“Đất vàng” trở thành bãi gửi xe sau 12 năm bỏ hoang

Tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), một khu đất có diện tích hơn 4.000m2 hết là nơi tập kết phế liệu, bán trà đá tới thành bãi gửi xe tự phát.

Khu đất đó nằm ở vị trí đắc địa đối diện Công viên Hòa Bình, vốn được giao cho Công ty CP bất động sản AIC thuê để xây dựng dự án hỗn hợp văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh (gọi tắt là dự án AIC Xuân Đỉnh).

Theo tìm hiểu, ngày 16/3/2009, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1240 về việc thu hồi 4.065m2 đất tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm – PV), cho Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hà Nội thuê để thực hiện dự án Xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh. Trong đó có 1.725m2 đất để xây dựng bãi đỗ xe kinh doanh kết hợp cây xanh và 2.340m2 để xây dựng văn phòng, trụ sở.

Cũng tại vị trí này, đến ngày 29/7/2010, UBND TP tiếp tục ban hành Quyết định 3713 về việc thu hồi 4.065m2 đất tại lô F1, F2, cho Công ty cổ phần bất động sản AIC thuê để tiếp tục thực hiện dự án xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh.

Tiếp đó ngày 23/9/2011, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4459/QĐ-UBND phê chuẩn điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đất xây dựng nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất (tỷ lệ 1/500), điều chỉnh từ dự án 7 tầng nổi thành 35 tầng nổi và 4 tầng hầm. Nội dung điều chỉnh từ chức năng xây dựng Công trình trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh, sang chức năng xây dựng Hỗn hợp văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh…

Dự án AIC Xuân Đỉnh đã chậm tiến độ suốt 12 năm nhưng vẫn chưa bị xử lý triệt để.
Dự án AIC Xuân Đỉnh đã chậm tiến độ suốt 12 năm nhưng vẫn chưa bị xử lý triệt để. Ảnh: Công thương

Với bản quy hoạch được phê duyệt, đã 12 năm kể từ khi công ty này được giao đất, “hỗn hợp văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh” với 35 tầng nổi và 4 tầng hầm vẫn chưa thấy hình bóng. Sau 12 năm kể từ thời điểm giao đất đến nay, dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy. Đến thời điểm hiện tại (tháng 2/2022) toàn bộ khu đất của dự án vẫn quây tôn bỏ trống, hiện đang được làm bãi đỗ xe tạm của một số xe hợp đồng.

Liên quan đến dự này, AIC Xuân Đỉnh từng bị UBND thành phố Hà Nội “bêu tên” là một trong những dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn giai đoạn 2012 – 2017. Ngày 17/9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 151/QĐ-STNMT-TTr, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với những dự án như thế này.

Giữa năm 2021, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 37/215 dự án chưa khắc phục dứt điểm các vi phạm để kết luận, làm rõ nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết triệt để các vi phạm. Trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ì tiếp tục vi phạm thì kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án hoặc thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy rõ, một dự án đã giao đất hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng 12 năm vẫn chưa triển khai, nhiều lần điều chỉnh tiến độ và cũng nhiều lần bị cơ quan quản lý Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Khu đô thị trở thành nơi thả bò

Cùng chung số phận với AIC Xuân Đỉnh, một dự án khác do Công ty bất động sản AIC (trực thuộc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC)) làm chủ đầu tư cũng rơi vào tình trạng “bất động” sau 10 năm. Đó là khu đô thị mới AIC tại xã Mê Linh và xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Tìm hiểu được biết, dự án khu đô thị AIC Mê Linh được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định 2389 ngày 11/7/2008 (thời điểm huyện Mê Linh chưa sát nhập về Hà Nội).

Ngày 23/9/2011 (thời điểm đã sát nhập), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định 4457 về việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án khu đô thị AIC Mê Linh nằm trên hai xã Tiền Phong và Mê Linh, thuộc huyện Mê Linh tỷ lệ 1/500 thay cho Quyết định 2389 ngày 11/7/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trước đây.

Theo phê duyệt, dự án có tổng diện tích hơn 94ha, gồm các lô biệt thự có diện tích từ 160m2, chung cư cao tầng (cao tối đa 32 tầng), nhà liền kề…

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, hiện chủ đầu tư mới chỉ triển khai thi công xây dựng một phần diện tích đất và hoàn thành một số hạng mục cơ sở hạ tầng thuộc dự án,nhưng hạ tầng cũng chưa kết nối được với các tuyến đường ra vào các trục đường mà người dân thường đi lại.

Tại khu vực dự án không có biển báo thông tin dự án và bất kỳ công trình xây dựng như biệt thự, chung cư hay nhà liền kề nào. Nhiều phần diện tích đất vẫn đang là cánh đồng hoang và được người dân tận dụng để canh tác trồng hoa, chuối, chăn thả trâu bò…

Dự án khu đô thị mới nhưng giờ lại trở thành nơi chăn bò. Ảnh Công lý & Xã hội
Dự án khu đô thị mới nhưng giờ lại trở thành nơi chăn bò. Ảnh Công lý & Xã hội

Ngày 22/4/2022 UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1369/QĐ-UBND về việc quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu Đô thị AIC tại hai xã: Tiền Phong và Mê Linh (huyện Mê Linh)điều chỉnh lần thứ nhất.

Theo đó, địa điểm thực hiện dự án khu đô thị AIC thuộc xã Mê Linh, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Tổng diện tích sử dụng đất gần 100ha theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4457/QĐ-UBND ngày 23-9-2011.

Dự án bao gồm công trình hỗn hợp có diện tích đất khoảng 12,5ha, quy mô dân số dự kiến 6.898 người; tầng cao từ 25-32 tầng, diện tích sàn nhà ở khoảng 339.654m².

Công trình công cộng có tổng diện tích đất khoảng 1,5ha; cao 3 tầng. Công trình giáo dục để kinh doanh với tổng diện tích đất khoảng 5,8ha, trong đó, công trình nhà trẻ tổng diện tích là 1,4ha, độ cao 2 tầng; công trình Trường THCS tổng diện tích là 2,75ha, cao 3 tầng; công trình trường tiểu học tổng diện tích là 1,6ha, cao 3 tầng; công trình cây xanh thể dục thể thao - bãi đỗ xe có tổng diện tích khoảng 1ha. Công trình nhà ở để bán với diện tích đất khoảng 34,8ha, trong đó, nhà ở biệt thự khoảng 30,4ha, gồm 66 lô đất.

Dự kiến, diện tích sàn nhà chung cư tại các công trình hỗn hợp khoảng 339.654m². Đối với nhà ở thấp tầng (biệt thự), tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 396.237m², tổng số lượng 1.507 căn.

Số lượng căn hộ, diện tích sàn nhà ở sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập, phê duyệt dự án theo quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm phù hợp quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 13.181 tỷ đồng từ nguồn vốn thuộc sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác.

Dự án dự kiến hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV-2026.

Được biết, ngoài hai dự án trên, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC còn là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt 2000 tấn/ngày đêm (thuộc địa bàn xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội). Dự án này được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4519 ngày 19/9/2010, theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4.753 tỉ đồng, có diện tích hơn 15ha. Đến thời điểm này, dư án đang chậm triển khai thi công xây dựng hạng mục chính của nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt.

Thực trạng “ôm” đất rồi bỏ hoang của AIC khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về năng lực của doanh nghiệp cũng như số phận những dự án do doanh nghiệp này phụ trách. Song câu hỏi lớn nhất là tại sao sau 10 năm bỏ không, những khu đất trên vẫn chưa bị thu hồi?

Theo luật sư Trần Đức Phượng, các cơ quan quản lý cần phải thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử lý thu hồi dự án chậm triển khai, theo đúng quy định pháp luật.

“Các dự án đã được giao đất, vướng về giải phóng mặt bằng hoặc chậm triển khai thực hiện trong thời gian qua do quy định về phê duyệt dự án chưa chặt chẽ, mặt khác việc kiểm tra và xử lý (phạt hành chính, thu hồi dự án) vẫn chưa được thực hiện nghiêm nên mới xảy ra hiện tượng nhiều dự án không triển khai hoặc không đúng tiến độ”, luật sư Phượng khẳng định.

Ngày 29/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Phan Huy Anh Vũ, giám đốc Sở Y tế, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty AIC, một số nhân viên công ty này và một số người thuộc Công ty cổ phần thẩm định giá và tư vấn đầu tư xây dựng Thế Hệ Mới.

Theo thông tin tự giới thiệu AIC Group trên trang aicgroup.com của công ty cho thấy, hệ sinh thái AIC Group gồm 29 công ty con, hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ y tế, giáo dục, chuyển đổi số, tài nguyên môi trường đến bất động sản.

Liên quan đến các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn, HĐND thành phố Hà Nội giao UBND thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo trong Quý II/2022 tập trung xong công tác hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm; phấn đấu hết Quý IV/2022 thực hiện xử lý xong các dự án chây ì, tiếp tục vi phạm.

Theo thông tin từ báo Nhân Dân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Bùi Duy Cường cho biết, đến nay, thành phố có 135 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Trong đó, có 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố; 38 dự án đã chấm dứt hoạt động dự án theo quy định; 74 dự án được UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý.

Đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra 404 dự án. Hiện, có 96 dự án với diện tích 290,9 ha đất, sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các bất cập đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai; 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất, kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.

Đến nay, UBND thành phố đã ban hành quyết định thu hồi đất 10 dự án với tổng diện tích 177,7 ha. Có 60 dự án với tổng diện tích 9 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng. Có 63 dự án với tổng diện tích 1.426,1 ha đất chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; 20 dự án với tổng diện tích 92,1 ha đất chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, có 136 dự án có các vi phạm khác, đã kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể tại kết luận thanh tra đối với từng dự án.

Tính đến ngày 31/3/2022, UBND thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế thành phố kiểm tra, rà soát đối với 170 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính, trong đó 136 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất, tổng số tiền 22.247 tỷ đồng; 34 dự án còn nợ 3.330 tỷ đồng.