Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có 60% khả năng sẽ mạnh lên thành bão. Các địa phương tuyệt đối không chủ quan và cần sẵn sàng ứng phó với mưa lũ trên tinh thần của một cơn bão.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCCTT) Nguyễn Hoàng Hiệp đã nhấn mạnh như trên tại cuộc họp ứng phó với ATNĐ sáng 23/9. Cuộc họp có sự tham gia trực tuyến của nhiều bộ ngành, tỉnh thành dự kiến ATNĐ ảnh hưởng.
Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, ATNĐ hiện đang cách bờ biển Phú Yên khoảng 330km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9. Dự báo chiều tối nay (23/9), ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.
Do ảnh hưởng của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, trong hai ngày 23 – 24/9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to đến rất to và dông, với tổng lượng mưa phổ biến 150 - 250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 23/9 đến 25/9, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3,0 - 7,0m, hạ lưu từ 1,0 - 3,5m.
Đáng lo ngại hiện nay, theo dữ liệu trích xuất từ hệ thống quản lý tàu cá (VNDMS), trong khu vực nguy hiểm của ATNĐ vẫn còn 236 tàu đang hoạt động. Trong đó nhiều nhất là Bình Định 112 tàu, tiếp đến là Quảng Ngãi 65 tàu, Quảng Nam 13 tàu, Phú Yên 18 tàu…
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sáng 23/9 |
Liên quan đến tình hình hồ chứa, hiện nay cơ bản các công trình vẫn bảo đảm an toàn. Các hồ vận hành phát điện theo kế hoạch. Dung tích các hồ thuỷ lợi cũng đang ở mức thấp. Tuy nhiên, khu vực đê biển, đê cửa sông khu vực từ Hà Tĩnh – Bình Định hiện có 34 vị trí xung yếu cần được đặc biệt quan tâm.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, có đến 60% khả năng ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão. Nhưng ngay cả khi không mạnh lên thành bão thì ATNĐ cũng mạnh tiệm cận sức bão. Do đó, các địa phương và người dân cần tránh tâm lý chủ quan. Trong ứng phó, phải xem là đang sẵn sàng đón bão.
Ít giờ tới, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương cần tranh thủ “thời gian vàng” để tập trung kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu cá thoát ra, không đi vào vùng nguy hiểm và vào nơi tránh trú an toàn. Tập trung vận động, hỗ trợ di dời bà con trên các lồng, bè nuôi trồng thuỷ sản.
Đối với các hồ chứa, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đề nghị lưu ý một số hồ chứa thuỷ điện như Hố Hô; các hồ thuỷ lợi chưa tích nước nhiều nhưng nhiều hồ đang sửa chữa nên cần giám sát chặt. Đặc biệt, ông Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương quản lý tốt, bảo đảm an toàn cho người dân khi đi qua ngầm tràn, đường ngập nước. “Các địa phương phải tổ chức ứng trực, hướng dẫn việc qua lại ngầm tràn như trực chốt “vùng xanh Covid-19”, để bảo vệ an toàn của người dân” – ông Hiệp nhấn mạnh.
Đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT cũng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng. Sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản, cũng như an toàn phòng dịch Covid-19.
URL: https://thitruongbiz.vn/ap-thap-nhiet-doi-nhieu-kha-nang-manh-len-thanh-bao-d2429.html
© thitruongbiz.vn