Đề xuất hủy bỏ dự án 16.000 tỷ đồng của FLC tại Nghệ An

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Nghệ An vừa có tờ trình về việc đề nghị hủy bỏ Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chủ trương đầu tư dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc.

Theo nội dung tờ trình, ngày 19/10/2017, Tập đoàn FLC có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An đề xuất Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc với quy mô 460 ha.

Tại phiên họp thường kỳ ngày 23/10/2017, UBND tỉnh đã tổ chức họp để cho ý kiến về đề xuất dự án đầu tư của Tập đoàn FLC. Ngày 26/10/2017, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc đề nghị xem xét, chủ trương đầu tư dự án. Ngày 11/12/2017, Ban chấp hành Đảng bộ ra kết luận thống nhất về chủ trương đầu tư dự án.

Ngày 28/3/2018, Tập đoàn FLC chính thức nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với tên gọi An Beach & Golf Ressort, quy mô 460 ha, tổng mức đầu tư 16.009 tỷ đồng.

Phối cảnh quần thể FLC Nghệ An. (Ảnh: flcvillas.com).
Phối cảnh quần thể FLC Nghệ An. Ảnh: flcvillas.com

Tuy nhiên, do đề xuất chưa phù hợp quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực phía Đông - Đông Nam đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2011 nên đến nay, dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật.

Năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đồng ý chủ trương khảo sát, lập điều chỉnh quy hoạch và phê duyệt nhiệm vụ đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu vực phía Đông – Đông Nam (trừ khu phi thuế quan) khu kinh tế Đông Nam.

Theo nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt và định hướng quy hoạch đồ án phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu vực Đông – Đông Nam (trừ khu phi thuế quan) khu kinh tế Đông Nam trên sẽ phải di dời tái định cư rất nhiều hộ dân,... với chi phí giải phóng mặt bằng lớn là không khả thi.

Do đó, tại phương án điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040 đang trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh lại cơ cấu để hạn chế tối đa việc di dời dân giảm thiểu tối đa chi phí GPMB để đảm bảo quy hoạch có tính khả thi.

Bình Định: Nợ tiền thuê đất hơn 400 tỷ đồng, Thị Nại Eco Bay có thể bị thu hồi dự án

Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết chủ tịch UBND tỉnh này vừa ban hành văn bản chỉ đạo Cục Thuế tỉnh kiểm tra, rà soát và đôn đốc Công ty CP Thị Nại Eco Bay (trụ sở thành phố Quy Nhơn) khẩn trương thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Theo đó, trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, ngành thuế tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án nêu trên của nhà đầu tư theo quy định. Sở Xây dựng kiểm tra việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 10/1/2020, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.

Theo Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định-đơn vị có nhiệm vụ thu tiền thuê đất dự án, dự án nộp tiền thuê đất một lần nhưng hiện nộp chưa đúng thời hạn.

Tính đến cuối tháng 8/2022, Công ty CP Thị Nại Eco Bay còn nợ hơn 400 tỷ đồng tiền thuê đất và đã chậm hơn 90 ngày phải nộp.

Phối cảnh dự án Thị Nai Eco Bay.
Phối cảnh dự án Thị Nai Eco Bay.

Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn đã cưỡng chế các tài khoản của công ty nhưng trong các tài khoản đều không có tiền. Sắp tới, Chi cục Thuế sẽ cưỡng chế hóa đơn, nếu doanh nghiệp vẫn không chấp hành thì đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất tỉnh thu hồi dự án.

Trước đó, ngày 25/3/2020, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định cho Công ty CP Thị Nại Eco Bay thuê 596.593m2 đất để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại tại phường Đống Đa và Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn. Thời hạn thuê đất 50 năm với hình thức trả tiền một lần. Được biết, tổng tiền thuê đất đối với dự án trên 1.100 tỷ đồng, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi giảm thuế hơn 80 tỷ đồng.

Dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại do Công ty CP Thị Nại Eco Bay làm chủ đầu tư, được quy hoạch là khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp biệt thự nhà ở và các công trình dịch vụ thương mại với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng.

Hà Tĩnh chi trả gần 217 tỷ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc – Nam

Tính tới ngày 1/10, các địa phương liên quan tới dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua Hà Tĩnh đã được Trung ương bố trí kinh phí GPMB là 1.255,7 tỷ đồng.

Cụ thể, huyện Đức Thọ 59 tỷ đồng, huyện Can Lộc 343 tỷ đồng, huyện Thạch Hà 221,37 tỷ đồng, TP Hà Tĩnh 13 tỷ đồng, huyện Cẩm Xuyên 412,53 tỷ đồng, huyện Kỳ Anh 135,8 tỷ đồng và TX Kỳ Anh 71 tỷ đồng.

Về tiến độ giải ngân dự án tới nay là 216,806 tỷ đồng (đạt 17,3%), trong đó, huyện Đức Thọ 53 tỷ đồng, huyện Can Lộc 152,025 tỷ đồng và TX Kỳ Anh 11,781 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 đi qua Hà Tĩnh có chiều dài 102,38 km với 3 dự án thành phần gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi (35,28 km), Hàm Nghi – Vũng Áng (54,2 km) và Vũng Áng – Bùng (55,34 km, đoạn qua Hà Tĩnh 12,9 km).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 tuyến kết nối dài 12,18 km, gồm đường nối Ngô Quyền – ĐT.550 (5,05 km), đường song hành cao tốc nối ĐT.550 – Hàm Nghi kéo dài (3,93 km) và đường Cẩm Quan – quốc lộ 1 (3,2 km).

Hiện nay công tác kiểm đếm toàn dự án đạt trên 90% khối lượng, nguồn kinh phí GPMB cũng đã được Bộ GTVT phân khai kế hoạch năm 2022 và chuyển về tài khoản của các địa phương.

Vì vậy, tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm đếm, áp giá, công khai phương án bồi thường, xây dựng kế hoạch giải ngân và hoàn thành các thủ tục để tiến hành chi trả đảm bảo tiến độ giải ngân, bàn giao mặt bằng theo kế hoạch.

Dự án khu đô thị Phương Đông Green Valley tại Hòa Bình

Phương Đông Green Valley có vị trí tọa lạc tại xóm Đồng Tiến, xã Tân Vinh, huyện Lương Hòa, tỉnh Hòa Bình. Từ dự án có thể dễ dàng kết nối với trung tâm thị trấn Lương Sơn và các khu vực lân cận qua các tuyến đường trọng điểm như Quốc lộ 21, Láng Hòa Lạc.

Phương Đông Green Valley có tổng diện tích 9,6 ha, được thiết kế với loại hình đất nền biệt thự và liền kề. Dự án cung cấp ra thị trường 262 lô, trong đó liền kề sở hữu 205 lô với diện tích từ 90 – 210 m2 và 58 lô biệt thự có diện tích 200 – 342 m2.

Dự án Phương Đông Green Valley sở hữu khung cảnh thiên nhiên hoang sơ vùng Tây Bắc, cùng hệ thống tiện ích nội khu tại đây như: đường dạo bộ, công viên, vườn hoa, bể bơi, khu thể dục thể thao, hồ điều hòa, khu vui chơi ngoài trời, trung tâm thương mại…

Ngoài ra dự án còn tiếp giáp với nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp như: Long Thành Luxury Resort, Sun Village…

Dự án khu đô thị Phương Đông Green Valley tại Hòa Bình
Dự án khu đô thị Phương Đông Green Valley tại Hòa Bình.

Chủ đầu tư dự án Phương Đông Green Valley là Tập đoàn Phương Đông (Phương Đông Group). Đơn vị phát triển dự án TLG Homes, cùng các đơn vị phân phối của dự án Bắc Hà Land, IPT Home, THC Group, An Housing.

Theo tìm hiểu dự án Phương Đông Green Valley có tên pháp lý là Khu đấu giá đất ở tại xóm Đồng Tiến, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn. Dự án được Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Nam Hà Nội (thành viên của Phương Đông Group) trúng đấu giá quyền sử dụng đất với số tiền 148,2 tỷ đồng.

Tài sản trúng đấu giá bao gồm: quyền sử dụng đối với 5.763,27 m2 đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn và quyền sử dụng 38.289,39 m2 đất ở nông thôn.

Các sản phẩm tại dự án được mở bán với mức giá từ 16 – 18 triệu đồng/m2.