Làm nên những mùa gặt lớn

Trong mỗi bước đi lên, lịch sử Đảng ta luôn song hành cùng lịch sử Dân tộc. Từ trong đêm mờ xa xôi, khi đất nước chìm đắm trong nô lệ, tưởng chừng không có đường ra, Đảng ta được thành lập, trả lại cái búa cho người thợ, trả lại cái liềm cho nông dân, 15 tuổi phất cao cờ Tháng Tám, tiếp tục đưa con thuyền cách mạng tới bến bờ vui.

“Pho lịch sử bằng vàng” được Bác Hồ tổng kết năm Đảng ta tròn 30 tuổi ngày mỗi dày thêm, kết tinh trong đó bao trí tuệ, bao chiến công oanh liệt và sự hi sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ anh hùng. Công cuộc đổi mới 36 năm qua do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, càng làm vẻ vang chặng đường đấu tranh cách mạng từ giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc đến cuộc hành trình lâu dài, gian khó để về đích cuối cùng - đất nước thịnh vượng, người dân sống trong tự do và hạnh phúc.

Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 –1784) từng nói về kế sách giữ nước: “Phi công bất hoạt, phi thương bất phú, phi nông bất ổn, phi trí bất hưng”. Đất nước muốn giàu có, phong lưu thì công nghiệp, thương mại phải phát triển. Đủ thấy vai trò to lớn của các doanh nghiệp.

Việt Nam có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân “tỷ đô”.

Từ Đại hội III của Đảng, năm 1960, Đảng ta đã khẳng định phải tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó có cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật. Trong hoàn cảnh chiến tranh, từ một đất nước nông nghiệp còn nghèo nàn, lạc hậu, chúng ta đã sớm nhìn ra con đường đi lên giàu mạnh phải trông đợi ở các nhà máy, xí nghiệp, với những người công dân thật sự làm chủ. Các Đại hội tiếp theo từng bước cụ thể hóa chiến lược phát triển đất nước trong mỗi thời kỳ.

Vai trò doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được coi trọng. Đương nhiên, một đất nước có tới gần 80% số dân làm nông nghiệp, có giai đoạn chúng ta xác định nông nghiệp phải được coi là mặt trận hàng đầu, coi nông nghiệp là sinh kế, nông thôn là cội nguồn, nông dân là trung tâm. Ca dao xưa từng nhắc: “Được mùa chớ phụ ngô khoai/Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”. Vậy là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được xem là cứu cánh. Nhà nước, nhà băng, nhà khoa học đi cùng với nhà nông, và nông nghiệp, nông dân ta đã bay trên đôi cánh sải rộng với nội lực mạnh mẽ, làm nên những mùa gặt lớn.

Ngày nay, khi đất nước bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện, nước ta đã có hơn 800 nghìn doanh nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh. Từ số lượng ban đầu nhỏ bé, đến nay đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hơn 5 triệu người. Sự tích lũy về lượng gắn liền với những biến đổi về chất. Doanh nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là góp phần giải quyết việc làm, không chỉ ở đô thị mà hướng tới các khu vực nông thôn. Có một con số khá ấn tượng, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP, với khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thêm nhiều doanh nghiệp, doanh nhân “tỷ đô”

Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh một trong những “đột phá chiến lược” để đưa đất nước đi lên là: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.

Định hướng quan trọng đó là hành lang rộng để phát triển các doanh nghiệp nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng đội ngũ doanh nhân. Ngoài những thành tựu nêu trên, có một câu chuyện đáng mừng, chưa có bao giờ Việt Nam lọt vào top "tỷ phú đô la" thế giới nhiều như thế. Tháng 4/2021, tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách hơn 2700 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Trong danh sách tỷ phú toàn cầu, Việt Nam có 6 người góp mặt, nhiều hơn 2 người so với năm 2020. Đứng đầu danh sách là doanh nhân Phạm Nhật Vượng, có số tài sản trị giá 7,3 tỷ USD, xếp vị trí 344 của thế giới. Tiếp sau là các gương mặt đáng nể: CEO Hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, với tài sản 2,8 tỷ USD, cao hơn mức 2,1 tỷ USD của năm ngoái; Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long: 2,2 tỷ USD; Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO: 1,6 tỷ USD; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh: 1,6 tỷ USD); Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang: 1,2 tỷ USD. Và dịp Tết này, theo thông tin mới nhất đã thấy thấp thoáng 5 ứng cử viên tương lai. Họ đang sở hữu khối tài sản lớn từ 0,93 đến 1,21 tỷ USD.

Đấy là chúng ta đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Làn sóng dịch lần thứ tư với biến thể mới đã khiến cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam choáng váng. Từ chỗ lo chống chọi dịch bệnh, chủ trương thực hiện “zero covid” sang thích ứng an toàn để bảo đảm mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất. Từ tháng 11/2021 thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, cả nước đã bước sang giai đoạn mới. Các nhà máy đã hoạt động trở lại. Không ít nơi đã khôi phục sản xuất được 100%. Các đường phố “ngủ” trong thời gian dài giãn cách đã sống lại trong nhịp sống mới giống như năm xưa “tay cày tay súng”, “tay búa tay súng”. Đúng như nhận xét của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Nguyên nhân giúp chúng ta đạt được kết quả chống dịch, trước hết là do sự cố gắng hết mình của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc, đóng góp của của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.

Doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp đang từng ngày vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.

Định hướng phát triển kinh tế đã hình thành trong giai đoạn khó khăn, thách thức còn tiếp tục, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam tổ chức đầu tháng 12/2021 với slogan “Phục hồi và phát triển bền vững” các nhà khoa học nhất trí cao với “phương án” hai chữ P và hai chữ C.

Hai chữ P là phục hồi và phát triển, với lưu ý, không phát triển bằng mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Vừa chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động cơ tăng trưởng, các động lực tăng trưởng, để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng, vừa bám vào mục tiêu dài hạn trong việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh, nhưng bền vững.

Còn hai chữ C là chính sách và cuộc sống. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà không xuất phát từ hơi thở, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch đi. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào trong chính sách thì bản thân chính sách không đi vào cuộc sống trôi chảy và hiệu quả được”.

Bản lĩnh Việt Nam

Càng trong gian khó, càng phải thể hiện ý chí, khát vọng và bản lĩnh Việt Nam. Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực là quyết định. Bước vào năm mới, công việc cần làm là thiết lập chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trước mắt là hai năm 2022-2023. Các doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ, cùng các ngành hữu quan làm nòng cốt trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế bền vững. Muốn vậy phải có chiến lược kinh doanh phù hợp; đi sâu cải cách và tạo dựng thể chế mới; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hoàn thiện môi trường kinh doanh với những mô hình kinh doanh mới, tận dụng thời cơ hội nhập quốc tế.

Mùa xuân về đem đến cho đất trời và con người sự tươi mới, trẻ trung. Mặc dù còn bao gian nan phía trước, cuộc chiến với dịch bệnh chưa ngưng nghỉ, nhưng chúng ta có quyền hy vọng ở năm mới những điều tốt lành. Chiến thắng thuộc về những người lạc quan, giàu bản lĩnh và thích nghi trong mọi hoàn cảnh, như cha ông ta xưa đã bao phen từng thắng trong những hoàn cảnh tưởng như không thể thắng.

Như Đảng ta và Bác Hồ kính yêu từng dẫn dắt dân tộc này làm nên lịch sử thần kỳ mang ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc trong thế kỷ XX. Và giờ đây trong thập niên thứ ba thế kỷ XXI, Đảng ta đang tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.