Nhiều hệ lụy từ thổi giá, dìm giá, quân xanh, quân đỏ từ đấu giá đất

Chiều 16/3, Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm nhất là đấu giá đất.

Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tình trạng "bắt tay ngầm" trong đấu giá đất; "thổi" giá đất để trục lợi cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường - Trần Hồng Hà cho biết:

Việc đấu giá đất trong thời gian vừa qua đã nổi lên, không chỉ thổi giá mà thực tế còn là dìm giá, quân xanh quân đỏ. Đó là một điều hết sức bức xúc, ảnh hưởng của nó hết sức nghiêm trọng, làm biến động thị trường BĐS, thất thoát tài sản của Nhà nước, làm cho việc thổi giá lên tạo ra mặt bằng mới, ảnh hưởng toàn bộ hệ thống kinh tế. Nói sâu hơn nữa, việc thổi giá lên, đằng sau ấy còn rất nhiều hệ lụy.

Đặc biệt, các ngân hàng khi giá ảo nhưng có thể rút tiền thực tại ngân hàng, làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ. Ông Trần Ngọc Hà cho rằng các đại biểu đều nhận thức và thấy rõ nguy cơ này. Dưới góc độ của Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng các bộ liên quan, đã có những đánh giá khá kỹ lưỡng, nghiên cứu của các hiệp hội góp ý. Và thấy rõ là do rất nhiều nguyên nhân.

Theo ông Trần Hồng Hà, nguyên nhân thứ nhất là góc độ pháp luật. Hiện tại, đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi các luật khác nhau, Luật Đấu giá, Luật Đất đai, các quy định liên quan vè tài chính, thuế…. Do nhiều luật, nên các quy định thiếu cụ thể, cả về trình tự, phương thức, đặc biệt là khi một loại tài sản mà giá trị về tài nguyên khác biệt như là đất đai thì không thể so sánh như một vật thể giá trị khác mà bấy lâu nay hay đấu giá.

Chính vì vậy, ở góc độ này, theo pháp luật có rất nhiều nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường phải có quy định, phương pháp trình tự để đấu giá đối với tài sản là đất đai, phải có phương pháp khác chặt chẽ hơn so với trình tự hiện nay.

Điển hình như, Luật Đất đai mới quy định điều kiện các doanh nghiệp tham gia đấu giá mà chưa quy định cụ thể điều kiện như thế nào: năng lực của doanh nghiệp, năng lực chấp hành kỷ cương pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn…Và những vấn đề này chưa được quy định rõ ràng, kể cả tiền đặt cọc… Hoặc trong trường hợp giá khởi điểm và giá phát sinh sau này đấu giá tăng lên nhiều lần thì vấn đề liên quan như: như thế nào là một cuộc đấu giá bình thường, như thế nào là một cuộc đấu giá không bình thường thì cần phải được quy định bởi pháp luật để cho người tổ chức tham gia đấu giá có trách nhiệm vừa có được cơ sở pháp lý để điều chỉnh.

Bản tin bất động sản 17/3: Đại biểu Quốc hội chất vấn việc thổi giá, dìm giá, quân xanh, quân đỏ trong đấu giá đất
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường - ông Trần Hồng Hà. Ảnh: Truyền hình Nhân dân

Về vấn đề quân xanh, quân đỏ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận đây là một vấn đề có thực. Về giải pháp ngăn chặn vấn nạn này, ông Trần Hồng Hà nói rằng: "Chúng ta cũng cần nghiên cứu trong trường hợp đất đai, hiện nay có 3 hình thức thì lựa chọn theo hình thức nào? Trực tiếp hay gián tiếp, trực tuyến hay trực tiếp. Nên làm thành mấy đợt đấu giá để lựa chọn đúng doanh nghiệp, người mua có năng lực. Ngoài ra cần phải tăng cường kỷ cương đối với doanh nghiệp, cần kiểm tra, thanh tra, điều tra đối với các cơ quan công quyền suy thoái, cung cấp thông tin rồi cùng với các nhà đấu giá hưởng lợi phi pháp".

Bộ trưởng cũng cho rằng, đã có quy định về điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá đất, nhưng chưa cụ thể về điều kiện năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn. "Phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá rồi bỏ cọc thì phải xử lý, để lần sau họ không tham gia được, như vậy mới đủ sức răn đe", ông Trần Hồng Hà nói. Đồng thời, ông Trần Hồng Hà đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý cơ quan công quyền và doanh nghiệp lợi dụng vấn đề đấu giá. Ngoài ra, chế tài xử lý cần mạnh hơn, cả hình sự, kinh tế để đủ tính răn đe.

23 dự án trọng điểm với tổng vốn 35.000 tỷ đồng tại Lạng Sơn

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành danh mục các dự án trọng điểm năm 2022. Trong danh mục dự án này có 5 dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, 18 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước (bao gồm 5 dự án PPP). Các dự án với tổng mức đầu tư 34.591 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành muộn nhất vào năm 2027.

Cụ thể, 5 dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước là cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3+700 đến Km18) trị giá 988,3 tỷ đồng; Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (ODA) với tổng mức đầu tư 1.377,6 tỷ đồng; Nút giao đường cao tốc vào Khu công nghiệp Hữu Lũng trị giá 193,1 tỷ đồng; Khu tái định cư, dân cư xã Hồ Sơn và xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng với tổng mức đầu tư 213,4 tỷ đồng; Nâng cấp đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B trị giá 3.400 tỷ đồng.

Trong 18 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước có 16 dự án khu đô thị, du lịch, khu công nghiệp quy mô lớn. Đơn cử là Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn với tổng mức đầu tư 3.299 tỷ đồng; quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn 3.499 tỷ đồng; Khu đô thị mới Mai Pha, thành phố Lạng Sơn 3.380 tỷ đồng; Khu đô thị mới Hữu Lũng 1.989 tỷ đồng; Khu đô thị phía Đông, thị trấn Đồng Mỏ 1.553 tỷ đồng; Khách sạn sân golf Hoàng Đồng - Lạng Sơn 1.057 tỷ đồng; Khu công nghiệp Hữu Lũng 599,76ha; xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Hợp Thành 1, Hợp Thành 2 và khu tái định cư Hợp Thành 440 tỷ đồng...

Trong năm nay, Lạng Sơn cũng sẽ chú trọng đầu tư 2 công trình giao thông trọng điểm là tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km1+800 - Km44+749 (Hữu Nghị - Chi Lăng) và cầu Lộc Bình số 1, đường giao thông và khu tái định cư xã Lục Thôn.

Thừa Thiên Huế: Giá khởi điểm bán đấu giá đất dự án thương mại dịch vụ quy mô hơn 1.600 tỷ đồng

Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện đầu tư Dự án Tổ hợp nhà ở, thương mại - dịch vụ và vui chơi giải trí An Đông tại khu đất thuộc phường An Đông, thành phố Huế và phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy. Tổng mức đầu tư của Dự án lên tới 1.616,155 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư với mục tiêu hình thành tổ hợp nhà ở kinh doanh kết hợp trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, khu vui chơi giải trí và dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch đến Thừa Thiên Huế.

Theo đó, Khu đất Dự án Tổ hợp nhà ở, thương mại - dịch vụ và vui chơi giải trí An Đông này có vị trí tiếp giáp Khu đô thị mới Đông Nam Thủy An; giáp Dự án Khu nhà ở An Đông; giáp khu dân cư hiện trạng và đất có mặt nước. Diện tích khu đất đấu giá là 162.553,8 m2, trong đó diện tích thuộc địa bàn phường An Đông, thành phố Huế là 32.215,4 m2; diện tích thuộc địa bàn phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy là 130.338,4 m2. Diện tích giao và cho nhà đầu tư thuê đất để xây dựng và kinh doanh là 71.094,36 m2.

Bản tin bất động sản 17/3: Đại biểu Quốc hội chất vấn việc thổi giá, dìm giá, quân xanh, quân đỏ trong đấu giá đất
Giá khởi điểm bán đấu giá đất dự án thương mại dịch vụ quy mô hơn 1.600 tỷ đồng tại Thừa Thiên Huế. Ảnh minh họa

Quy mô đầu tư gồm 301 lô quy hoạch đất ở liền kề và biệt thự với tổng diện tích là 46.306,53 m2 (50 lô đất biệt thự, tổng diện tích 13.937,51 m2 và 251 lô liền kề, tổng diện tích 32.369,02 m2); 309 căn nhà ở xã hội (tổng diện tích 11.800 m2).

Dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bổ sung vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin kêu gọi đầu tư theo quyết định số 2697/QĐ-UBND ngày 26/10/2020.

Theo Quyết định số 619/QĐ-UBND ngày 10/3/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện Dự án Tổ hợp nhà ở, thương mại - dịch vụ và vui chơi giải trí An Đông, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất ở có thu tiền sử dụng đất (tính cho phần diện tích đất xây dựng nhà ở thấp tầng 46.306,53 m2) là 334,594 tỷ đồng và mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thương mại, dịch vụ (tính cho diện tích đất thương mại dịch vụ là 12.987,81 m2) là 60,157 tỷ đồng. Tổng giá khởi điểm đấu giá toàn bộ khu đất là 394,751 tỷ đồng.

Nhà đầu tư trúng đấu giá nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một lần theo kết quả trúng đấu giá và thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của cơ quan Thuế.

Thời gian đấu giá trong năm 2022. Sẽ thông báo công khai nửa cuối tháng 3/2022; dự kiến đấu giá lần thứ 1 vào nửa cuối tháng 4/2022; tổ chức đấu giá lần thứ 2 trở đi theo đúng quy định.

Quảng Bình: Tập đoàn FLC ra mắt phân khu La Diva The Show

Phân khu La Diva The Show có vị trí nằm tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh và xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Phân khu nằm trong dự án The Show của đại đô thị biển FLC Quảng Bình có quy mô lớn gần 2.000 ha trải dài trên 5 km đường bờ biển xã Hải Ninh.

Theo thông tin ban đầu, The Show có tổng diện tích 79,9 ha được quy hoạch với 2 phân khu Ocean Theater và Ocean Bay.

Dự án sẽ cung cấp ra thị trường: 248 căn shophouse, diện tích từ 90 - 112 m2 với thiết kế chiều cao từ 1,5 - 4 tầng. Ngoài ra còn các sản phẩm khác như biệt thự và mini hotel.

Bản tin bất động sản 17/3: Đại biểu Quốc hội chất vấn việc thổi giá, dìm giá, quân xanh, quân đỏ trong đấu giá đất
Phối cảnh phân khu La Diva The Show tại Quảng Bình.

Phân khu La Diva The Show sở hữu những tiện ích nổi bật như tổ hợp sân Golf Links 10 sân liên hoàn với 180 hố tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại đang đi vào hoạt động 2 sân với 36 hố. Cùng các khu vui chơi khác như làng công viên cát Sand Park, công viên bên bờ biển Ocean Park và vườn thú Safari…

Chủ đầu tư dự án Phân khu La Diva The Show Quảng Bình là Tập đoàn FLC, đơn vị phân phối của dự án là Midland.

Ngoài dự án Phân khu La Diva The Show, Tập đoàn FLC còn thực hiện các dự án có diện tích lớn khác như: Khu nghỉ dưỡng Homeliday Eo Gió Quy Nhơn, Quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng FLC Gia Lai Golf Club & Luxury Resort, Khu đô thị FLC La Vista Sadec Đồng Tháp, Khu đô thị FLC Legacy Kontum…