Giao 78.307 tỷ đồng làm dự án Vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP HCM và cao tốc Bắc - Nam

Tổng Thư ký Quốc hội vừa ký ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 14 tháng 8/2022 về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (đợt 3).

Theo đó, UBTVQH thống nhất chủ trương bố trí, bổ sung và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (đợt 3) cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Cụ thể, UBTVQH thống nhất giao kế hoạch vốn cho 3 dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, số tiền 78.307,587 tỷ đồng, gồm: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP HCM.

Trong đó, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải 31.396 tỷ đồng giao về các địa phương: Hà Nội, TP HCM, Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An để thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia theo các Nghị quyết số 44/2022/QH15, số 56/2022/QH15 và số 57/2022/QH15 của Quốc hội.

Sơ đồ quy hoạch cầu Mễ Sở và đường Vành đai 4 nối Thường Tín (Hà Nội) với Văn Giang (Hưng Yên)
Sơ đồ quy hoạch cầu Mễ Sở và đường Vành đai 4 nối Thường Tín (Hà Nội) với Văn Giang (Hưng Yên)

Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn thiện danh mục dự án, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, bảo đảm việc quyết định giao danh mục, mức vốn cho từng dự án và bổ sung, điều chỉnh (tăng/giảm) kế hoạch đầu tư công trung hạn.

UBTVQH lưu ý, việc thay thế dự án chưa có trong danh mục đã báo cáo Quốc hội, việc đổi tên dự án, việc điều chỉnh (tăng/giảm) kế hoạch vốn giữa các dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn phải đảm bảo không làm thay đổi tổng mức vốn theo cơ cấu ngành, lĩnh vực đã được Quốc hội quyết định và phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội…

Việc bố trí vốn phải tập trung, không phân tán, dàn trải, manh mún; bố trí đủ vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; việc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của các dự án phải bảo đảm mục tiêu, hiệu quả, hoàn thành đúng tiến độ đã được cấp có thẩm quyền quyết định và địa phương phải cam kết sẽ không đề nghị bổ sung vốn ngân sách trung ương cho các dự án này trong giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ chịu trách nhiệm về sự cần thiết của dự án đầu tư, hiệu quả của việc điều chỉnh, tăng, giảm kế hoạch vốn giữa các dự án, đồng thời báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Ngoài ra, UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo UBTVQH xem xét danh mục, mức vốn cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để phân bổ vốn và triển khai thực hiện.

Kiểm tra việc quản lý, vận hành và sử dụng nhà chung cư tại Hà Nội

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 930 nhà chung cư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; trong đó, có 132 nhà chung cư đưa vào sử dụng trước khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực vào ngày 1/7/2006 và hơn 800 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau thời điểm này.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 132 chung cư đưa vào sử dụng chỉ có 93 chung cư đã thành lập Ban quản trị, số còn lại do xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2005, không có kinh phí bảo trì nên cư dân không muốn thành lập Ban quản trị.

Đối với hơn 800 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau ngày 1/7/2006, hiện có 567 nhà chung cư đã thành lập Ban quản trị, nhưng chỉ có 414 nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị.

cư dân chung cư Mỹ Sơn bức xúc về những vi phạm của chủ đầu tư.
Cư dân chung cư Mỹ Sơn bức xúc về những vi phạm của chủ đầu tư.

Thời gian qua, các cấp, ngành ở Hà Nội đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư, song trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, gây bức xúc trong cư dân.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân không chỉ riêng về quỹ bảo trì mà còn nhiều vấn đề khác như: chậm bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, tranh chấp diện tích sử dụng chung, chậm bảo hành, tranh chấp phần diện tích chung - riêng, an toàn phòng cháy, chữa cháy…; trong đó, những sai phạm về quy hoạch và xây dựng là phổ biến nhất.

Để khắc phục những tồn tại này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 2892/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 15/11/2019 của UBND thành phố về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và quản lý Nhà nước đối với việc vận hành, sử dụng nhà chung cư tại một số quận, huyện, thị xã.

Đoàn kiểm tra do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn làm Trưởng đoàn. Các Phó trưởng đoàn và thành viên gồm lãnh đạo các sở, ngành: Xây dựng, Công an, Thanh tra, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế, Ban Nội chính Thành ủy.

Danh sách kiểm tra bao gồm các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Hoàng Mai.

Lạng Sơn điều chỉnh quy hoạch hai thị trấn tại huyện Chi Lăng

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2035 với tỷ lệ 1/5.000 đối với thị trấn Đồng Mỏ và thị trấn Chi Lăng thuộc huyện Chi Lăng.

Cụ thể, điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Chi Lăng có diện tích khoảng 2.062 ha. Trong đó, quy mô lập quy hoạch khoảng 1.295 ha; quy mô diện tích núi đá khớp nối, cập nhật số liệu khoảng 767 ha.

Phía đông bắc giáp xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Phía tây bắc giáp xã Y Tịch, huyện Chi Lăng. Phía tây nam giáp xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng. Phía đông nam giáp ranh giới tỉnh Bắc Giang.

Tính chất quy hoạch là khu vực đô thị nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thương mại, chủ lực hướng tới công nghiệp; đầu mối giao thông quan trọng phía Nam của tỉnh Lạng Sơn, phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp trên trục Quốc lộ 1 Lạng Sơn - Hà Nội; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

Quy hoạch gồm 5 phân khu chức năng. Cụ thể, phân khu 1 là khu công nghiệp, kho tàng, logistic. Phân khu 2 là đô thị phát triển đô thị kết hợp thương mại dịch vụ hậu cần công nghiệp. Phân khu 3 phát triển nông sản đặc trưng Na Chi Lăng kết hợp mô hình du lịch canh nông.

Phân khu 4 có chức năng chỉnh trang đô thị hiện hữu kết hợp phát triển đô thị mật độ thấp. Phân khu 5 phát triển đô thị sinh thái mật độ thấp kết hợp phát triển du lịch.

Về định hướng tổ chức không gian, tỉnh phát triển các trục cảnh quan chính của thị trấn Chi Lăng dọc theo sông Thương; phát triển du lịch dựa trên yếu tố cảnh quan và văn hóa địa phương với lợi thế của thị trấn.

Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Đồng Mỏ có diện tích 3.564 ha; trong đó, quy mô lập quy hoạch khoảng 2.000 ha, quy mô đất không thuận lợi xây dựng (núi đá, đồi cao, phần diện tích này không đo đạc bản đồ địa hình, chỉ khai thác cập nhật bản đồ có sẵn) là 1.564 ha.

Phía bắc giáp xã Thượng Cường và xã Mai Sao. Phía nam và đông nam giáp xã Quan Sơn và tỉnh Bắc Giang. Phía đông giáp xã Quan Sơn. Phía tây giáp xã Chi Lăng, xã Y Tịch, xã Hòa Bình.

Dân số hiện trạng năm 2021 khoảng 14.657 người. Dự báo dân số đến năm 2025 là 18.600 người và đến năm 2035 khoảng 30.000 người.

Thị trấn được quy hoạch với tính chất là thị trấn huyện lỵ, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa xã hội, trung tâm thương mại - dịch vụ của toàn huyện; là đầu mối giao thông quan trọng cửa ngõ phía tây - nam của tỉnh Lạng Sơn, có ý nghĩa chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng.

Quy hoạch thị trấn Đồng Mỏ gồm 11 phân khu chức năng. Cụ thể phân khu 1 là khu trung tâm thị trấn cũ có quy mô khoảng 85 ha. Phân khu 2 - Khu đô thị mới phía Đông có quy mô khoảng 53,5 ha. Phân khu 3 là khu đô thị mới phía Đông Nam có quy mô khoảng 55 ha.

Phân khu 4 là khu đô thị mới phía Đông Bắc có quy mô khoảng 145 ha. Phân khu 5 - Khu đô thị mới phía Tây Nam (Khu đô thị Hợp Tiến) có quy mô khoảng 90 ha. Phân khu 6 hình thành khu đô thị mới phía Tây (khu đô thị Than Muội - Làng Thành) có quy mô khoảng 135 ha.

Khu đô thị dịch vụ và công nghiệp có quy mô khoảng 90 ha (trong đó đô thị 20 ha, cụm công nghiệp 70 ha) sẽ quy hoạch thành phân khu 7. Phân khu 8 sẽ là khu cụm công nghiệp phía Đông có quy mô khoảng 370 ha.

Tiếp đến phân khu 9 là Cụm công nghiệp Chi Lăng và các khu dân cư hiện hữu, cảnh quan sinh thái nông nghiệp... có quy mô khoảng 340 ha. Phân khu 10 là vùng đồi núi phía Bắc có quy mô khoảng 848 ha. Cuối cùng, phân khu 11 là vùng đồi núi phía Nam có quy mô khoảng 1.353 ha.

Ra mắt dự án nghỉ dưỡng Sunshine Metaland tại Đà Nẵng

Tổ hợp nghỉ dưỡng – giải trí – phức hợp Sunshine Metaland có vị trí nằm tại đường Trường Sa – Võ Nguyên Giáp, bên bãi biển Mỹ Khê thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Tổ hợp nghỉ dưỡng – giải trí – phức hợp Sunshine Metaland Da Nang được triển khai trên quỹ đất có tổng diện tích 21ha. Dự án gồm 3 tòa tháp với loại hình hotel & resort 5 sao, mật độ xây dựng khoảng 40%.

Dự kiến dự án Sunshine Metaland Da Nang cung cấp ra thị trường khoảng hơn 140 căn biệt thự nghỉ dưỡng với diện tích đất da dạng từ 300 – 1.400m2.

Dự án Sunshine Metaland sở hữu những tiện ích nội khu gồm: trung tâm thương mại, khuôn viên tản bộ, bể bơi ngoài trời, khu vực giải trí dành cho trẻ em, khu vực tập gym – yoga, bến du thuyền đẳng cấp, nhà hàng, beach bar, VIP Lounge, khu vực BBQ, an ninh khu vực,…

Ra mắt dự án nghỉ dưỡng Sunshine Metaland tại Đà Nẵng.
Ra mắt dự án nghỉ dưỡng Sunshine Metaland tại Đà Nẵng.

Từ dự án Sunshine Metand có thể di chuyển dễ dàng đến các khu vực lân cận, chẳng hạn: di chuyển đến núi Ngũ Hành Sơn 1,7km; cách Trường THCS Huỳnh Bá Chánh 900m; đến UBND phường Hòa Hải 2,4km; cách Công an phường Hòa Hải 2,8km; cách Trạm Y tế phường Hòa Hải, chợ Non Nước khoảng 2,7km; di chuyển đến Sân bay Quốc tế Đà Nẵng khoảng 14km;…

Tổ hợp nghỉ dưỡng – giải trí – phức hợp Sunshine Metaland được đầu tư bởi Tập đoàn Sunshine, được thành lập vào ngày 13.04.2016 có trụ sở đặt tại: Tầng 9, tòa nhà Sunshine Center, 16 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, do ông Đỗ Văn Trường (sinh năm 1979) giữ chức vụ Tổng giám đốc doanh nghiệp.

Dự án Sunshine Metaland được phát triển bởi Sunshine Homes.

Dự án có đơn vị phân phối và tư vấn Đầu tư – Tài chính KSFinance Group, đơn vị thi công xây dựng là Smart Construction và được thiết kế bởi Mercurio Design Lab – thành viên của Tập đoàn kiến trúc Italy AMA.

Giá căn hộ, biệt thự tại dự án Sunshine Metaland sẽ được chủ đầu tư công bố trong thời gian đến. Dự án Sunshine Metaland được triển khai vào năm 2022 và đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng.