Đà Lạt lắp camera xử phạt tình trạng lấn suối, xả rác gây ngập lụt

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Tôn Thiện San, một số vị trí bị ngập cục bộ khi xảy ra mưa lớn trong những ngày qua đã làm ảnh hưởng đến tài sản, đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của thành phố. Điển hình như cơn mưa chiều 1/9 đã làm ngập úng cục bộ khu vực đường Phan Đình Phùng.

Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình, nhà kính vi phạm hành lang chỉ giới suối, làm thu hẹp dòng chảy; tình trạng vứt rác, đổ rác xuống suối vẫn xảy ra, kể cả rác thải sinh hoạt và rác thải nông nghiệp, phế thải xây dựng; một số mương suối chưa được phát quang, cống thoát nước chưa được nạo vét, một số hộ dân lấp các hố thu nước mưa… làm hạn chế thoát nước. Bên cạnh đó, một số công trình thi công chậm tiến độ, không đồng bộ, chưa có giải pháp thi công phù hợp gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước…

Trước tình trạng trên, ngày 6/9, UBND TP Đà Lạt ra văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan thành lập ngay tổ công tác rà soát các vị trí, công trình lấn chiếm hành lang chỉ giới suối trên địa bàn quản lý; vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Trường hợp nào không tự giác chấp hành, cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý và cưỡng chế theo quy định.

những năm gần đây, vào mùa mưa, TP Đà Lạt thường xuyên xảy ra ngập lụt cục bộ tại những khu vực trũng, thấp.
Những năm gần đây, vào mùa mưa, TP Đà Lạt thường xuyên xảy ra ngập lụt cục bộ tại những khu vực trũng, thấp. Ảnh: VTV

Chính quyền TP Đà Lạt cũng giao các phường, xã vận động và yêu cầu người dân cam kết bỏ rác thải, rác sinh hoạt đúng nơi quy định, không vứt rác xuống lòng suối gây ách tắc dòng chảy, dẫn tới ngập úng khi xảy ra mưa lớn.

Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, lắp đặt camera giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác, lấn chiếm chỉ giới…

Lãnh đạo UBND TP Đà Lạt cho rằng những nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến ngập lụt cục bộ là do hành lang suối lâu ngày không được dọn dẹp, bị các công trình cơi nới làm thu hẹp dòng chảy thoát nước; nhất là tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình, nhà kính vi phạm hành lang chỉ giới suối.

Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San chỉ đạo ban ngành chức năng tăng cường thu gom rác dọc các tuyến suối; khơi thông hệ thống mương suối, cống thoát nước; phát quang bụi rậm dọc các tuyến suối.

Về tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trên đường Phan Đình Phùng mỗi khi có mưa lớn, đặc biệt là trong dịp lễ 2/9 vừa qua, UBND TP Đà Lạt chỉ đạo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố nghiên cứu tham mưu đề xuất phương án thoát nước mưa tại các khu vực xung quanh tuyến phố này.

TP Nha Trang thông qua quy hoạch sử dụng đất với nhiều thay đổi lớn

HĐND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành 2 nghị quyết về việc thông qua quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của TP Nha Trang và Nghị quyết thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố này đến năm 2040.

Theo Nghị quyết về việc thông qua quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của TP Nha Trang, tổng diện tích tự nhiên của Thành phố này năm 2020 là hơn 25.422ha. Trong đó, đất nông nghiệp gần 10.722ha (chiếm 42,17%), đất phi nông nghiệp gần 7.634ha (chiếm 30,03%), còn lại hơn 7.066ha (chiếm 27,8%) là đất chưa sử dụng.

Quy hoạch sử dụng đất TP Nha Trang vừa được thông qua, đến 2030 sẽ điều chỉnh diện tích đất nông nghiệp giảm xuống còn hơn 8.896ha (chiếm 34,85%). Trong đó, đất trồng cây lâu năm từ 3.052ha giảm còn 763ha; đất trồng cây hàng năm khác từ 616,52ha giảm còn 18,56ha. Ngoài ra, các loại đất khác như đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác cũng giảm mạnh…

Trong khi đó, diện tích đất phi nông nghiệp được điều chỉnh tăng lên 16.631ha (chiếm 65,15%).

Trong đó, đất thương mại dịch vụ được điều chỉnh tăng gần 4 lần, từ 996,3ha lên hơn 3.866ha vào năm 2030; đất khu vui chơi, giải trí công cộng cũng tăng gần 14 lần từ 131,29ha lên 1.798,7ha. Bên cạnh đó, đất ở nông thôn cũng được điều chỉnh từ hơn 606ha tăng lên gần 1.638ha; đất ở đô thị từ 1.212ha tăng lên hơn 2.260ha…

Diện tích đất chưa sử dụng là hơn 7.066ha sẽ được sử dụng trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2021-2030, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là hơn 6.492ha.

Trong đó, đất trồng lúa là 718ha, đất trồng cây hàng năm khác là hơn 495ha, đất trồng cây lâu năm là hơn 2.223ha, đất rừng sản xuất là hơn 2.592ha, đất nuôi trồng thủy sản là hơn 453ha, đất nông nghiệp khác là 9,14ha. Còn đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở là 475,5ha.

Theo Nghị quyết, HĐND Thành phố này không thống nhất hướng tuyến đường kết nối cầu An Viên qua núi Hòn Rớ tới đại lộ Nguyễn Tất Thành. Cơ quan này đề nghị UBND thành phố cập nhật hướng tuyến theo Đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, đề nghị UBND TP Nha Trang không hợp thức hóa các dự án sai phạm; các sai phạm trong việc phân lô đất nền, xây dựng trái phép theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương.

Cùng với đó, HĐND TP Nha Trang cũng đã ban hành Nghị quyết thông qua đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.

Phạm vi nghiên cứu của đồ án bao gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Nha Trang hiện nay và một phần diện tích của 4 xã, thị trấn (các xã Diên An, Diên Toàn, Suối Hiệp và thị trấn Diên Khánh) của huyện Diên Khánh.

Tổng diện tích nghiên cứu khoảng 27.802ha. Trong đó, diện tích tự nhiên của TP Nha Trang là hơn 25.422ha, khoảng 1.500ha diện tích bảo tồn sinh cảnh, sinh thái ngập mặn và phát triển đô thị, dịch vụ trên mặt biển và diện tích huyện Diên Khánh là 880ha. Quy mô dân số dự báo đến năm 2040 là khoảng 780.000 người.

TP Nha Trang thông qua quy hoạch sử dụng đất với nhiều thay đổi lớn. Ảnh minh họa: Báo Khánh Hòa
TP Nha Trang thông qua quy hoạch sử dụng đất với nhiều thay đổi lớn. Ảnh minh họa: Báo Khánh Hòa

Nghị quyết cũng là cơ sở để UBND TP Nha Trang, các Sở, ngành liên quan và đơn vị tư vấn thực hiện các bước tiếp theo nhằm hoàn chỉnh đồ án trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Theo đó, quy hoạch nhằm đưa TP Nha Trang trở thành đô thị xanh, sạch và phát triển bền vững, có dịch vụ đa dạng, du lịch đẳng cấp gắn với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc.

Đồng thời là một trung tâm du lịch sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế; là trung tâm nghiên cứu sáng tạo gắn với môi trường sống thân thiện, trong lành, giàu giá trị văn hóa, nhân văn của cả nước và khu vực.

TP Nha Trang đặt ra 5 chiến lược phát triển bao gồm chiến lược bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên; phát triển văn hóa – xã hội; phát triển du lịch – ngành kinh tế chính của Thành phố này; đa dạng hóa hoạt động kinh tế, phát triển kinh tế bền vững; phát triển thành phố thông minh.

Trong định hướng phát triển không gian đô thị tổng thể của đồ án, HĐND thành phố thông qua 16 yêu cầu.

Trong đó, nâng cao chất lượng và giá trị các không gian đô thị hiện có; phát triển mở rộng không gian xây dựng đô thị về phía bắc, tây bắc, phía tây, phía nam và phía đông ra biển - khu vực Vĩnh Lương, Phước Đồng và trên các đảo, nhưng phải đảm bảo được yếu tố tôn tạo và phát huy được các giá trị cảnh quan đặc trưng.

Xây dựng và tổ chức hệ thống hạ tầng xanh, không gian mở bao gồm hệ thống mặt nước biển, sông, hồ, đầm gắn với hệ thống công viên, quảng trường công cộng ven biển, ven sông, trên vùng núi, trong vùng đồng trũng, trong các khu đô thị…

Chỉ tiêu đất cây xanh - công viên công cộng và thể dục thể thao đô thị đạt 16m2/người. Xây dựng kè ven sông tại các vị trí có nguy cơ sạt lở với thiết kế kè kết hợp với không gian vui chơi giải trí, đan xen và nối trực tiếp với các dãy phố đô thị để cung cấp dịch vụ cho hoạt động công cộng ven sông.

Theo Nghị quyết, tổ chức đô thị đa trung tâm, với trung tâm chính là dải đô thị ven biển và các khu trung tâm khác tại khu vực sân bay Nha Trang cũ, dọc sông Cái, tại khu vực đô thị sinh thái Đồng Trũng phía Nam đường Phong Châu, dọc đường Võ Nguyên Giáp và các trục chính đô thị, trên đảo Hòn Tre; dọc các dòng sông khác trong thành phố và xung quanh công viên trong mỗi khu đô thị.

HĐND TP Nha Trang cũng thông qua việc phát triển các khu dịch vụ, du lịch sinh thái núi và tiếp tục triển khai các khu đô thị du lịch sinh thái núi đã được quy hoạch trước đây, để khai thác các giá trị cảnh quan đặc sắc của Thành phố này.

Tuy nhiên, HĐND cũng yêu cầu là cần thực hiện khảo sát địa chất chi tiết, kết hợp nghiên cứu trong điều kiện có mưa cực đoan, để có các biện pháp phòng ngừa và loại trừ nguy cơ sạt lở đất trong toàn lưu vực thoát nước có liên quan.

Đặc biệt, không xây dựng công trình ở tại những khu vực có nguy cơ sạt lở. Các khu vực không có nguy cơ sạt lở, chỉ quy hoạch đất thương mại, dịch vụ đối với các dự án mới, theo hướng thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên và đảm bảo mật độ xây dựng tối đa không quá 10%.

Hạn chế xây dựng các khu đô thị khép kín. Chỉ cho phép tổ chức các cụm công trình có hàng rào bảo vệ riêng với kích thước mỗi chiều của khu đất không quá 300m và tổng diện tích khu đất không quá 4ha…

Hải Phòng: Tiến độ giải phóng mặt bằng trên tuyến đường Lạch Tray đạt 98%

Chiều 5/9, Đoàn công tác của quận Ngô Quyền (Hải Phòng) do ông Đinh Minh Tuấn – Chủ tịch UBND quận dẫn đầu, tiếp tục thực địa kiểm tra đôn đốc nhằm quyết tâm hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng.

Hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ hạng mục xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường Lạch Tray, thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào 1 đã đạt 98%, chỉ còn 3 hộ dân và 2 tổ chức chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng. Lãnh đạo UBND quận Ngô Quyền trực tiếp lắng nghe kiến nghị của các hộ dân.

Sau khi được tuyên truyền, vận động, một số hộ dân cơ bản đồng tình, khẳng định sẽ tự nguyện tháo dỡ, bàn giao mặt bằng. Số còn lại, quận tiếp tục vận động, thuyết phục, nếu không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế, phấn đấu hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trong một vài ngày tới.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào 1 – Hạng mục xây dựng hạ tầng kỹ thuật đường Lạch Tray, có tổng diện tích đất thu hồi là 4.176,9m2 liên quan đến 13 tổ chức và 177 hộ gia đình, cá nhân thuộc 3 phường: Lạch Tray, Lê Lợi và Đằng Giang.

Hiện, còn 2 tổ chức là Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Việt Nam Thịnh Vượng tại số 17 Lạch Tray (73,3m2) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á tại số 198 Lạch Tray (33,3m2); cùng với 3 hộ gia đình vẫn chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Theo lãnh đạo quận Ngô Quyền, quận đã thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 31/8/2022, UBND quận đã ban hành Quyết định cưỡng chế đối với các hộ dân và đang xin ý kiến tham vấn của các Sở, ngành trước khi báo cáo xin chủ trương của thành phố để UBND quận tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công dự án.

Dự án khu đô thị Fifa City tại Bình Chánh có giá 36 triệu đồng/m2

Fifa City vó vị trí nằm tại đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM. Dự án là cửa ngõ của trung tâm thương mại Bình Điền, cách vòng xoay Nguyễn Văn Linh – Quốc lộ 1A 700 m, dễ dàng kết nối đến nhiều khu vực ở thành phố Hồ Chí Minh.

Khu đô thị Fifa City có trong diện tích 32.000 m2, được chia làm 4 khu vực bao gồm:

Chung cư cao cấp Sakura Heights

Nhà phố thương mại Sakura Garden

Công viên hoa anh đào Sakura Park

Trung tâm thương mại FIFA Mall

Dự án được thiết kế xây dựng với các loại hình căn hộ và nhà phố với số lượng 358 căn. Trong đó:

Tòa tháp căn hộ: sở hữu 323 căn với 203 căn hộ từ 2 – 3 phòng ngủ, diện tích 45,5 – 53,1 – 63,4 – 68 – 84,5 m2; 97 căn office; 23 căn shophouse.

Nhà phố: sở hữu 35 căn.

Dự án khu đô thị Fifa City tại Bình Chánh
Phối cảnh dự án khu đô thị Fifa City tại Bình Chánh.

Fifa City sở hữu hơn 50 tiện ích bao gồm: công viên Hoa Anh Đào tại thành phố mới Nam Sài Gòn, trung tâm thương mại chợ Đầu Mối. Từ dự án Fifa City, cư dân thuận tiện di chuyển đến các khu vực lân cận như: chợ Bình Điền 1 phút, UBND Bình Chánh 5 phút, công an Bình Chánh 5 phút, bệnh viện Bình Chánh 8 phút, ĐH Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh 8 phút, ĐH Rmit 15 phút…

Dự án Khu đô thị Fifa City Bình Chánh do Công ty Cổ phần Fifa Investment làm đơn vị phát triển và Công ty Cổ phần Bất động sản EximRS là đơn vị phân phối.

Công ty Cổ phần Fifa Investment được thành lập ngày 26/08/2020 với tổng vốn điều lệ 390 tỷ đồng, đặt trụ sở tại số 4, đường số 4, khu biệt thự Sông Ông Lớn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án Khu đô thị Fifa City được dự kiến khởi công vào quý 3/2022 và hoàn thiện vào năm 2025.

Hiện dự án Fifa City đang chuẩn bị giới thiệu ra thị trường với mức giá chỉ từ 36 triệu đồng/m2.