanh tra Sở TN-MT Bình Thuận) cho rằng, giá đất ở vị trí đắc địa của TP Phan Thiết như vậy là quá thấp so với giá đất thực tế trên thị trường. Điều này chỉ làm lợi cho doanh nghiệp, còn nhà nước bị thất thu ngân sách. Thậm chí ông Đinh Trung đã có đơn phản ánh và đề nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN-MT về vấn đề này. Trong đơn, ông Đinh Trung còn đặt nghi vấn về mối quan hệ “không bình thường” giữa lãnh đạo Công ty CP Rạng Đông và lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.

Theo ông Mai Văn Tam, ngày 25/11/2015, ông Lê Tiến Phương-Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ (người tiền nhiệm của ông Nguyễn Ngọc Hai - cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa bị bắt) đã ký Quyết định số 3317/QĐ - UBND về phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho diện tích 363.523m2 (gồm đất ở kết hợp thương mại, dịch vụ- chiếm 58,57% diện tích dự án). Phần còn lại là diện tích không thu tiền sử dụng đất là 257.132m2 theo quy định (gồm các công trình công cộng, nhà trẻ…- chiếm 41,43% diện tích khu đất dự án). Tổng số tiền sử dụng đất mà Công ty CP Rạng Đông phải nộp là 936.800 triệu đồng, tính chi tiết ra, giá đất bình quân chỉ là 2,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất thực tế tại thời điểm đó ở TP Phan Thiết và các tuyến đường nằm quanh dự án KĐT du lịch biển Phan Thiết cao gấp 5 lần trở lên giá đất mà UBND tỉnh Bình Thuận áp vào dự án này của Công ty CP Rạng Đông (giá thấp nhất 10 triệu đồng/m2, giá cao nhất 24 triệu đồng/m2).

Bộ Tư pháp phát hiện nhiều sai phạm tại đấu giá đất huyện Đan Phượng (Hà Nội)

Qua rà soát trên Công Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã phát hiện thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản quyền sử dụng đất tại khu chăn nuôi xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng, Hà Nội) của Công ty đấu giá hợp danh Đông Á (có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) không đúng với quy định của pháp luật.

Bản tin bất động sản ngày 15/2: Chuyên gia chia sẻ khả năng đầu tư sinh lời trong năm 2022
Sơ đồ 48 thửa đất được đưa ra đấu giá ở khu chăn nuôi xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Cụ thể là cho phép khách hàng đăng ký tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước và hồ sơ đấu giá cho người có tài sản - Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng mà không nộp cho công ty.

Trên cơ sở đề xuất của Cục Bổ trợ tư pháp, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã nhất trí thanh tra việc bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất tại khu chăn nuôi xã Đồng Tháp cùng với việc thanh tra việc bán đấu giá tài sản là máy móc, thiết bị, nhà xưởng, dây chuyền máy in... của Hội Nông dân Việt Nam cũng do Công ty đấu giá hợp danh Đông Á thực hiện.

48 thửa đất được đưa ra đấu giá vào ngày 25/9/2021; tiền đặt trước cho mỗi thửa đất là 150 triệu đồng và đã có 76 khách hàng tham gia. Công ty đấu giá hợp danh Đông Á đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng thu tiền đặt trước bằng tiền mặt của người tham gia đấu giá. Toàn bộ số tiền thu được do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng giữ.

Tiến hành kiểm tra các đơn đăng ký tham gia đấu giá, Cục Bổ trợ tư pháp phát hiện một số đơn không ghi ngày tháng năm; đơn đăng ký ghi tên của người đăng ký tham gia đấu giá là ông Lê Văn Nhặn, nhưng người ký lại ghi là ông Tạ Đình Cả và trong hồ sơ không có ủy quyền bằng văn bản của ông Nhặn cho ông Cả.

Một số người ủy quyền cho người khác mua hồ sơ, nộp tiền bảo lãnh và tham dự/tham gia phiên đấu giá nhưng văn bản là Giấy ủy quyền chỉ có chữ ký của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch, đóng dấu của UBND xã, phường, thị trấn mà không có lời chứng thực là chưa phù hợp với quy định.

Cục Bổ trợ tư pháp cho rằng có 12 thửa đất (A1, D3, D4, E1, E2, E4, F4, G1, G2, G3, H1 và J1) vừa không đủ điều kiện đưa ra bán đấu giá do chỉ có một người/không có người đăng ký tham gia đấu giá, vừa cho người không đủ điều kiện tham giá đấu giá và trúng đấu giá.

Bốn thửa đất (B1, F3, H4, I2) không đủ điều kiện đưa ra bán đấu giá do chỉ có hồ sơ của một khách hàng đăng ký tham giá đấu giá...

Từ kết quả thanh tra đó, Cục Bổ trợ tư pháp đã có văn bản kiến nghị UBND huyện Đan Phượng có văn bản không công nhận/phê duyệt kết quả đấu giá đối với 16 thửa đất đã được Công ty bán đấu giá không đúng quy định của pháp luật (A1, D3, D4, E1, E2, E4, F4, G1, G2, G3, H1, J1, B1, H4, F3 và I2).

Kết quả thanh tra cũng nhấn mạnh huyện Đan Phượng phải chấp hành quy định pháp luật đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan đến việc hủy kết quả đấu giá đối với 10 thửa đất (B5, D1, F1, F2, H2, G4, H3, I4, J2 và K1) đã bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của Công ty đấu giá hợp danh Đông Á.