Bộ Xây dựng 'thúc' công khai thông tin bất động sản để ngăn 'thổi giá'

Bộ Xây dựng đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Nghị định số 44 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Cụ thể, Bộ đề nghị các địa phương giao Sở Xây dựng hoặc cơ quan chuyên môn quản lý nhà ở và thị trường bất động sản địa phương cấp tỉnh xây dựng quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản địa phương; tổ chức vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương.

Các cơ quan nêu trên cũng cần phối hợp với các đơn vị thu thập; tiếp nhận các thông tin liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản địa phương do cơ quan, tổ chức, cá nhân chia sẻ, cung cấp. Đồng thời với việc tiếp nhận là chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin theo quy định của pháp luật.

Bộ Xây dựng cũng lưu ý về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của địa phương, gửi báo cáo về Bộ Xây dựng theo quy định; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, về việc thực hiện chế độ cung cấp thông tin, dữ liệu được quy định tại Nghị định này.

Bộ Xây dựng 'thúc' công khai thông tin bất động sản để ngăn 'thổi giá'. Ảnh minh họa
Bộ Xây dựng 'thúc' công khai thông tin bất động sản để ngăn 'thổi giá'. Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin bất động sản, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải xây dựng được kho dữ liệu lưu trữ các thông tin mua bán.

Bởi, từ năm 2018 đến nay, mặc dù Việt Nam liên tục thăng hạng về chỉ số minh bạch bất động sản nhưng thực tế, như Bộ Xây dựng thừa nhận, hiện tượng “nhà đất 2 giá”, giá kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.

Ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu bất động sản cho thấy, trong giao dịch đất nền, có nơi tăng giá gấp 2-3 lần chỉ trong 1 năm. Tuy nhiên, giá giao dịch được kê khai tại các cơ quan quản lý nhà nước thường thấp hơn mức giá thực tế nhằm trốn thuế.

Vì vậy, theo các chuyên gia, cần đăng ký đất đai và thực hiện số hóa toàn bộ thông tin đất đai và bất động sản để hình thành hệ thống thông tin số về đất đai và bất động sản thống nhất, đồng bộ, phục vụ cho quản lý biến động và thông tin sở hữu bất động sản.

Bên cạnh đó, cần sự phối hợp giữa các phòng công chứng khi công chứng các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, cung cấp thông tin giao dịch cho cơ quan thuế. Nghiêm cấm và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trao tay không qua đăng ký giao dịch...

Gia Lai thu hồi nhiều dự án đã giao cho Tập đoàn FLC khảo sát

Ngày 25/7, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản thu hồi chủ trương đã cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 đối với 4 dự án vào các năm 2018 và 2019.

Các dự án này gồm: Dự án tháp, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp FLC Pleiku khu vực phường Tây Sơn, phường Hội Thương, TP Pleiku; Dự án khu đất 5ha và 3ha đường Nguyễn Chí Thanh, TP Pleiku; Dự án khu du lịch văn hóa Cao Nguyên đồi thông thuộc xã Ia Dêr, huyện Ia Grai và phường Diên Hồng, TP Pleiku; Dự án khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya tại TP Pleiku và huyện Chư Păh.

Các Ban QLDA thuộc Bộ GTVT gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính do kinh phí hoạt động theo dự toán thu, chi 6 tháng đầu năm 2022 đã hết, trong khi đó phương án tự chủ về tài chính chưa được phê duyệt. Ảnh minh họa
Các Ban QLDA thuộc Bộ GTVT gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính do kinh phí hoạt động theo dự toán thu, chi 6 tháng đầu năm 2022 đã hết, trong khi đó phương án tự chủ về tài chính chưa được phê duyệt. Ảnh minh họa

Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC chấm dứt việc di thực và chuẩn bị di thực các cây thông tại khu phức hợp Đắk Đoa, gồm: sân golf, khu A, khu B, khu C và khu Trung tâm hội nghị.

Việc yêu cầu chấm dứt di thực cây thông ở dự án khu phức hợp Đắk Đoa trên được UBND tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai có nhiều vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Trong các vi phạm, có việc báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư).

Bộ GTVT đề nghị gỡ khó tài chính cho 10 Ban QLDA

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính liên quan đến phương án tự chủ về tài chính giai đoạn năm 2022 - 2026 và dự toán thu, chi năm 2022 của các Ban QLDA.

Theo Bộ GTVT, căn cứ quy định Nghị định số 60/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GTVT đã có các văn bản đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến xác định mức độ tự chủ về tài chính tự đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2) giai đoạn năm 2022 - 2026 cho 10 Ban QLDA trực thuộc Bộ GTVT.

Bộ GTVT quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trước ngày 30/6/2022.

Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến xác định mức độ tự chủ về tài chính của các Ban QLDA để có cơ sở quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị theo quy định.

Đề cập đến tình hình thu, chi hiện nay, Bộ GTVT cho biết các Ban QLDA đang thực hiện quản lý rất nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.

Trong đó, có dự án quan trọng quốc gia là Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông (giai đoạn 2017 - 2020 là 11 dự án thành phần, giai đoạn 2021 - 2026 là 12 dự án thành phần) đang triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ với tiến độ rất gấp.

Để đảm bảo kinh phí hoạt động cho các Ban QLDA trong thời gian lập, trình duyệt phương án tự chủ về tài chính, Bộ GTVT đã tạm phê duyệt dự toán thu, chi QLDA năm 2022 cho các Ban QLDA với kinh phí trong thời gian 6 tháng.

Đến nay, kinh phí hoạt động theo dự toán thu, chi 6 tháng đầu năm 2022 cho các Ban QLDA đã hết, trong khi đó phương án tự chủ về tài chính chưa được phê duyệt.

Nhằm có kinh phí thực hiện nhiệm vụ, một số Ban QLDA đã chủ động tự phê duyệt dự toán chi phí QLDA nhưng Kho bạc nhà nước không chấp thuận thanh toán.

Trước khó khăn trên, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất giao cho các Ban QLDA được chủ động phê duyệt dự toán chi phí QLDA làm cơ sở giải ngân, thanh toán, duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị trong thời gian phương án tự chủ về tài chính chưa được duyệt.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA Thăng Long thừa nhận thực trạng nêu trên và cho biết, đơn vị này cùng một số Ban QLDA đang tiếp tục đề xuất Bộ GTVT duyệt dự toán để các đơn vị có dòng tiền hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian chờ phê duyệt phương án tự chủ tài chính.

Dự án khu đô thị Hùng Vương tại Vĩnh Phúc có giá từ 11 triệu đồng/m2

Dự án Khu đô thị Hùng Vương có vị trí nằm cạnh đường QL2A, phường Hùng Vương và phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án Khu đô thị Hùng Vương có phía Bắc giáp khu dân cư trục QL2A; phía Đông giáp khu dân cư và tỉnh lộ 317; phía Tây giáp QL23 và đất ruộng xã Tiền Châu; phía Nam giáp khu dân cư xã Thanh Lâm.

Dự án Khu đô thị Hùng Vương có tổng diện tích quy hoạch 82,34 ha; diện tích đất nhà phố liền kề 95.680 m2; diện tích đất biệt thự 48.897 m2; diện tích xây dựng tòa nhà cao tầng 96.300 m2, mật độ xây dựng đạt 30%.

Dự án Khu đô thị Hùng Vương có quy mô 880 lô đất nền; trong đó đất nền liền kề 806 lô đất, diện tích từ 70 m2 - 108 m2; đất nền biệt thự 74 lô đất, diện tích từ 200 m2 - 300 m2.

Tiện ích nội khu dự án Khu đô thị Hùng Vương: Nhà trẻ, bể bơi, phòng tập gym, trung tâm mua sắm, giải trí, nhà hàng, khu vực bán lẻ, khu vực sinh hoạt cộng đồng, đường dạo bộ nội khu…

Tiện ích ngoại khu dự án Khu đô thị Hùng Vương: Cách chân cầu Thăng Long 10 km, cách đường trục chính huyện Mê Linh 200 m, trung tâm thị xã Phúc Yên, cách bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên 500 m, bệnh viện 74 khoảng 400 m, cách bến xe thành phố 200 m…

Dự án khu đô thị Hùng Vương tại Vĩnh Phúc có giá từ 11 triệu đồng/m2. Ảnh minh họa
Dự án khu đô thị Hùng Vương tại Vĩnh Phúc có giá từ 11 triệu đồng/m2. Ảnh minh họa

Dự án Khu đô thị Hùng Vương do Công ty Cổ phần Xây dựng Thăng Long làm chủ đầu tư, có trụ sở chính tại khu đô thị mới Hùng Vương, phường Tiền Châu và phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Công ty Cổ phần Xây dựng Thăng Long thành lập ngày 15/12/2006 do ông Nguyễn Thế Vinh làm người đại diện pháp luật, hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; dịch vụ lưu trú ngắn ngày; hoạt động xây dựng chuyên dụng khác; hoàn thiện công trình xây dựng.

Các sản phẩm đất nền tại dự án Khu đô thị Hùng Vương có giá bán trên thị trường từ 11 triệu đồng/m2.