Hà Nội khởi động 'siêu' dự án đường Vành đai 4

Sau khi dự án đường Vành đai 4 được Quốc hội thông qua và ra Nghị quyết thực hiện, UBND thành phố đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư dự án.

Theo Tiền Phong, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố vừa hình thành và ra mắt Ban Chỉ đạo thực hiện dự án. Do có quy mô, phạm vi lớn cũng như tính chất quan trọng của dự án nên Bí thư Thành ủy Hà Nội được cử làm Trưởng Ban chỉ đạo, các đồng chí Phó Bí thư trong đó có Chủ tịch UBND thành phố khi được kiện toàn sẽ là phó ban. Các Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội sẽ làm trưởng các tổ công tác chuyên ngành. Chẳng hạn như Tổ công tác chỉ đạo thực hiện dự án sẽ do Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn làm tổ trưởng; Tổ công tác chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ do Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông làm tổ trưởng… Các Bí thư quận, huyện mà dự án đi qua và giám đốc các sở, ngành liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo…

Thành phố xác định thời gian thực hiện dự án khoảng 5 năm, thời gian bắt đầu thực hiện là từ năm 2022, do vậy việc triển khai, hoàn thành các phần việc được giao tại dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chính là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và là uy tín cá nhân của mỗi thành viên trong Ban Chỉ đạo được giao nhiệm vụ.

Một trong những nhiệm vụ trước mắt, quan trọng nhất là Ban hành kế hoạch tổ chức, thực hiện, sau đó khẩn trương xác định, công bố chỉ giới đường đỏ, tổ chức cắm mốc làm cơ sở để thực hiện GPMB phục vụ dự án.

Đề cập tuyến đường được Thành ủy Hà Nội yêu cầu GPMB có đoạn từ 125 đến 130 mét mặt cắt ngang, trong khi dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô phục vụ cho giao thông đường bộ được lập chỉ là 90 mét, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngoài 90 mét mặt đường cắt ngang phục vụ giao thông, Hà Nội sẽ giải phóng mặt bằng thêm diện tích một bên đường với dải đất có mặt cắt ngang rộng khoảng 30-35 mét để làm quỹ dự trữ, quỹ đất này sẽ chạy dọc theo hành lang tuyến đường đoạn qua Hà Nội.

Phối cảnh đường Vành đai 4 và đường sắt đô thị chạy song song tại địa phận Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong
Phối cảnh đường Vành đai 4 và đường sắt đô thị chạy song song tại địa phận Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong

Mục đích bố trí quỹ đất này, theo đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, là để xây dựng 2 tuyến đường sắt đô thị chạy theo hành lang phía Đông và phía Tây thành phố. Hai tuyến này gồm: Tuyến đường sắt Vành đai phía Đông kết nối Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi (có tiến độ đầu tư trước năm 2030) và tuyến Vành đai phía Tây kết nối Ngọc Hồi - Thạch Lỗi (có tiến độ đầu tư, xây dựng giai đoạn 2030-2050).

“UBND thành phố Hà Nội đề xuất giải phóng mặt bằng ngay 30m dành cho hành lang đường sắt trong tương lai trong tổng thể mặt cắt ngang dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để có quỹ đất xây dựng 2 dự án đường sắt. Việc này cũng giúp hạn chế kinh phí giải phóng mặt bằng trong tương lai khi các dự án này triển khai”, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin.

Để xây dựng tuyến đường Vành đai 4 với thiết kế, mặt bằng được giải phóng như trên, đại diện đơn vị Tư vấn dự án cho biết, đường Vành đai 4- Vùng thủ đô có 1.341 ha đất nằm trong diện phải GPMB. Trong đó riêng trên địa phận thành phố Hà Nội là 741 ha. Phân tích các loại đất phải GPMB, đơn vị Tư vấn cho biết, đất trồng lúa chiếm diện tích lớn nhất với khoảng 816 ha, tiếp đến là đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha. Ít nhất là đất dân cư khoảng 58 ha. Số hộ dân phải thực hiện phương án di dời, tái định cư tại 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội khi thực hiện dự án Vành đai 4- Vùng thủ đô vào khoảng trên 1.000 hộ.

Sở QHKT Hà Nội: Kết luận của Bộ Xây dựng về đường Lê Văn Lương chưa thỏa đáng

Chiều nay (1/7), UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2022. Vấn đề về những sai phạm trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị (KĐT) Trung Hòa - Nhân Chính tại kết luận vừa được Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành mới đây là một trong những nội dung được báo chí quan tâm đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của UBND TP Hà Nội cũng như các Sở, ngành, đơn vị liên quan.

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho biết, hiện Sở QHKT Hà Nội, Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan đang rà soát lại các nội dung mà thanh tra Bộ Xây dựng kết luận.

Ông Tuyến thông tin, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục đường Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng.

Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố và phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất, UBND TP Hà Nội đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao tầng các công trình tại đây.

Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

Trong quy hoạch chung Thủ đô cũng xác định rõ Lê Văn Lương là trục đường ưu tiên phát triển nhà cao tầng, hiện đại với chiều cao tối đa 45 tầng. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật về quy hoạch, xây dựng cũng có sự thay đổi để phù hợp với thực tiễn.

Mặt khác, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các dự án không vượt các chỉ tiêu khống chế về hạ tầng khung, chỉ tiêu khống chế quy hoạch kiến trúc tại quy hoạch phân khu, đồng nghĩa với việc vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu được duyệt.

Bên cạnh đó, với định hướng quy hoạch phân khu, việc UBND TP.Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết năm 2016 cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung nhà cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố qua các thời kỳ và định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

"Do đó, việc kết luận nhà cao tầng gây quá tải, thiếu trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng", Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội nói.

Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc trao đổi thông tin với báo chí liên quan tới tuyến đường Lê Văn Lương. Ảnh: Lao Động
Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc trao đổi thông tin với báo chí liên quan tới tuyến đường Lê Văn Lương. Ảnh: Lao Động

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, khoảng 15 dự án trên tuyến Lê Văn Lương được phê duyệt điều chỉnh nhiều lần. Nhưng theo ông Tuyến, đối chiếu với quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, việc xác định các lần điều chỉnh này là chưa chính xác khi nhiều văn bản chủ trương hoặc văn bản trả lời liên thông giữa sở và thành phố cũng bị tính là điều chỉnh.

Ông Tuyến lấy ví dụ một dự án theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng là điều chỉnh quy hoạch 4 lần. Tuy nhiên, xét theo nguyên tắc, UBND Hà Nội chỉ điều chỉnh quy hoạch với dự án này một lần vào năm 2011. Các văn bản khác là bước rà soát quy hoạch đô thị, định hướng không gian kiến trúc cảnh quan hoặc là văn bản chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu dự án; không phải là văn bản chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng cho chủ đầu tư.

Đồng thời, lãnh đạo Sở QHKT Hà Nội cho biết, Luật Xây dựng năm 2003 nói chung cũng như các thông tư khác trong cùng thời kỳ không quy định, yêu cầu cụ thể về tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Mặt khác, tại đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu đã đề xuất cân đối các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, kỹ thuật theo đơn vị ở tại các ô quy hoạch dọc hai bên tuyến đường đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị H2-2 được UBND TP phê duyệt.

"Việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận một số dự án được điều chỉnh khi chưa tính toán hạ tầng kỹ thuật cần được xem xét lại cho phù hợp với bối cảnh và các quy định của từng thời kỳ", ông Tuyến nói.

Ông Tuyến cũng cho hay việc ùn tắc giao thông tại trục đường Lê Văn Lương thường diễn ra vào giờ cao điểm (đầu giờ sáng và giờ tan tầm buổi chiều), trong đó giờ sáng tắc bên chiều vào nội đô, giờ chiều tắc chiều ra ngoại ô.

“Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở trục đường Lê Văn Lương mà các tuyến đường ra vào thành phố khác cũng vậy như quốc lộ 32, quốc lộ 6, đường 5. Có những tuyến đường không có nhiều nhà cao tầng cũng xảy ra tắc như đường 5. Xây nhà cao tầng có tăng tải lên giao thông không, đương nhiên có nhưng vẫn còn nhiều nguyên nhân khác” - ông Tuyến nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội, để giảm tải ùn tắc giao thông tại nội đô, nhiều năm qua Hà Nội đã tính toán và chủ động di dời một số cơ sở trường học, bệnh viện, cơ quan của TP ra ngoài nội đô.

Đề xuất ngân sách chi trả 1.879 tỷ đồng để xóa 2 trạm BOT trên Quốc lộ 91

Bộ Giao thông - Vận tải vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý bất cập các trạm thu phí thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+00 đến Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội chấp thuận chủ trương chấm dứt hợp đồng trước hạn, bố trí ngân sách nhà nước khoảng 1.879 tỷ đồng để chi trả cho nhà đầu tư, xóa trạm thu phí T1 và T2 trên Quốc lộ 91 và giao bộ này chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát, quyết toán giá trị hoàn thành công trình và các chi phí liên quan dự án, đàm phán với nhà đầu tư để xác định chi phí đúng quy định hợp đồng dự án, tuân thủ quy định pháp luật.

Để thuận tiện trong quản lý theo quy hoạch của đô thị, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề nghị của UBND TP. Cần Thơ về việc tiếp nhận, quản lý bảo trì đoạn tuyến Quốc lộ 91B thuộc thành phố Cần Thơ. Giao Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính hoàn tất các thủ tục để bàn giao đoạn tuyến QL91B theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đề xuất người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu cân đối nguồn vốn phù hợp, khả thi trong quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục thanh toán vốn Nhà nước thực hiện theo các quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 và hạng mục mở rộng và tăng cường nền mặt đường Quốc lộ 91B đoạn Km0+00 - Km15+793 được đầu tư theo chủ trương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn tuyến Quốc lộ 91 từ tháng 4/2016 và đoạn tuyến Quốc lộ 91B từ tháng 12/2016 đúng theo tiến độ, đúng quy định pháp luật và bảo đảm mục tiêu hiệu quả đầu tư dự án.

Tổng mức đầu tư Dự án được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt là 1.720,337 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và đánh giá dự án thực hiện tuân thủ quy định pháp luật, giá trị công trình hoàn thành đến thời điểm năm 2017 là 1.651,075 tỷ đồng.

Đến nay, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt quyết toán cơ bản hoàn thành với giá trị 1.550,481 tỷ đồng (Quốc lộ 91 là 1.100,795 tỷ đồng, Quốc lộ 91B là 449,686 tỷ đồng). Còn lại 35,124 tỷ đồng chi phí GPMB, UBND thành phố Cần Thơ chịu trách nhiệm thực hiện quyết toán.

Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, trong thời gian từ năm 2016 đến 2017, công tác thu phí diễn ra bình thường và ổn định. Sau thời gian này, đã phát sinh vướng mắc, bất cập tại trạm thu phí T1 và T2 trên Quốc lộ 91 dẫn đến ảnh hưởng việc thu phí hoàn vốn, không bảo đảm phương án tài chính của dự án.

Các yếu tố ảnh hưởng đến phương án tài chính của Dự án bao gồm: ảnh hưởng mất an ninh trật tự khi tổ chức thu phí hoàn vốn dự án; ảnh hưởng do đầu tư các tuyến đường bộ, đường cao tốc trong vùng; giảm giá vé cho các phương tiện loại 4 và nhóm 5, giảm giá vé cho các phương tiện lân cận trạm theo chủ trương của cấp có thẩm quyền; không được tăng giá vé theo lộ trình; ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Việc doanh thu sụt giảm do cơ chế chính sách dẫn tới dự án không đủ trả vốn vay, lãi cho ngân hàng, chưa trả lợi nhuận nhà đầu tư theo quy định hợp đồng, doanh nghiệp dự án đã và đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải bổ sung vốn để trả nợ ngân hàng theo kế hoạch.

Hiện nay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Nhơn Trạch là ngân hàng tài trợ vốn đã đánh giá nhóm nợ khoản vay của dự án xuống nhóm 5 (là nợ có khả năng mất vốn, nợ xấu) do “khách hàng hoạt động trên 3 năm có lợi nhuận sau thuế âm trong 2 năm liên tiếp, suy giảm nguồn trả nợ”.

Phía ngân hàng cũng đã không tiếp tục giải ngân để thực hiện công tác bảo trì dẫn đến tuyến đường có nguy cơ xuống cấp sẽ gây mất an toàn cho các phương tiện lưu thông.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kể từ khi dừng thu phí tại trạm T2 và chỉ thu phí hoàn vốn tại trạm T1, doanh thu sụt giảm rất lớn (năm 2020 đạt 50% và năm 2021 còn 36% doanh thu so với phương án tài chính dự án đã ký).

Doanh thu thu phí trạm T1 sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng của các tuyến đường được trung ương và địa phương đầu tư, phá vỡ phương án tài chính, không bảo đảm hoàn vốn chủ sở hữu, vốn vay và các chi phí liên quan, khiến cho nhà đầu tư có nguy cơ phá sản và khoản vay trở thành nợ xấu.

Bản thân nhà đầu tư đã nhiều lần trực tiếp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải tháo gỡ khó khăn để bảo đảm phương án trả nợ với ngân hàng, ổn định thu phí theo quy định hợp đồng dự án.

Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã tính đến phương án xóa bỏ trạm thu phí T2 và tiếp tục thu phí tại trạm thu phí T1 trên Quốc lộ 91.

Tuy nhiên, phương án này không khả thi, không giải quyết dứt điểm tồn tại dự án do chỉ thu phí tại trạm T1 không bảo đảm doanh thu theo hợp đồng đã ký dẫn đến phá vỡ phương án tài chính và không thể hoàn vốn (trạm thu phí T1 bị ảnh hưởng của việc xóa trạm thu phí T2; ảnh hưởng của việc đầu tư xây dựng Đường tỉnh 922, Đường vành đai phía tây thành phố Cần Thơ do UBND TP. Cần Thơ đầu tư; ảnh hưởng của cơ chế chính sách do giảm giá và chưa được tăng phí; tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do trung ương đầu tư sớm hơn so với quy hoạch được duyệt).

Ra mắt dự án Le Palmier Hồ Tràm Bà Rịa - Vũng Tàu

Le Palmier Hồ Tràm có vị trí tại ấp Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Dự án còn đón đầu các công trình hạ tầng kết nối liên vùng, điển hình như cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Phan Thiết, sân bay Quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển Quốc tế Thị Vải – Cái Mép.

Le Palmier Hồ Tràm có tổng diện tích 17.417 m2 với mật độ xây dựng 17,57%, được quy hoach xây dựng với các loại hình biệt thự và condotel. Cung cấp ra thị trường 12 căn biệt thự và 45 căn hộ nghỉ dưỡng condotel.

Biệt thự tại dự án Le Palmier Hồ Tràm bao gồm: 2 căn biệt thự mặt biển Beachfront Villa (4 phòng ngủ), 2 căn biệt thự view biển Beach View Villa (4 phòng ngủ), 8 căn biệt thự sân vườn Garden Villa (3-4 phòng ngủ). Các căn biệt thự tại đây có diện tích từ 400 – 520 m2, được thiết kế xây dựng 1 trệt 1 lầu.

Căn hộ nghỉ dưỡng condotel được thiết kế cao 7 tầng với 1 tầng hầm, cung cấp ra thị trường 45 căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp.

Le Palmier Hồ Tràm sở hữu những tiện ích nội khu: như bể bơi tràn bờ trung tâm, bể bơi riêng trong biệt thự, khu vườn thiền tập Yoga, vườn tắm nắng dưới bóng dừa, bãi biển riêng, hệ thống beach pub, kid club. Bên canh đó, dự án được bao bọc bởi các quần thể các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn chuẩn 5 sao quốc tế như: Ho tram Boutique Resort & Spa, The Grand Ho Tram, Melia Ho Tram…

Ra mắt dự án Le Palmier Hồ Tràm.
Ra mắt dự án Le Palmier Hồ Tràm.

Dự án Le Palmier Hồ Tràm được đầu tư và phát triển bởi Đông Tây Holding (thành Viên Đông Tây Land)

Theo tìm hiểu, dự án Le Palmier Hồ Tràm trước đây có tên là dự án Parami Hồ Tràm (Khu du lịch Kim Sa bãi Hồ Tràm) của chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Du lịch Kim Sa, thành viên của Thủ Thiêm Group, với thời gian khai thác là 50 năm.

Hồi năm 2019, dự án đã gần hoàn thiện nhưng dường như không nhận được sự quan tâm của giới đầu tư và phải sang tay cho Đông Tây Land

Hiện nay Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Du lịch Kim Sa - chủ đầu tư trên giấy tờ của dự án khu du lịch Kim Sa bãi Hồ Tràm vẫn là thành viên của Thủ Thiêm Group, do Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Thủ Thiêm nắm giữ 80,281% vốn điều lệ (tương đương hơn 120,4 tỷ đồng).

Ngày 22/06/2022, Đông Tây Land ra mắt dự án Le Palmier Hồ Tràm.